Các phim ngoại truyện hay hơn cả mạch chính thương hiệu

'Creed', 'Deadpool' hay 'Logan' là những phim spin-off vô cùng thành công và gặt hái được nhiều lời khen ngợi hơn cả thương hiệu chính đang có dấu hiệu đi xuống.

Puss in Boots (2011): Mèo đi hia là nhân vật phụ trong loạt Shrek, được khán giả yêu mến bởi tài đánh kiếm, cũng như biểu cảm giả vẻ dễ thương khi cậu cần lấy lòng đối phương. Do đó, khi Shrek có dấu hiệu đi xuống về mặt nội dung, Puss in Boots lập tức được chọn làm trung tâm cho một phần ngoại truyện. Thật tiếc khi Puss in Boots không gây tiếng vang tại phòng vé. Nhưng tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao hơn Shrek the Third Shrek Forever After thuộc thương hiệu gốc.

Penguins of Madagascar (2014): Madagascar là thương hiệu hoạt hình ăn khách đến từ DreamWorks với vô số xuất phẩm ăn theo. Phim đánh trúng tập khách hàng trẻ em nên vẫn bán được vé, nhưng chất lượng nội dung thực tế chỉ ở mức trung bình. Do đó, tập phim ngoại truyện về nhóm chim cánh cụt siêu quậy được cho là “làn gió mới” cần thiết dành cho thương hiệu vào năm 2014. Không quá đột phá hay sâu sắc, Penguins of Madagascar thành công khi đem tới những mảng miếng hài hước mới mẻ hơn loạt phim gốc.

Creed (2015): Rocky (1976) từng giành giải Oscar hạng mục Phim truyện xuất sắc, và là cơ sở để Sylvester Stallone mở ra thương hiệu kéo dài 6 phần. Khi tuổi tác dần trở thành gánh nặng đối với Sly, các nhà sản xuất quyết định thực hiện Creed - tập phim về Aldonis Creed, tức con trai của Apollo Creed. Đó là nước cờ sáng suốt. Bản thân Creed cực kỳ xuất sắc về mặt nội dung và kỹ thuật làm phim. Theo đó, tác phẩm spin-off trở thành điểm sáng của toàn bộ thương hiệu phim quyền Anh. Sau đó, Creed II (2018) đã ra đời, và đang được ấp ủ làm tiếp phần ba.

Deadpool (2016): Fox mắc sai lầm với nhân vật Deadpool ở X-Men Origins: Wolverine (2009). Nhưng bảy năm sau, thế giới đã tha thứ cho họ và tài tử Ryan Reynolds. Deadpool thực chất là một phần ngoại truyện của thương hiệu X-Men rộng lớn. Nhân vật nay như bước ra từ trong truyện, khiến khán giả thỏa mãn bởi tính cách tưng tửng, cái miệng như tép nhảy, và hàng loạt pha hành động bạo lực đúng bản chất. Doanh thu 783,1 triệu USD toàn cầu là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của Deadpool, và phim chắc chắn có chất lượng vượt trội so với nhiều tác phẩm khác thuộc X-Men.

Rogue One: A Star Wars Story (2016): Sau khi khép lại, bộ ba phim Star Wars mới gây ra vô số tranh cãi, như chuyện phần VII quá giống phần IV, phần VIII đi chệch khỏi hướng đi thương hiệu, hay phần IX chỉ là pha cứu vãn nội dung trong tuyệt vọng. Từ đây, công chúng cảm thấy trân trọng hơn phần ngoại truyện mang tên Rogue One. Dù có nội dung chỉ dựa trên một tình tiết nhỏ ở A New Hope (1977), tác phẩm spin-off thực tế vẫn có chỗ đứng riêng, đem tới nhiều pha hành động mãn nhãn và nhiều cảm xúc. Dù vậy, vẫn có vài ý kiến phàn nàn về khâu dựng phim còn nhiều vấn đề của Rogue One.

Logan (2017): Không ít người hâm mộ cho rằng Logan là bộ phim hay nhất về Wolverine (Hugh Jackman), hay thậm chí toàn bộ thương hiệu X-Men. Lời chia tay của tài tử người Australia với vai diễn biểu tượng đầy máu, và cả nước mắt. Đạo diễn James Mangold đã đem đến cho người xem một tác phẩm siêu anh hùng tròn trịa, pha chút chất Viễn Tây, qua đó chinh phục số đông công chúng và giới phê bình. Đây cũng là tác phẩm siêu anh hùng hiếm hoi có đề cử Oscar ở hạng mục dành cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc.

Bumblebee (2018): Cho đến phần 5, khán giả đã quá ngán ngẩm với thương hiệu người máy biến hình do Michael Bay nhào nặn từ 2007. Paramount bèn tính toán lại kế hoạch, cho thực hiện phim ngoại truyện về người máy Bumblebee với quy mô nhỏ hơn. Bumblebee chỉ tiêu tốn 135 triệu USD, cũng như đạt doanh thu hơn 460 triệu USD. Phim có thể không mang tới quá nhiều đại cảnh cháy nổ hoành tráng. Song, chất lượng nội dung được đạo diễn Travis Knight cải thiện thấy rõ nếu so với cả bốn phần hậu truyện Transformers do Bay thực hiện.

Joker (2019): Có thể tính Joker như một phim ngoại truyện của DCEU, dù Warner Bros. từng khẳng định bộ phim không hề liên quan tới vũ trụ điện ảnh. Tới đây, hãng có thể xây dựng một vũ trụ phim hoàn toàn mới dựa trên tác phẩm này. Joker đã thu hơn 1 tỷ USD, bất chấp bị gắn nhãn R và gây nhiều tranh cãi về tính bạo lực. Câu chuyện về nguồn gốc của Joker đồng thời đem về cho Joaquin Phoenix giải Oscar hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc hồi đầu năm. Không ai có thể phủ nhận rằng chất lượng của Joker hoàn toàn vượt trội so với những gì DCEU đem lại từ năm 2013 tới nay.

An Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-phim-ngoai-truyen-hay-hon-ca-mach-chinh-thuong-hieu-post1097957.html