Các nước vùng Vịnh đặt cược vào chiến lược phát triển hydro 'xanh'

Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman đang đầu tư mạnh vào nhiên liệu thân thiện với khí hậu, nhằm tìm kiếm nguồn thu thay thế cho dầu mỏ và khí đốt.

Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi được hưởng lợi từ nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ, các quốc gia Arab vùng Vịnh đang để mắt đến hydro “xanh”, trong tham vọng đa dạng hóa nền kinh tế và hiện thực hóa mong muốn chống biến đổi khí hậu đã nêu ra của mình.

Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman đang đầu tư mạnh vào nhiên liệu thân thiện với khí hậu, nhằm tìm kiếm nguồn thu thay thế cho dầu mỏ và khí đốt.

Hydro xanh được tạo ra khi điện phân nước bằng năng lượng tái tạo, dường như giải quyết được nhiều vấn đề: Ít gây ô nhiễm, có tiềm năng sử dụng rộng rãi, có thể sinh lợi và thân thiện với môi trường của trái đất. Tuy nhiên, hydro xanh hiện chưa chiếm đến 1% tổng sản lượng hydro và vẫn chưa khả thi về mặt thương mại, cần mở rộng quy mô các nguồn năng lượng tái tạo và quá trình này có thể mất nhiều năm.

Theo Karim Elgendy, chuyên gia tại viện nghiên cứu Chatham House của Anh, các quốc gia vùng Vịnh, nhận thấy đây là cơ hội để tiếp tục đóng vai trò chính trong thị trường hydro toàn cầu, trong bối cảnh doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm. Theo ông, các nước này coi hydro xanh là yếu tố quan trọng để duy trì sức mạnh trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, cho phép họ tiếp tục gây ảnh hưởng khi nhu cầu nhiên liệu hóa thạch suy giảm.

Hầu hết hydro được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, nhưng hydro xanh được chiết xuất từ nước bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như gió, Mặt Trời và thủy điện. Trong khi nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí nhà kính có hại trong quá trình đốt cháy, thì hydro xanh chỉ thải ra hơi nước. Chính điều này giúp loại năng lượng này được chào đón và nhiều tiềm năng được sử dụng trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao như giao thông, vận tải đường thủy và sản xuất thép.

Với số vốn đầu tư khổng lồ của mình, Saudi Arabia đang xây dựng dự án hydro xanh lớn nhất thế giới tại siêu đô thị tương lai NEOM, trị giá 500 tỷ USD trên Biển Đỏ. Các quan chức chính quyền cho biết, nhà máy trị giá 8,4 tỷ USD sẽ tích hợp năng lượng mặt trời và gió để sản xuất tới 600 tấn hydro xanh mỗi ngày vào cuối năm 2026.

Vào tháng Bảy vừa qua, UAE - chủ nhà Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), đã phê duyệt chiến lược hydro nhằm đưa nước này trở thành một trong 10 nhà sản xuất hàng đầu vào năm 2031. Hanan Balalaa, một quan chức cấp cao của Công ty Dầu mỏ Quốc gia (ADNOC) của UAE cho biết, hydro xanh sẽ là nhiên liệu quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Hydro xanh có tiềm năng lớn trở thành nhiên liệu mới carbon thấp, mà UAE có nhiều lợi thế để phát triển trong lĩnh vực này.

Thua xa Saudi Arabia và UAE về sản xuất nhiên liệu hóa thạch, Oman cũng sẵn sàng dẫn đầu cuộc đua phát triển hydro sạch ở vùng Vịnh. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tháng Sáu, vương quốc này đang trên đà trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh lớn thứ sáu trên toàn cầu và lớn nhất ở Trung Đông vào cuối thập kỷ này.

IEA cho biết, Oman đặt mục tiêu sản xuất ít nhất một triệu tấn hydro xanh mỗi năm vào năm 2030 và 8,5 triệu tấn vào năm 2050, lớn hơn tổng nhu cầu hydro ở châu Âu hiện nay.

Theo Công ty kiểm toán Deloitte, các quốc gia Trung Đông, chủ yếu là vùng Vịnh, sẽ dẫn đầu sản xuất nhiên liệu hydro sạch toàn cầu trong ngắn hạn, xuất khẩu khoảng một nửa sản lượng trong nước vào năm 2030.

Deloitte dự báo đến năm 2050, khu vực Bắc Phi và Australia được dự đoán là có tiềm năng lớn nhất trong phát triển hydro xanh. Tuy nhiên các quốc gia vùng Vịnh vẫn sẽ duy trì vị trí là “những nhà xuất khẩu chính” trong lĩnh vực này./.

Nguyễn Tùng (P/v TTXVN tại Cairo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nuoc-vung-vinh-dat-cuoc-vao-chien-luoc-phat-trien-hydro-xanh/303430.html