Các nước quy định thế nào về việc mang xe đạp lên tàu điện công cộng?

Ở nhiều quốc gia, người đi tàu điện công cộng có thể mang theo xe đạp cá nhân khi tuân thủ các điều kiện về kích thước, thời gian và không gây ảnh hưởng cho hành khách khác.

Một trong những hạn chế chính của phương tiện giao thông công cộng là lộ trình cố định và điểm đón trả khách không thay đổi. Nếu điểm cần đến như nhà riêng, văn phòng cách xa trạm dừng thì hành khách phải di chuyển thêm một đoạn khá xa.

Vì vậy, tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có hệ thống xe buýt hay tàu điện (metro) phát triển, người dân thường dùng thêm một phương tiện cá nhân để hỗ trợ di chuyển. Phổ biến nhất là xe đạp.

Tuy nhiên, các hệ thống tàu điện ngầm trên thế giới không có sự thống nhất về quy định đối với việc mang theo xe cá nhân.

 Một người đi xe đạp sử dụng tàu điện ngầm để di chuyển ở New York. Ảnh: MTA.

Một người đi xe đạp sử dụng tàu điện ngầm để di chuyển ở New York. Ảnh: MTA.

Nhiều hệ thống tàu điện quản lý chặt xe đạp

Nhằm khuyến khích người dân đi tàu điện, nhiều thành phố lớn có quy định rõ ràng để vừa hỗ trợ cho nhóm hành khách sử dụng xe đạp, vừa tránh gây ảnh hưởng đến những người khác.

Chẳng hạn, hệ thống tàu điện ngầm MTA tại thành phố New York (Mỹ) có các quy tắc khá dễ chịu dành cho người đi xe đạp khi phương tiện cá nhân này không bị giới hạn kích thước hay cân nặng. Ngoài ra, xe đạp không thể gấp gọn có thể sử dụng lối đi phụ để ra vào nhà ga, trong khi loại xe xếp có thể đi qua trực tiếp cửa kiểm soát nếu kích thước vừa vặn.

Hầu hết chuyến của MTA không hạn chế xe đạp, ngoại trừ một vài lộ trình nhất định có “lệnh giới nghiêm” dành riêng cho xe đạp trong giờ cao điểm nhằm hạn chế tình trạng cản trở lưu thông.

Một vài lưu ý khác dành cho người dùng xe đạp đi tàu điện ngầm còn có lên/xuống tàu cuối cùng, chỉ được dẫn bộ trong khu vực ga tàu và lối đi bộ của hệ thống tàu điện và ưu tiên chọn toa đầu hoặc cuối khi đi tàu.

Hệ thống tàu điện ngầm MTA cho phép hành khách mang xe đạp thân cứng qua lối đi phụ dành cho người khuyết tật, trong khi xe đạp gấp có thể được đưa qua cửa kiểm soát. Ảnh: MTA.

Hệ thống tàu điện ngầm MTA cho phép hành khách mang xe đạp thân cứng qua lối đi phụ dành cho người khuyết tật, trong khi xe đạp gấp có thể được đưa qua cửa kiểm soát. Ảnh: MTA.

Tại thủ đô Washington, mạng lưới tàu điện WMATA đã từng bước nới lỏng hạn chế về việc mang theo xe đạp kể từ thập niên 1980-1990. Đến nay, hành khách có thể đưa xe đạp cá nhân lên tàu vào bất kỳ lúc nào, thay vì chỉ được phép trong khung giờ thấp điểm như trước. Tuy nhiên, ban quản lý WMATA vẫn ban hành một bộ quy định chi tiết về các quy chuẩn để có thể mang theo xe đạp trên tàu.

Ví dụ phương tiện không được có kích thước vượt quá 2.032 x 559 x 1.219 mm (dài x rộng x cao), xe đưa lên không được bám bẩn hoặc có chi tiết sắc nhọn, trẻ em dưới 16 tuổi khi mang xe đạp đi tàu điện phải có người lớn đi cùng và mỗi người lớn chỉ được kèm một trẻ em, ngày trong tuần mỗi toa tàu chỉ được có tối đa 2 xe đạp và tăng thành 4 chiếc với ngày cuối tuần hay ngày lễ, không sử dụng thang cuốn để vận chuyển xe đạp…

Ở một số nước châu Âu, tàu điện có khu vực riêng cho xe đạp và thiết kế khung treo, giá cố định để hỗ trợ hành khách. Ảnh: Freewheelingfrance.

Ở một số nước châu Âu, tàu điện có khu vực riêng cho xe đạp và thiết kế khung treo, giá cố định để hỗ trợ hành khách. Ảnh: Freewheelingfrance.

Ở London với hệ thống tàu điện DLR, hành khách có thể mang theo xe đạp gấp bất kỳ lúc nào và không tốn thêm tiền vé. Tuy nhiên, loại xe đạp thân cứng bị hạn chế vào 2 khung giờ cao điểm sáng và chiều của các ngày trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, ngoại trừ ngày lễ.

Quy định gần tương tự được áp dụng tại thành phố Munich của Đức đối với xe đạp đi trên đoàn tàu sắt đô thị và tàu điện ngầm thuộc hệ thống MVV. Ngoại trừ xe đạp gấp và loại xe đạp có cỡ lốp nhỏ hơn 20 inch được miễn phí, các kiểu xe đạp khác cần mua vé ngày cho xe đạp tại các máy bán vé tự động.

Đồng thời, 2 khung giờ cao điểm mà xe đạp không được đi tàu ở Munich gồm 6-9h và 16-18h, không kể thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ và giai đoạn học sinh nghỉ hè.

 Tàu điện ở Singapore có quy định chặt chẽ về kích thước của các mẫu xe cá nhân được phép đưa lên tàu. Ảnh: Mightyvelo.

Tàu điện ở Singapore có quy định chặt chẽ về kích thước của các mẫu xe cá nhân được phép đưa lên tàu. Ảnh: Mightyvelo.

Tại các thành phố châu Á như Singapore, Bangkok, Hong Kong hay Đài Bắc, hành khách có thể mang theo xe đạp lên tàu điện miễn phí khi đáp ứng các quy định của ban quản lý hệ thống metro.

Chẳng hạn kích thước xe phải nhỏ gọn (tối đa 120 x 70 x 40 cm ở Singapore) nhằm không gây ảnh hưởng cho người khác, không tham gia lưu thông vào giờ cao điểm (chỉ được mang xe đạp đi tàu từ 10h đến 16h ở Đài Bắc)...

Số ít nơi hạn chế xe đạp trên tàu

Dù có công năng hỗ trợ cho hành khách sử dụng hệ thống giao thông công cộng, không phải lúc nào xe đạp hay các loại phương tiện cá nhân cũng được chào đón trên tàu điện.

Tại Nhật Bản, nơi có hệ thống tàu điện và tàu cao tốc hiện đại bậc nhất thế giới, xe đạp có thể được mang lên tàu theo dạng hành lý xách tay. Để được phép đưa xe đạp di chuyển trên tàu điện hay tàu cao tốc, loại xe 2 bánh phải được bao bọc trong một chiếc túi có tên gọi rinko. Trang bị này hành khách phải tự chuẩn bị nếu muốn đem theo xe đạp trên tàu.

Nếu xe không thể gập gọn, bánh và một vài bộ phận có thể phải tháo rời để đảm bảo diện tích của túi rinko không vượt quá chuẩn hành lý cho phép trên tàu ở Nhật Bản. Điều này khiến việc đi tàu cùng với xe đạp tại đất nước Mặt trời mọc không mấy thuận tiện như tại Mỹ hay châu Âu.

Xe đạp đi tàu điện hay tàu cao tốc ở Nhật Bản phải được bọc trong túi vải như một dạng hành lý. Ảnh: Tokyofox, Globalwheels.

Xe đạp đi tàu điện hay tàu cao tốc ở Nhật Bản phải được bọc trong túi vải như một dạng hành lý. Ảnh: Tokyofox, Globalwheels.

Trong khi đó, hệ thống tàu điện ngầm của Thượng Hải từ tháng 12/2020 đã thay đổi quy định nhằm tăng cường trật tự ở nơi công cộng, bao gồm việc không cho phép hành khách mang theo các loại phương tiện cá nhân lên tàu. Danh sách cấm có xe đạp thường, xe đạp gấp, xe đạp thăng bằng, ván trượt và giày trượt.

Tương tự, hệ thống tàu điện ngầm tại Bắc Kinh cũng không chào đón các hành khách mang theo xe đạp, xe cân bằng hay các dòng xe scooter điện. Quy định này được ban hành vào tháng 5/2019 cũng với mục đích kiểm soát các hành vi gây khó chịu cho hành khách đi tàu. Người vi phạm có thể nhận điểm xấu trong hệ thống chấm điểm công dân tại Trung Quốc.

Hoàng Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nuoc-quy-dinh-the-nao-ve-viec-mang-xe-dap-len-tau-dien-cong-cong-post1276634.html