Các nước Đông Nam Á tăng cường dự trữ vaccine, thay đổi chiến lược tiêm chủng

Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh việc tăng cường dự trữ vaccine ngừa COVID-19 cũng như thay đổi chiến lược tiêm chủng trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp khu vực.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một phụ nữ tại rạp chiếu phim được trưng dụng làm điểm tiêm chủng ở Philippines. Ảnh: BenarNews

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một phụ nữ tại rạp chiếu phim được trưng dụng làm điểm tiêm chủng ở Philippines. Ảnh: BenarNews

Theo tờ Bernanews của Philippines, giới chức y tế nước này ngày 2/6 đã thông báo về sự thay đổi trong chiến lược tiêm chủng của quốc gia, hướng tới đối tượng là những người có nguy cơ dễ mắc COVID-19 nhất tại thủ đô Manila và 8 khu vực lân cận.

“Chúng tôi phải thay đổi nhóm đối tượng vì nguồn cung vaccine bị hạn chế. Lúc đầu, chúng tôi đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người song nguồn cung rất thất thường. Nếu chúng tôi tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất và có nguy cơ nhất, tỷ lệ các ca bệnh nặng, số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm”, Thứ trưởng Y tế Myrna Cabotaje phụ trách là người phát ngôn về tình hình dịch bệnh COVID-19 cho hay.

Cùng ngày, ông Czar Carlito Galvez Jr - người đứng đầu Lực lượng Đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Philippines - cho biết nước này đã nêu đề nghị được nhận khoảng 3 triệu liều vaccine AstraZeneca cùng với một số loại vaccine khác của Mỹ đã được cấp phép sử dụng.

Theo hãng tin Reuters, cố vấn Tổng thống Philippines Joey Conception được hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo kế hoạch chuyển 1,3 triệu vaccine sẽ giảm xuống còn 1,17 triệu liều và bị trì hoãn từ tuần thứ 3 của tháng 6 sang giữa tháng 7.

Bộ Y tế Philippines đã nhận tổng cộng 8,3 triệu liều vaccine tính đến ngày 31/5. Phần lớn số vaccine, khoảng 5,5 triệu liều, là vaccine Sinovac của Trung Quốc, trong khi số còn lại là vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer và Sputnik V. Hiện mới chỉ có 1,1 triệu người Philippines đã hoàn tất việc tiêm chủng.

Philippines ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong ngày 2/6 với 146 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 21.158. Bên cạnh đó, ngày 2/6 cũng chứng kiến thêm trên 5.200 ca bệnh, đưa tổng số ca mắc nước này lên 1,24 triệu người.

Ngày 1/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Sinovac của Trung Quốc – một trong những loại vaccine được sử dụng rộng rãi tại khu vực Đông Nam Á.

“Thế giới đang thực sự cần nhiều loại vaccine COVID-19 để giải quyết tình trạng thiếu hụt lớn trên toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi các nhà sản xuất hãy tham gia COVAX, chia sẻ những hiểu biết và dữ liệu của họ để góp phần kiểm soát đại dịch”, Tiến sĩ Mariângela Simão - trợ lý Tổng Giám đốc WHO chuyên trách mảng thuốc và y tế - cho hay.

Tại Malaysia, khoảng 18% dân số dự kiến được tiêm vaccine Sinovac. Ông Khairy Jamaluddin – Bộ trưởng phụ trách Chương trình vaccine COVID-19 của Malaysia nhấn mạnh tất cả vaccine đang được sử dụng tại Malaysia đều đã được WHO cấp phép.

Cũng trong ngày 2/6, Malaysia lần đầu ghi nhận số ca tử vong lên 3 chữ số - 126 trường hợp – với 7.703 ca mắc mới. Trong một dự báo về viễn cảnh tồi tệ nhất được Viện Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Washington thực hiện, Malaysia có thể chứng kiến trên 26.000 trường hợp tử vong do COVID-19 tính đến tháng 9.

Ở quốc gia láng giềng Thái Lan, Chủ tịch tập đoàn AstraZeneca James Teak thông báo Siam Bioscience, một công ty thuộc sở hữu của Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, đã giao lô vaccine đầu tiên sản xuất trong nước sang Anh. Trong cuộc họp báo ngày 2/6, ông Teak gọi đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh Thái Lan có thể sản xuất ra vaccine COVID-19 với chất lượng cao chỉ trong vài tháng.

Siam Bioscience dự kiến bắt đầu xuất khẩu vaccine sang các quốc gia Đông Nam Á trong một vài tuần tới. Tuy nhiên, theo các bài viết truyền thông, lô hàng đầu tiên của Siam Biosciencesang Philippines vẫn đang bị trì hoãn.

Trong một diễn biến liên quan, nhân dịp tới Bangkok gặp Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cam kết nước này sẽ viện trợ 30 triệu USD liên quan đến COVID-19 cho Thái Lan. Trong cuộc gặp, bà nhấn mạnh kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine cho các nước khác của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Thannapat Jarernpanit, Giáo sư tại Đại học Pibulsongkram Rajabhat, cho biết cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Thái Lan mang ý nghĩa chính trị liên quan đến các nỗ lực ngoại giao vaccine của Trung Quốc trong khu vực. Bangkok dự kiến nhận được khoảng 6,5 triệu liều vaccine từ Bắc Kinh, trong đó có 1 triệu liều là hàng tặng.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nuoc-dong-nam-a-tang-cuong-du-tru-vaccine-thay-doi-chien-luoc-tiem-chung-20210603145946686.htm