Các nước cho phép tài khoản ETC thành trung gian thanh toán thế nào?

Nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới đã cho phép chủ phương tiện được sử dụng tài khoản thu phí không dừng để trả phí cho các dịch vụ khác.

Công ty TNHH Thu phí tự động VETC - nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm dịch vụ ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ và chi hộ.

Đây được đánh giá là bước tiến rất quan trọng để VETC đảm bảo lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC.

Bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản giao thông của VETC có thể được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, xăng dầu cũng như một số dịch vụ khác theo quy định.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Singapore, khách hàng có thể lựa chọn thanh toán phí đường bộ thông qua thẻ tín dụng hoặc ghi nợ (Credit/Debit Card) hoặc thông qua thẻ thông minh (như NETS CashCard, EZ-Link CEPASZ Card hoặc NETS FlashPay Card) có chức năng trung gian thanh toán như một chiếc “Ví điện tử”.

Theo đó, sau khi đăng ký sử dụng thẻ, khách hàng sẽ nạp và duy trì một số dư tối thiểu trong thẻ và có thể sử dụng để thanh toán phí đường bộ khi đi qua trạm thu phí và các loại hàng hóa, dịch vụ khác như phí đỗ xe, mua vé tàu xe, taxi hay mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi.

Tại Việt Nam, chủ phương tiện sẽ được dùng tài khoản giao thông để thanh toán cho các dịch vụ khác - Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, chủ phương tiện sẽ được dùng tài khoản giao thông để thanh toán cho các dịch vụ khác - Ảnh minh họa

Tương tự như vậy, ở Hong Kong, chủ phương tiện có thể lựa chọn thanh toán phí đường bộ thông qua thẻ thông minh Octopus hoặc thẻ tín dụng không chạm (contactless credit cards).

Đối với thẻ Octopus, khách hàng sẽ đăng ký mở thẻ tại các điểm mở thẻ được phép, nộp phí mở thẻ và duy trì một giá trị tiền nạp ban đầu và được dùng thanh toán phí cầu đường ở một số con đường được cơ quan vận tải ở Hong Kong cho phép cũng như các dịch vụ phi vận tải khác như mua sắm, ăn uống, viễn thông.

Đối với hệ thống thu phí điện tử không dừng ở Đài Loan, chủ phương tiện cũng được gắn và cấp thẻ e-tag và có thể sử dụng thẻ này để thanh toán không chỉ phí đường bộ mà còn cả chi trả phí đỗ xe, đổ xăng và thanh toán dịch vụ ăn uống, mua sắm khác. Việc thanh toán được trừ tự động khi chủ phương tiện qua trạm thu phí hoặc các địa điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ e-tag.

Đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho hay, tại Việt Nam hiện tại, chủ xe thường phải nạp tiền trước vào tài khoản để lưu thông qua trạm ETC và không được sử dụng tiền nhàn rỗi cho mục đích khác dẫn đến tâm lý e ngại. Đặc biệt là các chủ phương tiện ít đi xe hoặc chủ yếu đi trên quốc lộ mà không đi trên cao tốc.

Khi tài khoản giao thông của VETC trở thành ví điện tử, dòng tiền trong tài khoản giao thông được sử dụng với nhiều mục đích.

Ngoài thanh toán khi qua các trạm thu phí không dừng, chủ xe có thể thanh toán chi tiêu khác như thanh toán bãi đỗ xe, phí vào sân bay, cảng biển. Chủ phương tiện sẽ được sử dụng số dư tiền trong tài khoản giao thông, tối ưu nguồn tiền nhãn rỗi.

Khi đó, tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ chủ động chuyển sang tài khoản giao thông được nâng cấp, giúp giảm thiếu rất nhiều các bước nạp tiền cũng như các lỗi nạp tiền không đang có.

Việc tài khoản giao thông thành ví điện tử không ảnh hưởng gì đến thẻ E Tag đã dán ở xe, chủ phương tiện cũng không phải dán lại thẻ khác mà chỉ cần xác nhận đồng ý ngay trên App VETC hoặc tại các điểm giao dịch.

VETC đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án cũng như hướng dẫn chi tiết giúp khách hàng nhanh chóng nắm bắt được lợi ích cũng như dễ dàng sử dụng tài khoản giao thông khi đã nâng cấp lên ví điện tử.

VETC đang nỗ lực từng ngày để mang lại sự tiện lợi, đa tiện ích cho các khách hàng thông qua chuỗi dịch vụ toàn diện suốt vòng đời phương tiện.

PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cac-nuoc-cho-phep-tai-khoan-etc-thanh-trung-gian-thanh-toan-the-nao-d591190.html