Các nhóm bệnh truyền nhiễm

Bệnh truyền nhiễm (Infectious diseases) là bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc...) và có khả năng phát triển thành bệnh dịch.

Có 4 yếu tố môi trường vật lý, hóa học, sinh học và xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong đó, Môi trường vật lý bao gồm khí hậu, tiếng ồn, ánh sáng, bức xạ, gánh nặng lao động; Môi trường hóa học như bụi, hóa chất, thuốc men, chất kích thích da, thực phẩm; Môi trường sinh học có động - thực vật, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus và các yếu tố di truyền; Môi trường xã hội bao gồm stress, mối quan hệ giữa con người với con người và môi trường làm việc.

Bệnh truyền nhiễm gây ra bởi yếu tố môi trường sinh học. Tác nhân gây ra bệnh nhiễm trùng là virus. Cũng là bệnh nhiễm trùng nhưng không có khả năng phát triển thành dịch thì không gọi là bệnh truyền nhiễm.

Có mấy nhóm bệnh truyền nhiễm?

Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ban hành ngày 21/03/2007 có 3 nhóm bệnh truyền nhiễm A, B, C.

- Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Ví dụ như bại liệt, cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa, Marburg …

Ngày 29/01/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Ngày 03/6/2020, tại phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 Việt Nam đã thống nhất chuyển bệnh COVID-19 so Virus Corona từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

- Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Ví dụ: Bệnh do virus Adeno; hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải HIV/AIDS; bệnh bạch hầu; bệnh quai bị; bệnh sốt Dengue, bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi.

- Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh như Chlamydia; bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Candida albicans.

Việc phân nhóm bệnh truyền nhiễm dựa vào mức độ nguy hiểm và khả năng lây truyền. Cùng 1 bệnh truyền nhiễm, khi kiểm soát được dịch, mức độ nguy hiểm và khả năng lây truyền thay đổi sẽ được chuyển sang nhóm khác.

Bệnh truyền nhiễm có 2 đặc tính:

- Tính đặc hiệu: Do một mầm bệnh gây ra, có thể lan truyền bệnh thành dịch và tiến triển có chu kỳ. Người nhiễm khuẩn không nhất thiết là có bệnh, có thể không biểu hiện triệu chứng lâm sàng (sốt, tiêu chảy, mệt mỏi, đau cơ, ho,…) nhưng người lành mang mầm bệnh vẫn có nguy cơ lây truyền cho người khác khi gặp điều kiện thuận lợi.

- Tính đặc thù: Khi đã mắc bệnh truyền nhiễm, cơ thể người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào (được gọi là quá trình tạo thành miễn dịch). Tùy theo loại bệnh và cơ thể người mà miễn dịch được hình thành với mức độ, thời gian tồn tại miễn dịch bảo vệ khác nhau.

Năm giai đoạn phát triển của bệnh truyền nhiễm:

- Ủ bệnh: Là thời gian từ khi vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể đến khi xuất hiện những triệu chứng lâm sàng đầu tiên.

- Khởi phát: Là thời kỳ bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của bệnh, đặc biệt là triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.

- Toàn phát: Là thời kỳ bệnh nhân biểu hiện đầy đủ các triệu chứng lâm sàng của một bệnh. Thăm khám và xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán và tiên lượng. Các biến chứng cũng hay xuất hiện làm cho bệnh nặng thêm và có nguy cơ tử vong.

- Lui bệnh: Là thời kỳ các triệu chứng của bệnh thuyên giảm đột ngột hoặc từ từ. Biến chứng thường thấy trong giai đoạn này là bội nhiễm do quá trình săn sóc kém hoặc do một bệnh tiềm ẩn bộc phát trên cơ thể người bệnh.

- Hồi phục: Thời kỳ này thường kéo dài chậm chạp. Những bệnh nhân suy nhược, suy dinh dưỡng rất dễ nhiễm một bệnh nhiễm trùng khác như lao, viêm phế quản...

Trong lâm sàng thăm khám bệnh rất khó để phân biệt rõ được thời kỳ lui bệnh và hồi phục vì không có dấu hiệu rõ ràng.

Quản lý nhà nước với chất thải của bệnh truyền nhiễm: Theo Công văn số 495/BYT-MT ban hành ngày 06/02/2020 hướng dẫn quản lý chất thải y tế và xử lý thi hài bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A phải được hỏa táng (chỉ mai táng khi không thực hiện được việc hỏa táng), phải được khâm liệm trong vòng 24giờ kể từ khi tử vong.

Để phòng tránh bệnh truyền nhiễm người dân cần lưu ý:

- Tiêm chủng đầy đủ

- Vệ sinh môi trường

- Vệ sinh cá nhân

- An toàn thực phẩm

- Dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng

- Lối sống lành mạnh và quan hệ tình dục an toàn./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cac-nhom-benh-truyen-nhiem-a157080.html