Các nhà ngoại giao Singapore, Italy và Israel chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh với TP. Hồ Chí Minh

Đại diện các cơ quan ngoại giao của Singapore, Italy và Israel tại Việt Nam chia sẻ với Báo TG&VN quan điểm về phát triển xanh bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) 2023.

Tổng Lãnh sự Singapore tại TP. Hồ Chí Minh Roy Kho chia sẻ về kinh nghiệm phát triển xanh của đất nước Đông Nam Á với TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bến Thành)

Nhiệm vụ mới

Chia sẻ một số bài học của đất nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP. Hồ Chí Minh Roy Kho cho biết, để vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu, đất nước ông đã nhiều năm triển khai quá trình phát triển bền vững và đạt được những kết quả nhất định.

Nhà ngoại giao cho biết, ngày nay, Singapore là một trong những thành phố xanh nhất thế giới. Một phần ba quốc đảo được bao phủ bởi cây cối. Singapore là một trong số ít quốc gia có vòng nước tái chế, tái sử dụng từng giọt nước.

Tuy nhiên, ông cho hay quốc đảo sư tử vẫn đang gặp phải một số thách thức trong quá trình này như thiếu tài nguyên thiên nhiên hay diện tích cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Mặc dù vậy, Tổng Lãnh sự Roy Kho tin tưởng rằng: “Như cách chúng tôi đối mặt với thách thức trong quá khứ, chúng tôi đang tiếp tục làm điều tương tự ở hiện tại bằng cách sử dụng công nghệ, giải pháp chính sách”.

Về hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, ông nêu rõ: “Singapore đã và đang hợp tác chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh trong phát triển bền vững qua một số hoạt động, bao gồm xây dựng và đào tạo năng lực, trao đổi thông tin và ý tưởng giữa các quan chức chính phủ của cả hai bên”. Nhà ngoại giao này đề cập một số thỏa thuận được ký kết trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gần đây, trong đó có vấn đề liên quan đến thúc đẩy kinh tế xanh và kỹ thuật số. Thỏa thuận này đã được chuyển thành các dự án kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái tạo và kinh doanh tín chỉ carbon.

Ông cho biết: “Bây giờ nhiệm vụ của chúng tôi là triển các khai dự án này tại TP. Hồ Chí Minh vì thành phố có điều kiện và tiềm năng thuận lợi. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đặt ra các mục tiêu, phương hướng ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu”.

Tổng lãnh sự Italy Enrico Padura (phải) và ông Mario Jorizzo, đại diện Cơ quan quốc gia về công nghệ mới, năng lượng và phát triển kinh tế bền vững Italy, chia sẻ về hai cách tiếp cận của Italy trong phát triển bền vững. (Ảnh: Bến Thành)

Cách tiếp cận “cứng” và “mềm”

Tổng lãnh sự Italy Enrico Padura và ông Mario Jorizzo, đại diện Cơ quan quốc gia về công nghệ mới, năng lượng và phát triển kinh tế bền vững Italy, chia sẻ quan điểm về phát triển xanh của TP. Hồ Chí Minh và tiềm năng hợp tác giữa nước này và Thành phố.

Tổng lãnh sự Enrico Padura đánh giá cao việc Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức HEF 2023, bởi đây là dịp quan trọng để trao đổi kinh nghiệm, bài học ở cấp địa phương nhằm thúc đẩy mối quan hệ sâu rộng hơn, không chỉ giữa các quốc gia, mà còn giữa các thành phố lớn trên thế giới với nhau.

Tin rằng phát triển xanh là “chìa khóa cho sự hợp tác trong tương lai”, nhà ngoại giao Italy cho rằng, còn nhiều dư địa hợp tác hơn nữa giữa hai bên, đặc biệt khi TP. Hồ Chí Minh đã kết nghĩa với một số thành phố của Italy.

Về phần mình, ông Mario Jorizzo cho rằng, nền kinh tế tuần hoàn là một trong những trụ cột chính của quá trình chuyển đổi sinh thái ở cấp độ châu Âu và phù hợp với các chính sách và chiến lược quốc gia của Italy. Theo đại diện Italy, mặc dù khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn đơn giản là “duy trì dòng giá trị lâu nhất có thể trong mô hình kinh tế” nhưng việc đưa ra chiến lược phù hợp và thực hiện nó không hề đơn giản giữa các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải có sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xác định chiến lược chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Italy đã tạo ra ICESP (Nền tảng các bên liên quan của nền kinh tế tuần hoàn Italy), nơi mọi người có thể chia sẻ cách thức và ý kiến về chiến lược tốt nhất và giải pháp chung.

Một yếu tố quan trọng khác là sự tham gia của người dân vào quá trình này: kinh tế tuần hoàn là một quá trình không chỉ liên quan đến sản xuất mà còn liên quan đến tiêu dùng và hành vi của người dân.

Về việc thực hiện, ông Jorizzo chia sẻ cách tiếp cận “mềm” và “cứng” của Italy. Cách tiếp cận “mềm” đề cập đến các quy định, chỉ tiêu cần được doanh nghiệp cải thiện và điều chỉnh. Trong khi đó, biện pháp “cứng” lại liên quan đến khía cạnh công nghệ, ví dụ như công nghệ yêu cầu tái chế vật liệu composite… Hơn nữa, cách tiếp cận cứng khác có thể đề cập việc tăng cường năng lực, bí quyết tận dụng các nguồn lực để phát triển và áp dụng nền kinh tế tuần hoàn.

Cuối cùng, học giả người Italy tin rằng, yếu tố quan trọng khác là tạo ra mạng lưới, mối quan hệ giữa các chủ thể, vì nền kinh tế tuần hoàn thường dựa trên nhiều sự hợp tác, đổi mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế xanh.

Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Israel Gideon Behar mong rằng Israel và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục các hoạt động trao đổi đoàn chuyên gia, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, trong đó có lĩnh vực biến đổi khí hậu. (Ảnh: Bến Thành)

Nền tảng vững chắc cho phát triển

Cuối cùng, ông Gideon Behar, Đặc phái viên Israel về Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững tại Bộ Ngoại giao Israel, nhận định quan hệ Việt Nam-Israel đang ở trạng thái tốt đẹp, tạo tiền đề cho phát triển bền vững: “Năm nay, chúng ta kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng ta cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do. Tôi chắc chắn những điều này sẽ thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và kinh doanh giữa Israel và Việt Nam”.

Nhà ngoại giao Israel tin rằng, đây sẽ là nền tảng cho sự hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới, phát triển xanh và năng lượng tái tạo. Ông nói: “Hai nước đang triển khai rất nhiều hợp tác. Thương mại hai chiều đang nhanh và đạt mức vài tỷ USD. Ngoài ra còn có nhiều hợp tác giữa Israel và TP. Hồ Chí Minh như trong lĩnh vực đổi mới, nước, nông nghiệp... Các đoàn từ TP. Hồ Chí Minh bao gồm các chuyên gia đã đến Israel và cũng có các chuyên gia Israel đến TP. Hồ Chí Minh để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, trong đó có nhiều khía cạnh liên quan phát triển bền vững như quản lý nguồn nước, năng lượng tái tạo và đổi mới”.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-nha-ngoai-giao-singapore-italy-va-israel-chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-xanh-voi-tp-ho-chi-minh-243441.html