Các ngành nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tháng cuối năm

Hiện nay, các sở, ngành tỉnh Long An tập trung quyết liệt nhiều giải pháp phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Những “gam màu” sáng

Trong 19 chỉ tiêu Nghị quyết (NQ) Tỉnh ủy năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chỉ tiêu sản lượng lúa bình quân 2,7 triệu tấn, trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 65%; xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao đạt 31,49% (có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 60%;...

Năm nay, ngành Nông nghiệp rộ tin vui khi trong 10 tháng năm 2023, sản lượng lúa đạt trên 2,9 triệu tấn, tăng trên 6% so cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, đối với chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt ít nhất 2,5% thì 9 tháng năm 2023 đã đạt 3,59% (cùng kỳ năm 2022 đạt 1,10%).

10 tháng năm 2023, sản lượng lúa đạt trên 2,9 triệu tấn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy (2,7 triệu tấn). Ảnh: Bùi Tùng

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10-2023, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đề nghị các địa phương, các ngành liên quan tập trung hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách; đồng thời, có kế hoạch giảm chi tương ứng, tránh tình trạng nợ công. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết tâm trong tháng 11 phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao năm 2023, làm tiền đề, cơ sở để tập trung xây dựng các kế hoạch triển khai trong năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tập trung rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2023, trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng GRDP và thu ngân sách; tiếp tục tập trung công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; chủ động phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vật tư y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân;...

Đối với chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, tính đến cuối năm sẽ đạt 100% kế hoạch đề ra. Riêng chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình Trung ương công nhận huyện Cần Đước đạt chuẩn NTM năm 2023, huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (đạt 100% kế hoạch năm 2023). Ước lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 5 đơn vị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP.Tân An, thị xã Kiến Tường và các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước); 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là Châu Thành.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin, trong 10 tháng năm 2023, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Ngành chủ động triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng như theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước phục vụ tưới, tiêu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Năng suất, sản lượng lúa tăng so cùng kỳ. Thời gian tới, ngành tiếp tục phân tích, dự báo tình hình, có các biện pháp hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt cho vụ lúa Đông Xuân 2023-2024; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; chương trình xây dựng NTM và chương trình OCOP.

Năm nay, tin vui đến với ngành Nông nghiệp khi sản lượng lúa đạt trên 2,9 triệu tấn

Trong 10 tháng năm 2023, KT-XH của tỉnh đạt kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng trên 12%. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt gần 75% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu có nhiều khởi sắc những tháng cuối năm. Các hoạt động văn hóa - xã hội thực hiện theo kế hoạch; an ninh, quốc phòng, nội chính được giữ vững. Tính đến hết tháng 10, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 15.700 tỉ đồng, đạt trên 78% dự toán tỉnh giao, giảm gần 16% so cùng kỳ.

Tập trung các dự án giao thông trọng điểm

NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 công trình trọng điểm gồm Hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830) và ĐT827E (đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông). Năm 2023 là năm “bản lề” để tỉnh tập trung bứt phá, sớm hoàn thành các công trình, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, đến thời điểm hiện tại, các dự án (DA), công trình giao thông trọng điểm cơ bản đạt tiến độ. Trong đó, DA đường Vành đai 3 TP.HCM (giai đoạn 1) đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. DA thành phần 7 qua địa bàn huyện Bến Lức với quy mô 4 làn xe cao tốc đã khởi công 3 gói thầu xây lắp, cơ bản bảo đảm tiến độ. Đối với công trình trọng điểm theo NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI: ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830), đường Vành đai TP.Tân An đang được Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.

Máy móc, thiết bị tất bật trên các công trình cuối năm

Đối với việc hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng ĐT827E, đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông, hiện tỉnh phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để triển khai song song với tiến độ DA 3 cầu trên ĐT827E khi được phân bổ vốn. Bên cạnh đó, ngành Giao thông Vận tải cũng tập trung thực hiện các DA đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông trọng tâm của tỉnh như ĐT823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối tỉnh Long An - TP.HCM), ĐT819, ĐT822B, ĐT824, ĐT825, đường cặp kênh Sông Trăng.

Ngoài ra, các DA thuộc chương trình đột phá về giao thông cũng được Sở Giao thông Vận tải đồng loạt triển khai như đường Lương Hòa - Bình Chánh, đường Hựu Thạnh - Tân Bửu, trục động lực Đức Hòa. Hiện 3 DA này đã được thẩm định thiết kế cơ sở, nhà đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện DA. DA nâng cấp, mở rộng ĐT824, đoạn từ Tua Một đến cầu Kênh Ranh có giá trị thực hiện đạt trên 70%, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Riêng nút giao Hùng Vương - Quốc lộ 62 (TP.Tân An) là công trình đầu tiên thuộc chương trình đột phá về giao thông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nút giao Hùng Vương - Quốc lộ 62 (TP.Tân An) là công trình đầu tiên thuộc chương trình đột phá về giao thông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng

Thời gian tới, Sở phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan, địa phương để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai DA, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai các DA, Sở cũng thường xuyên yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục khó khăn, tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ gắn với bảo đảm chất lượng theo yêu cầu nhằm sớm đưa các công trình vào sử dụng.

Bước vào chặng “nước rút”, các sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện từng chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ chưa đạt, phức tạp; đồng thời, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất tất cả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.

Năm 2023, ngành chủ động triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, đạt nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Ngành đã tập trung lãnh đạo việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu; các hoạt động phối hợp liên ngành được duy trì và đạt hiệu quả thiết thực; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời trên các lĩnh vực của ngành; giải quyết tốt các vấn đề phát sinh. Năm 2023, Sở được UBND tỉnh giao 3 chỉ tiêu. Trong thời gian còn lại của năm, Sở tiếp tục tập trung các giải pháp, tháo gỡ khó khăn đối với chỉ tiêu do UBND tỉnh giao là số lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hiện chỉ tiêu này chưa đạt kế hoạch)”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cac-nganh-no-luc-thuc-hien-nhiem-vu-thang-cuoi-nam-a166990.html