Các ngân hàng thương mại giúp nền kinh tế ổn định

Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về những cơ hội và thách thức trong năm 2024. Để tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, Nhóm công tác ngân hàng khuyến nghị một số chính sách chính cần tập trung trong năm 2024...

Khách hàng giao dịch tại Agribank. Ảnh: Vietnam+

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 được tổ chức vừa qua, Ông Ramachandran As, Tổng GĐ Ngân hàng Citibank Việt Nam đánh giá: trước những áp lực lớn như vậy, Chính phủ và NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách đạt được các mục tiêu kinh tế như: tăng trưởng GDP 5,05% ở mức cao, kiểm soát lạm phát năm thành công ở mức 3,8%. Việt Nam đạt vốn FDI thực hiện cao.

Đặc biệt, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ; Việt Nam được vinh danh là một trong 3 quốc gia tốt nhất thế giới tại Báo cáo đánh giá Ngân hàng Trung ương toàn cầu.

Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank, ngân hàng Agribank đã giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng khó khăn, hỗ trợ điều chỉnh lãi suất với 8 lần, có đối tượng khách hàng giảm 4%. Ngân hàng triển khai 13 chương trình tín dụng 200.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 2 - 3% so với lãi suất thông thường. Thực hiện cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền trả nợ.

Sang năm 2024, bất ổn lớn vẫn khó đoán định, nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa nước ta vẫn tiếp tục khó khăn. Do đó, trong năm 2023 hỗ trợ kích thích sản xuất tiêu dùng trong nước là rất quan trọng. Tăng cường chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, tháo gỡ pháp lý liên quan đến các dự án đầu tư. Từ đó, giúp tăng nhu cầu vốn tín dụng từ DN, hỗ trợ DN duy trì hoạt động bền vững trong thời kỳ khó khăn thách thức.

Chủ tịch HĐTQ VietinBank, Trần Minh Bình cũng cho biết: dư nợ tín dụng của VietinBank đến cuối năm đạt 15,6% - tương đương gần 200 nghìn tỷ đồng đóng góp cho nền kinh tế. VietinBank đã triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ và NHNN, như: chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của NHNN; là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất cao nhất; tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...; cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV cho biết: với tất cả các biện pháp đó, năm 2023, BIDV giảm lợi nhuận gần 5.900 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), năm 2023, MB thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023 với mức giảm từ 2-4%. MB kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7%, trích lập dự phòng đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đánh giá: Sự hỗ trợ tư vấn của ngành ngân hàng về chính sách tín dụng, chương trình vay vốn là rất cần thiết cho hộ gia đình ở nông thôn.

Năm 2024, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đề án sẽ được triển khai như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, gắn tăng trưởng xanh ĐBSCL; đề án chuyển đổi nghề nghiệp ngư dân, chủ trương giảm khai thác tăng nuôi trồng; trồng rừng gỗ lớn, nguyên liệu phát triển ngành gỗ bền vững.

Vì vậy, thời gian tới, bộ NN&PTNT tiếp tục trao đổi ký kết NHNN để có thêm nguồn lực hiện thực hóa quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nông nghiệp nông thôn.

Phúc Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cac-ngan-hang-thuong-mai-giup-nen-kinh-te-on-dinh-366668.html