Các nền kinh tế ASEAN bị ảnh hưởng như thế nào?

Mặc dù khó dự đoán được hậu quả kinh tế mà các nước ASEAN phải hứng chịu từ cuộc chiến ở Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang ngày càng mở rộng áp dụng đối với Nga, nhưng có thể khẳng định rằng, những hậu quả này có thể sẽ rất đáng kể.

Trước một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Nga, một số tác động kinh tế sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế ASEAN trong những tuần và tháng tới. Có rất nhiều điều không chắc chắn khi đưa ra dự báo về những vấn đề như vậy, nhưng các chuyên gia có những manh mối và chỉ dấu để có thể đánh giá tác động đó “trông như thế nào”.

Thực phẩm và năng lượng

Các quốc gia trong khu vực có nhiều mức độ và hình thức tiếp xúc với nền kinh tế Nga, nhưng nói chung, các chuyên gia đều dự đoán giá thực phẩm và năng lượng sẽ tăng cao và một số cú sốc trong chuỗi cung ứng sản xuất sẽ tác động đến các quốc gia trong khu vực theo những cách khác nhau. Một câu hỏi hóc búa khác là phải làm gì với nhiều liên doanh giữa các công ty năng lượng khổng lồ của Nga và các công ty nhà nước lớn ở các nước như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Đầu tiên hãy xem xét giá năng lượng. Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhưng mức độ tiếp xúc trực tiếp của ASEAN trong lĩnh vực này là khá hạn chế. Dựa trên dữ liệu thương mại từ Atlas of Economic Complexity (nơi lấy toàn bộ dữ liệu cho bài viết này), Singapore đã nhập khẩu 38,8 tỷ USD dầu tinh luyện vào năm 2019, nhưng chỉ 5,7% trong số đó đến từ Nga. Thái Lan cũng ở trong tình trạng tương tự, nhập khẩu dầu thô trị giá 16,6 tỷ USD trong năm 2019, nhưng chỉ 3,3% trong số đó từ Nga.

Việt Nam, quốc gia bảo đảm 15% nhập khẩu than từ Nga, có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn, mặc dù có lẽ Australia và Indonesia có thể đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp sự thiếu hụt. Dù bằng cách nào đi nữa, năng lượng đã phải chịu áp lực tăng giá trong nhiều tháng và cuộc chiến tranh này chỉ đơn thuần khiến giá năng lượng tăng cao hơn trên diện rộng, cho dù các quốc gia có nhập khẩu dầu trực tiếp từ Nga hay không.

Thế giới chắc chắn cũng sẽ chứng kiến giá lương thực cao hơn, vốn đã được đẩy lên bởi áp lực lạm phát trước khi nổ ra căng thẳng ở Ukraine. Và các nước ASEAN, vốn có mối quan hệ khá trực tiếp với Nga và Ukraine, cũng sẽ bị ảnh hưởng tương đối lớn. Năm 2019, Indonesia nhập khẩu lúa mì trị giá 2,05 tỷ USD, hơn 1/4 trong số đó từ Nga và Ukraine. Philippines nhập khẩu lúa mì trị giá 1,45 tỷ USD, gần 16% trong số đó đến từ Nga và Ukraine. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng ở vị trí tương tự, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.

Mặc dù thường có các cơ quan nhà nước cụ thể được giao nhiệm vụ dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lúa mì để tránh những cú sốc về nguồn cung như thế này, nhưng liệu có thể giảm áp lực giá và tài chính công trong bao lâu. Một vấn đề khác là Nga và Belarus cung cấp cho Indonesia gần một nửa lượng phân bón kali. Với việc hàng nhập khẩu bị cắt giảm, rất có thể giá lương thực sẽ cao hơn.

Dây chuyền sản xuất

Sản xuất cũng nhiều khả năng bị ảnh hưởng. Nga và Ukraine là những nhà cung cấp sắt thép bán thành phẩm lớn, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất ô tô, máy móc và thiết bị điện tử. Năm 2019, Thái Lan nhập khẩu 21,4% lượng thép bán thành phẩm của mình từ Nga và Ukraine, Indonesia nhập khẩu tới 25% và Philippines gần 50%. Có lẽ một số nước sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước để giải quyết tình trạng trì trệ, hoặc các nhà sản xuất như Nhật Bản có thể tăng sản lượng. Nhưng các chuỗi cung ứng lộn xộn như thế này có thể sẽ có một số tác động xấu đến sản xuất.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá chuỗi cung ứng sẽ có nhiều khả năng phục hồi. Trước tình trạng hàng hóa xuất khẩu của Nga bị đóng băng và loại khỏi thị trường, các nhà sản xuất khác sẽ tăng sản lượng, mặc dù giá sẽ cao hơn trong ngắn hạn khi thị trường điều chỉnh. Ở nhiều nước ASEAN, sức ép về giá đối với các mặt hàng thiết yếu, ít nhất là về mặt lý thuyết, có thể được điều tiết ở một mức độ nào đó thông qua các biện pháp can thiệp của nhà nước, trợ cấp và các cơ chế khác.

Giá dầu tăng cao trong tháng 3.2022

Giá dầu tăng cao trong tháng 3.2022

Nguồn: AP

Số phận của các doanh nghiệp liên doanh

Tuy nhiên, một câu hỏi hoàn toàn khác, và có lẽ gay cấn hơn về mặt chính trị, là các công ty nhà nước đã đầu tư hàng tỷ dollar vào liên doanh với các công ty năng lượng của Nga sẽ làm gì.

Ngày càng có nhiều áp lực buộc các công ty phải rút khỏi quan hệ đối tác kinh doanh với các công ty Nga. Tuần trước, Shell đã thông báo họ sẽ rút khỏi dự án với Gazprom của Nga, ngay cả với cái giá là sẽ mất trắng 3 tỷ USD. Nhưng các công ty ở ASEAN có thể không quá áp lực phải hành động tương tự. Công ty dầu khí quốc doanh của Malaysia Petronas, cùng với Gazprom và các đối tác Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, sở hữu 15% cổ phần trong mỏ dầu Badra của Iraq. Petronas đã cho biết họ sẽ không rút khỏi liên doanh vào lúc này.

Vietsovpetro, liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và Vietpetro thuộc sở hữu nhà nước của Việt Nam, là một trong những công ty năng lượng lớn nhất tại Việt Nam. Tại Indonesia, công ty dầu khí nhà nước Pertamina đang phát triển một nhà máy lọc dầu lớn trong nước, trong đó Rosneft của Nga sở hữu 45% cổ phần. Dự án có giá trị ước tính khoảng 13,8 tỷ USD và sẽ tạo ra một động lực quan trọng cho công suất nhà máy lọc dầu trong nước khi hoàn thành.

Nói tóm lại, hầu hết các quốc gia trong khu vực không tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với lĩnh vực năng lượng của Nga, nhưng nhiều nước có khả năng gặp phải cú sốc về nguồn cung đối với các ngành sản xuất chủ chốt và nhập khẩu nông nghiệp, trong khi cuộc khủng hoảng làm tăng giá nói chung trên diện rộng. Dù nhìn theo cách nào thì bức tranh cũng là một mớ hỗn độn và người ta chỉ có thể hy vọng nó sẽ kết thúc càng sớm càng tốt.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cac-nen-kinh-te-asean-bi-anh-huong-nhu-the-nao-l9mgjp2xpw-80978