Các mục tiêu khí hậu trước thách thức hoạt động khai thác dầu khí

Nhân loại đang đứng trước thời khắc vô cùng quan trọng để tự bảo vệ mình bằng cách loại bỏ dần năng lượng hóa thạch, nhưng không phải tất cả đều nghĩ thế.

Ngành năng lượng hóa thạch đang phát triển mạnh

Theo báo cáo mới của Global Energy Monitor, một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi vấn đề năng lượng toàn cầu, trong hai năm qua, có khoảng 20 tỷ thùng dầu quy đổi đã được phát hiện thêm trong tổng sản lượng dầu và khí đốt toàn cầu để sẵn sàng khai thác trong tương lai. Chỉ riêng trong năm 2023, ít nhất 20 mỏ dầu khí đã được phê duyệt để khai thác sau khi phát hiện. Tổng sản lượng được cung cấp mới từ những mỏ này ước tính lên tới 8 tỷ thùng dầu.

Báo cáo còn khẳng định đến cuối thập kỷ này, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch sẽ có thể đưa vào khai thác thêm ít nhất 64 mỏ dầu và khí đốt mới với tổng trữ lượng lên tới 31 tỷ thùng dầu quy đổi từ những phát hiện mới nhất. Bất chấp xu hướng năng lượng xanh đang được khuyến khích thúc đẩy mạnh trên toàn thế giới, không có dấu hiệu gì là ngành năng lượng hóa thạch sẽ chậm lại tăng trưởng của mình.

Trận dông lốc tại miền Bắc chiều 20/4 gây thiệt hại nhiều tài sản là một biểu hiện của biến đổi khí hậu.

Điều này xảy ra khi các công ty dầu khí lớn bỏ qua hoặc hạ thấp các mục tiêu của chính họ về chuyển đổi loại hình năng lượng theo các cam kết trước đây. Cam kết đó được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) khi các nước trên thế giới kí vào thỏa thuận hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch như than hay dầu khí. Tuy nhiên, Global Energy Monitor khẳng định đã có thêm tổng cộng 45 dự án với 16 tỷ thùng dầu đã được đưa vào khai thác kể từ thời điểm đó tới nay.

Trong vài năm qua, các công nghệ mới đặc biệt là công nghệ fracking (khai thác dầu trên đá phiến) đã cho phép nhiều mỏ dầu trước đây bị đánh giá là "không thể" hoặc "quá khó" để khai thác thì này lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tổng trữ lượng dầu được xác định "có thể khai thác" đã tăng từ 1.400 tỷ thùng năm 2011 lên đến 2.200 tỷ thùng vào thời điểm hiện nay.

Việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ mới này đã giúp Mỹ vươn lên dẫn đầu thế giới về sản lượng dầu mỏ trong 6 năm liên tiếp vừa qua. Các công ty Mỹ đang mở rộng áp dụng công nghệ này để thúc đẩy các trung tâm dầu khí mới trên thế giới. Mỹ Latinh đang nổi lên khi khu vực này chiếm tới 40% các dự án dầu khí mới của toàn cầu trong 2 năm gần nhất. Người ta thậm chí còn gọi đây là trào lưu dầu khí mới do Mỹ dẫn đầu.

Dẫu vậy, nhu cầu cao của thị trường mới là nguyên nhân chính cho việc các nhà sản xuất vẫn không ngừng mở rộng sản xuất. Giá dầu vào thời điểm hiện nay trung bình cao gấp đôi so với năm 2020 và gấp 4 lần so với những năm 2000. Sản lượng dầu mỏ toàn cầu đã tăng từ 97 triệu thùng/ngày vào năm 2016 lên mức 117 triệu thùng/ngày vào năm 2023 dù cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến một số quốc gia tự nguyện cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu ổn định. Bất chấp những bất ổn kinh tế chính trị và cả những mong ước chuyển đổi xanh trên toàn cầu, ngành công nghiệp dầu khí vẫn đang tăng trưởng tốt.

Những mỏ dầu mới vẫn đang được đưa vào khai thác.

Tìm một giải pháp hài hòa

Tại Tuần lễ công nghiệp Cera tổ chức ở Texas mới đây, ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã thẳng thừng tuyên bố: "Chúng ta nên từ bỏ ảo tưởng loại bỏ dần dầu khí và thay vào đó đầu tư vào chúng một cách thỏa đáng".

Tại hội nghị lớn nhất trong năm của những người làm ngành năng lượng này, nhà điều hành của các tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới đã lên tiếng bác bỏ dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) rằng nhu cầu dầu và khí đốt toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, đồng thời khẳng định "ổn định an ninh năng lượng quan trọng hơn chuyển đổi năng lượng tái tạo".

Quan điểm này của ông Nassar không hề đơn độc. Mỹ, quốc gia giàu có nhất thế giới đã tận dụng công nghệ tăng cường sản lượng của mình trong vài năm qua để trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Còn tại châu Âu, chỉ có 2% công suất khí đốt đã được lên kế hoạch ngừng hoạt động thực sự trong 2 năm vừa qua. Con số này tương đương với 4 nhà máy ở Anh, Đức và Ý đã đóng cửa vì thiếu nguồn cung khí đốt theo công nghệ cũ. Tuy nhiên, 10 nhà máy điện khí mới đưa vào hoạt động bằng công nghệ khí hóa lỏng (LPG) đã làm tăng công suất phát điện gây hiệu ứng nhà kính của lục địa già thêm 27% trong cùng quãng thời gian đó. Chính những quốc gia giàu có nhất, có nhiều nguồn lực nhất, hô hào mạnh mẽ nhất trong phong trào chuyển đổi năng lượng sạch lại đang vi phạm những cam kết của mình.

Các quốc gia nghèo hơn trên thế giới cũng không hề chậm chân trong cuộc đua này. Theo báo cáo của Global Energy Monitor, Nam Mỹ và Châu Phi đang trở thành điểm nóng cho các dự án sắp tới. Trong số 22 quốc gia có phát hiện dầu khí đáng kể trong hai năm qua, 4 quốc gia: Sip, Guyana, Namibia và Zimbabwe, chiếm hơn 1/3 số lượng phát hiện, mặc dù cho đến thời điểm hiện tại mới khai thác được rất ít hoặc không khai thác được dầu khí. Mỏ khí đốt Shahini ở Iran - được cho là chứa 623 tỷ mét khối khí đốt - là phát hiện lớn nhất trong hai năm qua, tiếp theo là dự án Venus của Total Energies ở Namibia.

Dự án Kodiak ở Alaska, do Pantheon Resources giám sát, là mỏ dầu khí mới có tiềm năng lớn thứ ba. Nếu vào năm 2011, chỉ có 99 quốc gia trên thế giới được xác định là có dầu thì con số đó ngày nay đã lên tới 114 quốc gia. Bản đồ dầu khí thế giới đang ngày một rộng lớn hơn và cũng chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.

Năm 2023 đã được ghi nhận là năm nóng nhất trên toàn cầu kể từ thời điểm việc đo nhiệt độ được ghi lại vào năm 1850. Nhưng, cảnh báo mới nhất đến từ Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) thì năm 2024, kỷ lục mới sẽ lại được thiết lập.

Các nhà khoa học tại Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (CCCS) của châu Âu mới đây đã công bố kết quả theo dõi của mình cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu đã là tăng 1,48°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Như vậy là chỉ cần nhiệt độ trung bình tăng thêm 0,02°C nữa, giới hạn mà chính chúng ta đặt ra cho mình sẽ bị phá vỡ. Ở đây là giới hạn về sự an toàn của chính chúng ta được xác định trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015. Tuy nhiên, cũng chính những nhà khoa học này đã cho biết có khả năng mốc 1,5 độ C sẽ được vượt qua lần đầu tiên trong 12 tháng tới. Phải chăng, chúng ta sẽ cần một công ước mới để "nới" giới hạn cho chính mình.

Ngành dầu khí toàn cầu hiện có giá trị ước tính khoảng 6.000 tỷ USD. Đó là một con số khổng lồ. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nếu các quốc gia trên thế giới tăng cường chính sách để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C như trong Thỏa thuận Paris, mức sụt giảm giá trị của các công ty dầu khí tư nhân có thể lên tới 60%, tương đương khoảng 3.600 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu không làm điều đó, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã tính toán rằng, biến đổi khí hậu khiến Liên minh châu Âu (EU) tổn thất về kinh tế đến hơn 145 tỷ euro trong thập kỷ qua. Trong 20 năm qua, ước tính có 195.000 người ở châu Âu đã bị thiệt mạng cho các tác động của thời tiết bất thường. Nhưng đây mới chỉ là tại châu Âu, khu vực được cho là ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhất thế giới. Một nghiên cứu của Tổ chức kinh tế môi trường (EIU) tại Anh năm 2019 đã chỉ rõ, 3% GDP toàn cầu tương đương với 7.900 tỷ USD sẽ bị mất đi do các tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2050. Những khu vực sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu là châu Phi (ước tính giảm 4,7%), châu Mỹ Latin (3,8%), Trung Đông (3,7%)…; với quy mô nền kinh tế nhỏ và thời tiết vốn đã khắc nghiệt. Trong khi đó, GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến giảm 2,6%. Bị ảnh hưởng ít nhất sẽ là khu vực Tây Âu (1,7%) và Bắc Mỹ (1,1%).

Nghịch lý đã chỉ ra rằng, chính những khu vực giàu có nhất lại sẽ bị ảnh hưởng ít nhất bởi biến đổi khí hậu. Có lẽ chính vì thế, những quốc gia này lại không mấy mặn mà với công cuộc chuyển đổi năng lượng sạch của mình bất chấp ngành dầu khí hàng năm thải ra môi trường hàng trăm triệu tấn khí metan và carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính. Những thống kê không nói dối. Thế giới chắc chắn sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nếu tiếp tục phát triển năng lượng hóa thạch, đặc biệt là dầu khí. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: liệu chúng ta có đủ dũng cảm để bắt những ông chủ giàu có của ngành công nghiệp dầu khí phải nhận thiệt hại về mình? Để làm được điều đó, chỉ những lời hứa là không đủ.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/cac-muc-tieu-khi-hau-truoc-thach-thuc-hoat-dong-khai-thac-dau-khi-i729213/