Các loài xâm lấn gây tuyệt chủng và làm thiệt hại hàng trăm tỷ USD

Một báo cáo khoa học mới cho thấy, thực vật và động vật không bản địa có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, gây hại cho sức khỏe con người và khiến nền kinh tế thế giới 'bốc hơi' hàng trăm tỷ USD.

Các loài xâm lấn tác hại như thế nào?

Một báo cáo khoa học quy mô lớn được công bố hôm thứ Hai vừa rồi cho thấy, hàng nghìn loài xâm lấn đang gây thiệt hại ước tính hơn 423 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm, do làm hại thiên nhiên, phá hủy hệ thống thực phẩm và đe dọa sức khỏe con người.

 Trai Ngựa vằn sinh sôi nhanh khủng khiếp và bám vào bất cứ thứ gì có thể bám được tại Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ. Ảnh: WOSU

Trai Ngựa vằn sinh sôi nhanh khủng khiếp và bám vào bất cứ thứ gì có thể bám được tại Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ. Ảnh: WOSU

Báo cáo do “Nền tảng Chính sách-Khoa học liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái” (IPBES) - một tổ chức được 94 quốc gia thành lập năm 2012 dựa trên đề xuất của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, thực hiện và công bố.

Theo tờ New York Times, báo cáo của IPBES là cái nhìn toàn diện nhất về cách các loài ngoại lai xâm lấn đang gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học. Công trình này được biên soạn bởi 86 chuyên gia từ 49 quốc gia, dựa trên hàng nghìn nghiên cứu khoa học và đóng góp từ người dân bản địa cũng như cộng đồng địa phương.

Dựa trên dữ liệu năm 2019, báo cáo chỉ ra rằng thiệt hại do các loài xâm hại đối với nền kinh tế toàn cầu đã tăng ít nhất 4 lần mỗi thập kỷ kể từ năm 1970. Theo đó, trong vài thế kỷ qua, con người đã cố tình và vô tình đưa hơn 37.000 loài đến những nơi nằm ngoài phạm vi tự nhiên của chúng khi thế giới ngày càng trở nên gắn kết với nhau hơn. Hơn 3.500 loài trong số đó được coi là xâm lấn vì chúng có hại cho hệ sinh thái mới của chúng.

Các nhà khoa học của IPBES nhận định, các loài không thuộc bản địa là nguyên nhân chính gây ra 60% các vụ tuyệt chủng được ghi nhận ở thực vật và động vật. Báo cáo này được mở rộng từ một nghiên cứu chuyên sâu năm 2019 của cùng một nhóm nhà khoa học, trong đó phát hiện ra rằng có tới một triệu loài thực vật và động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì những loài xâm lấn.

Helen Roy, một nhà sinh thái học và là một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu của IPBES, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng chưa từng có về số lượng các loài ngoại lai trên toàn thế giới. Có khoảng 200 loài ngoại lai mới mỗi năm. Và với những con số đó, chúng ta cũng sẽ thấy tác động ngày càng tăng”.

Sự tiếp tay của con người

Một số loài được di dời bởi các lực lượng toàn cầu như buôn bán động vật hoang dã và vận chuyển quốc tế. Ví dụ, Trai Ngựa vằn là loài xâm lấn đã đẩy loài trai địa phương đến bờ vực tuyệt chủng ở Ngũ Đại Hồ (nhóm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới nằm giữa Mỹ và Canada) và buộc các nhà máy điện phải tốn hàng triệu USD để thông tắc nguồn nước. Có lẽ loài này đã đến Bắc Mỹ trên các tàu chở hàng từ châu Âu vào những năm 1980. Các loài thực vật và động vật khác đã được biết là “đi nhờ” xe với những du khách bình thường di chuyển bằng ô tô, máy bay hoặc tàu hỏa.

Một số loài xâm lấn cũng được du nhập có chủ ý vì các lợi ích trước mắt và sau đó lan rộng ra ngoài tầm kiểm soát. Không phải tất cả các loài không thuộc bản địa đều được coi là một vấn đề. Một số giống như gà và khoai tây đã được thuần hóa và đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Nhưng các loài ngoại lai không được kiểm soát sẽ trở thành loài xâm lấn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống thực phẩm.

Chẳng hạn, loài Cua bờ châu Âu đã xâm chiếm các loài động vật có vỏ vốn được khai thác thương mại ở New England (Mỹ), trong khi loài Trai giả vùng Caribe đã gây thiệt hại cho các nghề cá quan trọng ở Ấn Độ. Các cuộc xâm lấn cũng có thể gây tổn hại đến sức khỏe con người. Muỗi truyền các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết và virus zika đã xâm lấn khắp thế giới.

Aníbal Pauchard, một nhà khoa học khác tham gia báo cáo, cho biết: “Thông thường, các cộng đồng nghèo là những nhóm người phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất”.

Các hệ sinh thái bị xâm lấn thường ảnh hưởng tới đời sống của các cộng đồng dân cư, như duy trì nghề cá, điều hòa lượng mưa và lọc nước uống. Các loài xâm lấn cũng làm cho hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn bằng cách giảm đa dạng sinh học khiến chúng có khả năng chống chịu bệnh tật và các mối đe dọa khác.

Trong cuộc chiến với những loài xâm lấn, các quần đảo đặc biệt dễ bị tổn thương. Báo cáo của IPBES cho hay, số lượng các loài không phải bản địa xâm lấn vượt quá số lượng các loài bản địa ở hơn một phần tư các hòn đảo trên thế giới.

Liên quan đến cả thảm họa cháy rừng Hawaii

Nhận định đó đã trở nên đặc biệt rõ ràng vào tháng trước khi các vụ cháy rừng ở Hawaii, mà một trong những tác nhân lớn là do các loài cỏ ngoại lai xâm lấn và nhiệt độ tăng cao, đã giết chết ít nhất 115 người.

 Trận cháy rừng khủng khiếp tại Hawaii (Mỹ) tháng trước có phần tác nhân từ những loài cỏ ngoại lai dễ bắt lửa. Ảnh: LA Times

Trận cháy rừng khủng khiếp tại Hawaii (Mỹ) tháng trước có phần tác nhân từ những loài cỏ ngoại lai dễ bắt lửa. Ảnh: LA Times

Trong những năm gần đây, cỏ xâm lấn đã gây ra nhiều vụ cháy rừng chết người khác ở Chile và Úc. Dawn Bazely, Giáo sư sinh học chuyên về cỏ tại Đại học York ở Toronto (Canada), cho biết: “Chính sự giao thoa giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu với các loài xâm lấn đang tạo ra những phản ứng khủng khiếp này”.

Các quốc gia đã không đạt được mục tiêu đặt ra vào năm 2010 là giảm bớt các cuộc xâm lấn. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm ngoái, gần như mọi quốc gia trên thế giới đã đồng ý như một phần của thỏa thuận sâu rộng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó đặt mục tiêu giảm ít nhất một nửa việc du nhập và thiết lập các loài xâm lấn.

Các nhà nghiên cứu cho biết cách quan trọng nhất để chống lại cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng của các loài ngoại lai xâm lấn là ngăn chặn chúng đến các khu vực mới. Các lựa chọn bao gồm đánh giá rủi ro trước khi di chuyển loài hoặc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Đấy là những biện pháp khá đơn giản để thực hiện. Nhưng nhân loại đôi khi vẫn rất chần chừ. Và cái giá của việc không hành động thì lại rất cao. Nếu một loài đã được hình thành ở môi trường mới, đặc biệt là trong môi trường biển, việc loại bỏ chúng thường rất tốn kém hoặc thậm chí là không thể.

Peter Stoett, một trong những người đứng đầu báo cáo của IPBES, cho biết: “Vấn đề do các loài xâm lấn gây ra đang gia tăng và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chất lượng cuộc sống của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới”. Nhưng ông nói thêm, đó cũng là “một vấn đề có thể giải quyết được nếu có sự đầu tư và cam kết nghiêm túc từ các quốc gia”.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-loai-xam-lan-gay-tuyet-chung-va-lam-thiet-hai-hang-tram-ty-usd-post263606.html