Các lệnh trừng phạt của EU lên Nga có thể 'đóng băng' ngành công nghiệp Đức

Nghị sĩ Đức Uwe Schulz cảnh báo nền kinh tế lớn nhất của EU đang phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế và phi công nghiệp hóa hơn nữa do chính sách trừng phạt của khối đối với Nga.

Theo một tuyên bố đăng trên trang web của Đảng Cánh hữu AfD, các biện pháp trừng phạt không chỉ gây tổn hại cho Nga mà còn “tàn phá” nền kinh tế Đức.

“Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và loạt chính sách Chính phủ đang đưa nước Đức và hoạt động kinh tế của nước này tiến thẳng đến phi công nghiệp hóa,” chính trị gia này tuyên bố.

Berlin từng nhập khẩu một lượng lớn năng lượng giá rẻ từ Moscow để duy trì hoạt động của các nhà máy. Ảnh minh họa: RT.

Ông nói thêm “không có gì ngạc nhiên khi vào năm 2022, Liên bang Nga đã vượt Đức khỏi vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng các nền kinh tế hàng đầu thế giới”.

Báo cáo Kinh tế Thế giới mới nhất cho thấy Nga là một trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới và lớn nhất ở châu Âu xét theo sức mua tương đương (PPP) tính đến cuối năm 2022, bất chấp các lệnh trừng phạt. Dữ liệu chỉ ra rằng Nga đã vượt lên trên nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ đôla của Đức khi tính theo PPP.

Theo Schultz, tác động tàn phá của các biện pháp trừng phạt Nga đối với nền kinh tế Đức được chứng minh bằng “triển vọng kinh tế đáng thất vọng vào năm 2023,” cũng như “kết quả tồi tệ trong ngành ô tô, tiếp tục dẫn đến giảm sản lượng sản xuất”.

Về vấn đề này, nhà lập pháp kêu gọi Chính phủ Đức ngay lập tức “dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga” để “ngăn chặn nhiều thiệt hại kinh tế” có thể xảy ra.

Tuần này, người đứng đầu Liên đoàn các Hiệp hội Người sử dụng lao động Đức trong ngành Cơ điện và Kim loại (Gesamtmetall), Stefan Wolf, cho biết nền kinh tế Đức không còn khả năng cạnh tranh và đã trở thành “kẻ ốm yếu của châu Âu”. Theo ước tính của ông, đất nước có thể rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay.

Trong hai quý liên tiếp đầu năm 2023, sản lượng kinh tế của nước này đã giảm - điều mà các nhà kinh tế gọi là "suy thoái kỹ thuật". Trong quý gần đây nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã chững lại ở mức của quý trước, và tất cả các chỉ số kinh tế quan trọng đều cho thấy sự suy giảm.

“Tình hình kinh tế Đức đang đen tối” là kết luận của Clemens Fuest, Chủ tịch Viện ifo, Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz thuộc Đại học München. Viện ifo khảo sát 9.000 giám đốc điều hành mỗi tháng về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp và kỳ vọng của họ trong sáu tháng tiếp theo. Kết quả là Chỉ số môi trường kinh doanh (tháng 7/2023) đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Các nhà nghiên cứu của ifo dự kiến GDP của Đức sẽ giảm tiếp trong quý này.

Nhà kinh tế trưởng Jörg Krämer của ngân hàng Commerzbank cũng thừa nhận: "Thật không may, không có sự cải thiện nào trước mắt. Việc tăng lãi suất trên toàn thế giới đang gây ra hậu quả, đặc biệt là khi các doanh nghiệp Đức không ổn định do chất lượng địa điểm của họ đang bị xói mòn".

Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất, Đức dường như phải chịu giá năng lượng tăng cao sau cuộc chiến ở Ukraina, mặc dù chi phí này đã giảm so với mức đỉnh ban đầu.

Nga từ lâu đã là nguồn cung cấp khí đốt chính cho Đức, cung cấp khối lượng lớn với giá tương đối thấp cho các tập đoàn công nghiệp lớn nhất của nước này.

Ingeborg Neumann, người đứng đầu hiệp hội ngành dệt may Đức, cho biết tại sự kiện của BDI: “Giá năng lượng, thiếu lao động, quan liêu - đối với chúng tôi, sản xuất ở Đức không còn hấp dẫn nữa”.

Moscow đã trả đũa bằng cách cắt giảm việc cung cấp nhiên liệu và áp đặt một hệ thống thanh toán mới dựa trên đồng rúp. Trước đó, nền kinh tế Đức phụ thuộc vào Nga với 40% nhu cầu khí đốt và khoảng 1/3 nhu cầu dầu mỏ.

Điệp Nguyễn (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-lenh-trung-phat-cua-eu-len-nga-co-the-dong-bang-nganh-cong-nghiep-duc-post260144.html