Các hãng xe Nhật Bản kết nối với startup nhằm tạo thế mạnh mới

Các hãng xe Mazda, Honda hay Toyota hình thành không gian hay chương trình làm việc chung dành cho startup, nhằm khai thác nguồn nhân tài, ý tưởng và sức mạnh công nghệ của startup.

Các hãng xe Nhật Bản đẩy mạnh thu hút kỹ sư phần mềm bên ngoài và đào tạo nâng cấp công nhân và nhân viên bán hàng cho mảng kinh doanh xe điện và xe tự lái trong tương lai.

Không gian sáng tạo dành cho làm việc chung với startup của Mazda Motor tại thủ đô Tokyo, nơi tập trung 65% startup ở Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Không gian sáng tạo dành cho làm việc chung với startup của Mazda Motor tại thủ đô Tokyo, nơi tập trung 65% startup ở Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Mazda lập không gian làm việc chung với startup

Mazda Motor có trụ sở chính ở thành phố Hiroshima, phía tây Nhật Bản. Nhưng mới đây, Mazda đã lập văn phòng mới ở Tokyo để kết nối với startup và kỹ sư phần mềm của Nhật Bản.

Văn phòng mới ở Tokyo khai trương hôm 16-2, nằm trên tầng 33 của tòa nhà Roppongi Hills Mori Tower. Phần lớn diện tích văn phòng được thiết kế thành không gian làm việc mở, đủ sức chứa 80 người.

Hiện tại, khoảng 20 nhân viên từ các bộ phận liên quan đến phát triển dịch vụ di chuyển mới, điện khí hóa, đổi mới kỹ thuật số và nhân sự sẽ sử dụng không gian này. Trong thời gian tới, công ty hy vọng sẽ tổ chức các sự kiện nội bộ cũng như hội thảo dành cho người xin việc, các chương trình thực tập và hội thảo với các startup.

CEO Noriyuki Takimura cho rằng: “Tốc độ số hóa trong những năm gần đây dẫn đến sự hình thành nhiều công ty, từ công nghệ đến giải trí. Số hóa cũng lan rộng khắp ngành công nghiệp xe hơi, với sự ra đời của nhiều dịch vụ và sản phẩm khác nhau”.

Tikamura chỉ ra sáng kiến của Toyota Motor nhằm tạo ra Woven City, một thành phố được xây dựng thành không gian thử nghiệm cho những ý tưởng mới và liên doanh giữa Honda Motor và Tập đoàn Sony. “Để tạo và tăng thêm giá trị mới, chúng tôi cần một không gian để tương tác và hợp tác với các đối tác mới như startup chẳng hạn. Có đến 65% startup ở Nhật Bản đang tập trung ở Tokyo và chúng tôi muốn tăng cơ hội gặp gỡ họ”.

Văn phòng Tokyo có thể giúp Mazda đến gần hơn với những người dẫn đầu đổi mới sáng tạo. Mazda cũng hy vọng cơ sở mới sẽ giúp tuyển dụng được những nhân viên có tay nghề cao như kỹ sư phần mềm. “Mặc dù làm việc từ xa đang phổ biến, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng việc gia nhập một công ty ở Hiroshima là một trở ngại đối với nhiều người tìm việc ở Tokyo”, Tikamura nói.

Nữ công nhân điều chỉnh việc lắp ráp dòng xe Acura MDX bằng phần mềm huấn luyện ảo của Honda tại nhà máy ở bang Ohio, Mỹ. Ảnh: Honda

Nữ công nhân điều chỉnh việc lắp ráp dòng xe Acura MDX bằng phần mềm huấn luyện ảo của Honda tại nhà máy ở bang Ohio, Mỹ. Ảnh: Honda

Honda và Toyota tập trung đào tạo kỹ sư phần mềm

Các hãng xe hơi Nhật đang tìm kiếm các đối tác, công nghệ mới như hệ thống lái xe tự động hay hệ thống thông tin giải trí tự động cập nhật.

Honda đang hợp tác với các công ty phần mềm như KPIT Technologies của Ấn Độ và SCSK ở Tokyo, nhằm tăng số lượng kỹ sư phần mềm lên 10.000 người vào năm 2030. Đây là quá trình chuyển đổi chiến lược từ sản xuất xe xăng truyền thống sang xe điện như Tesla.

Với hãng phần mềm KPIT Technologies, Honda dự tính số kỹ sư Ấn Độ làm việc cho hãng sẽ tăng từ 1.100 hiện nay lên 2.000. Honda cũng sẽ thuê thêm chuyên gia phần mềm. Phó chủ tịch điều hành Shinji Aoyama nói ông muốn có một lực lượng kỹ sư mạnh, gồm người của công ty và công ty đối tác.

Hãng xe lớn nhất thế giới Toyota cũng sẽ đào tạo lại khoảng 9.000 công nhân thành kỹ sư vào năm 2025. Hãng xe chú trọng tuyển dụng công nhân tham gia sản xuất và nhân viên bán háng nhằm củng cổ mảng kinh doanh xe điện và xe tự lái trong tương lai. Toyota dự kiến có 18.000 kỹ sư phần mềm vào năm 2025. Ngay cả đội ngũ lái xe tự lái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển dòng xe tự lái của hãng.

Cùng với quỹ đầu tư SoftBank, Toyota hy vọng sẽ hợp tác với các startup ở tỉnh Aichi trong việc hình thành vườn ươm các startup phát triển phương thức đi lại trong tương lai như tàu vũ trụ, drone và xe bay tại Nhật. Aichi vốn là vốn là đại bản doanh của hãng xe Toyota và nhiều nhà thầu của hãng này, từng là trung tâm sản xuất máy bay của Nhật Bản trước Thế chiến 2.

Các nhà phân tích Nhật tin rằng sức mạnh của Tesla nằm ở khả năng phát triển phần mềm. Toyota sử dụng các bản nâng cấp phần mềm để bổ sung các tính năng mới cho những chiếc xe đã bán, giúp xe luôn được cập nhật công nghệ và tiết kiệm chi phí nhất.

Phát triển phần mềm đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều kỹ sư, quyết định cạnh tranh của hãng xe trong tương lai. Hiện một chiếc xe có thể được gắn gần 100 bộ điều khiển điện tử so với chỉ vài chục bộ trước đây và yêu cầu tới 100 triệu dòng mã.

Các hãng xe đối thủ cũng đang tăng cường năng lực kỹ thuật phần mềm của họ. Để thu hút nhân tài công nghệ, General Motors của Mỹ hiện đưa ra mức lương cho các kỹ sư công nghệ thông tin (IT) tương đương với mức lương của các công ty công nghệ lớn. Mercedes-Benz của Đức tăng gấp đôi số lượng nhân viên nghiên cứu và phát triển ở Bắc Kinh lên 2.000 người từ năm 2020 đến năm 2023 khi hãng mở rộng kinh doanh tại thị trường xe lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, khi chạy đua cập nhật các hệ thống điện tử, các hãng xe truyền thống sẽ gặp nhiều thách thức lớn. Chẳng hạn, hãng xe Volkswagen của Đức đã phải trì hoãn việc ra mắt Porsche Macan EV đến năm 2024 do vấn đề phát triển phần mềm.

Các hãng xe điện Trung Quốc đã chọn tập trung vào phát triển sản phẩm hơn là phần mềm. Để cắt giảm thời gian thực hiện, họ sẵn lòng sử dụng hệ điều hành hoặc hệ thống lái tự động do các công ty máy tính địa phương như Huawei phát triển.

Masashi Okada, Giám đốc hãng tư vấn quản lý Arthur D. Little Japan, cho biết chiến lược gia tăng sức mạnh phần mềm của ngành xe hơi Nhật Bản có thể gặp khó khăn do thiếu nhân tài IT.

Theo Nikkei Asia, Japan Times

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-hang-xe-nhat-ban-ket-noi-voi-startup-nham-tao-the-manh-moi/