Các FTA thế hệ mới là động năng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Các ngành hàng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao hơn, từ chất lượng, mẫu mã đến các vấn đề lao động, môi trường và phát triển bền vững…

Thời qua, nhiều Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới được ký kết đã cho thấy sự mở cửa kinh tế và thương mại quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đồng thời cũng xuất hiện không ít những thách thức phải vượt qua.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020 sản lượng điều thô của Việt Nam là hơn 333.000 tấn, cao hơn năm 2019 là 10%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD, chiếm 8,2% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt vào những tháng cuối năm khi nhu cầu tăng cao, các FTA lớn chính thức có hiệu lực, lượng xuất khẩu cũng tăng theo, đáp ứng được nhu cầu trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Các FTA sẽ tăng cơ hội khai thác và biến nó thành động năng phát triển mới cho đất nước và nền kinh tế trong thời gian tới.

Các FTA sẽ tăng cơ hội khai thác và biến nó thành động năng phát triển mới cho đất nước và nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Hiệp, Công ty TNHH Mỹ An cho biết, sau khi 2 hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa vượt mục tiêu đề ra trong năm ngoài. Mặc dù dịch Covid 19 vẫn còn ảnh hưởng trên toàn cầu thế nhưng doanh nghiệp vẫn tin tưởng năm 2021, tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn.

“Cuối quý I và sang quý II/2021 trùng với mùa vụ hạt điều ở Việt Nam, Campuchia cũng như châu Phi, các vấn đề liên quan đến việc mua bán điều thô cũng như sản lượng điều nhân sẽ tăng lên rất là cao. Khi đó việc mua bán sẽ nhộn nhịp, bởi vì đó là thời điểm mà các công ty nước ngoài sẽ tăng thu mua của Việt Nam”, ông Hiệp cho biết.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, trong khuôn khổ hội nhập Việt Nam đang tham gia rất sâu rộng, đặc biệt là các FTA sẽ là những cơ hội để khai thác và biến thành động năng phát triển mới cho đất nước và nền kinh tế. Bên cạnh cơ hội có được từ các FTA, việc chiếm lĩnh các thị trường mới không hề đơn giản.

Do đó, yêu cầu đặt ra cho các ngành hàng là phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao hơn, từ chất lượng, mẫu mã đến các vấn đề lao động, môi trường và phát triển bền vững theo các yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước không có cách nào khác là phải tăng cường nâng cao năng lực để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Đồng thời, phải thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, những hiệp định thương mại tự do và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi sự chủ động cũng như sự đồng hành một cách tích cực và chặt chẽ hơn nữa, giữa khu vực Nhà nước tới khu vực doanh nghiệp, không chỉ còn là những nỗ lực riêng của mỗi bên. Có như vậy Việt Nam mới tăng khả năng tiếp cận những cơ hội từ các hiệp định./.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cac-fta-the-he-moi-la-dong-nang-cho-tang-truong-kinh-te-viet-nam-839171.vov