Các doanh nghiệp Nga ra sao sau 2 năm xảy ra xung đột Ukraine?

Sau 2 năm chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, các công ty Moscow trong các lĩnh vực như dầu mỏ, khai thác đá quý, tài chính ngân hàng chịu tổn thất đáng kể. Trong khi đó, nền kinh tế Nga cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Nga đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt ngày càng tăng từ Anh, Mỹ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản và Thụy Sĩ, cùng nhiều nước khác, ảnh hưởng đến cả hoạt động kinh doanh và một số cá nhân của nước này.

Gần đây nhất, để đánh dấu kỷ niệm hai năm chiến sự nổ ra, Anh đã công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, chủ yếu ảnh hưởng đến các công ty điện tử, nhà sản xuất vũ khí và nhà kinh doanh dầu mỏ và kim cương.

Quân nhân Ukraine tuần tra quanh căn cứ quân sự ở vùng Donetsk ngày 4/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những điều này nhằm mục đích làm xói mòn nguồn tiền của Nga bằng cách nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp mang lại phần lớn thu nhập cho đất nước. Hơn nữa, với các lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất vũ khí, Vương quốc Anh cũng đang đảm bảo giáng một đòn mạnh vào kho vũ khí của Moscow. Động thái này chủ yếu dự kiến sẽ tác động đến các công ty cung cấp cho quân đội Nga chất nổ, hệ thống phóng tên lửa và tên lửa.

Trước đó vào tháng 1/2024, như một phần trong gói trừng phạt kinh tế và cá nhân Nga thứ 12, EU đã đưa PJSC Alrosa, công ty khai thác kim cương thuộc sở hữu nhà nước của Nga, cũng như Giám đốc điều hành Pavel Alekseevich Marinychev vào danh sách trừng phạt. Tuy nhiên, Alrosa đã bị Mỹ, Anh, Canada, Bahamas và New Zealand trừng phạt kể từ năm 2022.

Theo Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS), các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga đã tác động khá mạnh đến một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga vào năm 2022.

EEAS lưu ý rằng lĩnh vực sản xuất của Nga đã giảm 6% vào cuối năm 2022, trong đó sản lượng ô tô có động cơ giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại bán buôn giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thương mại bán lẻ giảm 10%. Sản xuất công nghệ cao và trung bình cũng bị lỗ 13%/năm.

Tuy nhiên, năm ngoái, tình thế dường như đã thay đổi. Cụ thể, hoạt động của các nhà máy ở Nga đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 7 năm vào tháng 12/2023, theo S&P. Trong khi đó, thị trường xe hơi Nga cũng tăng trưởng khoảng 120% vào tháng 9/2023.

Lĩnh vực năng lượng

PJSC Gazprom Neft, công ty con sản xuất dầu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom (Nga), là một trong những công ty dầu mỏ bị EU trừng phạt vào tháng 3/2022, nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Kể từ đó, lợi nhuận ròng quý 2/2023 của công ty đã giảm khoảng 43% do ngừng bán hàng, điều mà công ty tiết lộ sau một năm không công bố kết quả tài chính. Công ty gần đây cũng thông báo rằng họ đang rao bán các trạm dịch vụ ở Bulgaria.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, Gazprom Neft dường như đã vực dậy một lần nữa khi thông báo rằng họ sẽ tăng cường nỗ lực thăm dò và tái tập trung vào các dự án bị đình trệ trong thời kỳ đại dịch. Giám đốc điều hành của công ty, Alexander Dyukov, không phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU và vẫn có tài sản ở French Riviera.

Gazprom là một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Nga, Ảnh: Internet.

Đồng thời, một nhà sản xuất dầu khác của Nga là Rosneft, bị trừng phạt vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, công ty này gần đây đã công bố lợi nhuận hàng năm khoảng 14 tỷ USD (12,9 tỷ euro) cho cả năm 2023.

Rosneft nhấn mạnh rằng họ đã phải mở rộng các cơ sở sản xuất khí đốt do những hạn chế từ bên ngoài đối với dầu mỏ. Công ty cũng đã đàm phán với chính phủ Đức về các kế hoạch tiềm năng nhằm quốc hữu hóa Rosneft tại quốc gia này.

Công ty đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, Transneft, cũng bị trừng phạt, tiết lộ rằng xuất khẩu dầu qua đường ống của họ đã giảm 6,5% trong năm 2023.

Lĩnh vực khai thác mỏ

Nordgold, Highland Gold, Ural Mining and Metallurgical Company và Alrosa là một số công ty khai thác mỏ của Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Nordgold, một trong những công ty khai thác vàng lớn nhất của Nga, đã bị Anh trừng phạt vào tháng 11/2023. Lệnh trừng phạt này cũng mở rộng tới Marina Mordashov, vợ của tỷ phú Aleksey Mordashov, người được cho là sở hữu 52% cổ phần của Nordgold.

Tuy nhiên, điều này dường như không ngăn cản công ty nhiều kể từ đó, vì Nordgold được cho là đang xem xét các cơ hội đầu tư khai thác và thăm dò vàng, lithium và đồng ở Brazil vào cuối tháng 11/2023.

Tổng giám đốc cơ quan quản lý khai thác mỏ ANM của Brazil, Mauro Sousa, cho biết trong một tuyên bố “Nga là đối tác chiến lược của Brazil với tư cách là một phần của BRICS và điều quan trọng là nước này không chỉ đầu tư vào vàng mà còn vào các khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng và nền kinh tế xanh”.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, những biện pháp trừng phạt này dường như đang phát huy tác dụng. Trước đó vào năm 2023, công ty khai thác mỏ Orea Mining của Canada tuyên bố sẽ hoãn mua cổ phần của Nordgold trong dự án vàng Montagne d’Or ở Guiana thuộc Pháp cho đến khi mọi lệnh trừng phạt của Anh, Canada, Pháp, EU và Mỹ được dỡ bỏ.

Lĩnh vực kim cương của Nga cũng phải hứng chịu một đòn khác vào tháng 1, khi Alrosa, công ty khai thác kim cương thuộc sở hữu nhà nước bị EU trừng phạt. Tuy nhiên, công ty sản xuất kim cương này đã gặp khó khăn khá lâu trước đó, dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt do nhiều quốc gia khác áp đặt.

Trở lại tháng 9/2023, theo báo cáo của Rapaport, công ty đã thông báo tới Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức Ấn Độ (GJEPC) rằng họ sẽ hủy hai đợt bán hàng sắp tới do nhu cầu giảm sút.

Trong một lưu ý gửi GJEPC, công ty cho biết “Alrosa đã quyết định tạm dừng việc phân bổ kim cương thô vào tháng 9 và tháng 10/2023. Chúng tôi tin rằng phương pháp này sẽ có tác động ổn định bằng cách tăng cường cân bằng cung cầu của thị trường. Điều này sẽ hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng tồn kho quá mức, đặc biệt là khi các nhà sản xuất đóng cửa nhân lễ Diwali.”

Lĩnh vực tài chính

Vào tháng 2/024, Mỹ đã phản ứng nhanh chóng và dứt khoát bằng cách áp đặt các hạn chế đối với 10 tổ chức tài chính hàng đầu ở Nga.

Ước tính mỗi ngày, các tổ chức tài chính Nga ghi nhận khoảng 46 tỷ USD (42,4 tỷ euro) giao dịch ngoại hối. Do khoảng 80% trong số này là bằng đôla Mỹ, các biện pháp trừng phạt của xứ cờ hoa dự kiến sẽ gây thiệt hại rất nặng nề cho hệ thống tài chính và ngân hàng Nga.

Trong số những ngân hàng bị trừng phạt, Sberbank và VTB Bank là hai ngân hàng quan trọng nhất, chiếm hơn một nửa hệ thống ngân hàng tại “xứ bạch dương”, nếu tính đến giá trị tài sản. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động của họ đều dựa vào các khoản thanh toán được xử lý thông qua hệ thống tài chính Mỹ.

Dẫu vậy, một số nhà phê bình cho rằng những biện pháp trừng phạt này không đủ mạnh và chỉ ra thực tế là Sberbank vẫn báo cáo lợi nhuận hàng năm kỷ lục 17 tỷ USD (15,7 tỷ euro) vào năm 2023. Ngân hàng này, hiện do chính phủ Nga sở hữu một nửa, cũng khám phá các cơ hội tư nhân hóa.

Hơn nữa, gần đây họ cũng đã triển khai chuyển khoản ngân hàng trực tiếp tới Iran, quốc gia cũng đang phải đối mặt với một số lệnh trừng phạt của phương Tây. Động thái này được cho là nhằm giúp ích cho khách du lịch vì Nga đã phát triển mối quan hệ kinh tế, quân sự và chính trị chặt chẽ hơn với Iran sau cuộc chiến Ukraine.

Đối với Ngân hàng VTB, các biện pháp trừng phạt này dường như đã hiệu quả hơn khi chi nhánh ngân hàng ở Anh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trước cuộc chiến Ukraine. Dự kiến ngân hàng này sẽ tiếp tục được quản lý cho đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, ngân hàng này cũng tiết lộ rằng họ có kế hoạch mở rộng sang Trung Quốc trong những tháng tới, trong đó Nga cũng tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trở lại tháng 9/ 2022, VTB cũng là ngân hàng Nga đầu tiên sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT và chuyển tiền sang Trung Quốc bằng nhân dân tệ.

Khánh Vy (Theo Euronews)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-doanh-nghiep-nga-ra-sao-sau-2-nam-xay-ra-xung-dot-ukraine-post285653.html