Các doanh nghiệp chế biến chè khắc phục khó khăn, tìm kiếm thị trường

Dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp đến tất cả mọi mặt của kinh tế - xã hội và làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm, trong đó có mặt hàng chè. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè của tỉnh không nằm ngoài ảnh hưởng, khi thị trường co hẹp lại do các bạn hàng lâu năm tạm dừng nhập khẩu.

Tuyên Quang hiện có 3 doanh nghiệp lớn và hơn 10 doanh nghiệp nhỏ sản xuất, chế biến chè xuất khẩu. Sản phẩm chè của các đơn vị này chủ yếu xuất bán sang một số nước như Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan, Afganistan và một số nước châu Âu… Qua rà soát, lượng chè tồn kho của các doanh nghiệp tương đối lớn, trong đó, riêng 3 công ty chè lớn gồm Công ty Chè Sông Lô, Công ty Chè Mỹ Lâm và Công ty Chè Tân Trào, lượng chè tồn kho đã xấp xỉ 1.400 tấn.

Công nhân Công ty Chè Sông Lô vận chuyển chè vào kho của nhà máy.

Công nhân Công ty Chè Sông Lô vận chuyển chè vào kho của nhà máy.

Công ty Chè Tân Trào hiện còn tồn trên 800 tấn chè khô. Với công suất 50 - 70 tấn chè búp tươi/ngày, những tháng cao điểm, đơn vị này sản xuất hơn 400 tấn chè khô, trong đó trên 60% dành cho xuất khẩu. Lượng hàng tồn kho lớn khiến doanh nghiệp này thiếu kinh phí để duy trì sản xuất và thanh toán tiền mua sắm nguyên liệu đầu vào…

Công ty Chè Sông Lô cũng còn tồn hơn 550 tấn chè khô. Ông Vũ Đức Tráng, Phó tổng Giám đốc Công ty cho biết, lượng chè này hầu hết đã được các bạn hàng từ Afganistan, Nga… ký hợp đồng thu mua từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát, giao thương giữa các nước bị hạn chế khiến đối tác tạm dừng hoặc giảm số lượng nhập khẩu chè. 3 tháng đầu năm, đơn vị mới chỉ xuất bán được 500 tấn chè, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Làm việc tại Công ty Chè Sông Lô đã 15 năm nhưng chưa năm nào, chị Nguyễn Thị Loan, Quản đốc phân xưởng chế biến chè chứng kiến lượng chè tồn kho nhiều như năm nay. Chị Loan cho biết, nếu những năm trước, thời điểm này đơn vị đã bắt đầu bước vào cao điểm sản xuất, nhưng năm nay nguyên liệu đầu vào cũng gặp khó do người trồng chè gặp khó khăn chung, không có đủ kinh phí đầu tư chăm sóc chè, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các ngân hàng, như giãn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng... các nhà máy sản xuất hiện cũng đang khắc phục khó khăn, tìm kiếm các thị trường mới, các đơn hàng mới. Để giảm chi phí không cần thiết, các đơn vị đang thực hiện cho lao động nghỉ luân phiên, hưởng lương theo sản phẩm.

Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty Chè Mỹ Lâm cho biết, để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, ngoài sản xuất sản phẩm chè đen, chè xanh phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền, công nghệ để sản xuất chè túi lọc, ưu tiên cho thị trường nội địa. Nhờ thế, hiện lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30 tấn.

Công ty Chè Sông Lô hiện cũng đang tiếp tục vay vốn ngân hàng để thu mua nguyên liệu, chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới. Đối với lượng hàng tồn kho, đơn vị thực hiện phân lô, đóng gói để bảo quản sản phẩm, đồng thời tiếp tục tìm kiếm thị trường, trong đó ưu tiên thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, chè là cây trồng thế mạnh của tỉnh, là loại nông sản nổi tiếng góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Ngành nông nghiệp cũng đã lường trước những khó khăn của ngành chè và có phương án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và xúc tiến tìm đầu ra. Theo đó, ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các dự án đầu tư, sản xuất chè an toàn; trồng thay thế diện tích chè giống cũ, năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm chè. Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các vùng nguyên liệu. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng diện tích áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ vườn cho tới sản phẩm cuối cùng tại nhà máy.

Chỉ khi chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng thì khi dịch bệnh được khống chế, thị trường được khơi thông, việc sẵn sàng cung ứng sản phẩm từ các doanh nghiệp sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/cac-doanh-nghiep-che-bien-che-khac-phuc-kho-khan-tim-kiem-thi-truong-131288.html