Các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ

Mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến các khu vực vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 100mm. Ở nhiều tỉnh, tình trạng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đã diễn ra. Để chủ động ứng phó, khắc phục mưa lũ, các địa phương đã triển khai nhiều phương án, tổ chức ứng trực các khu vực trọng điểm, sơ tán dân khẩn cấp…

Mưa lớn gây ngập, sạt lở đất, lũ quét

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động gió đông trên cao, miền Bắc mưa từ ngày 8.9 đến nay. Nhiều khu vực ghi nhận mưa trên 100 mm, như xã Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) mức 230 mm, Chi Nê (Hòa Bình) 150 mm.

Hàng trăm người dân ở xã Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tập trung tại đê Bùi 2 để đắp đê, chống ngập

Hàng trăm người dân ở xã Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tập trung tại đê Bùi 2 để đắp đê, chống ngập

Huyện Chương Mỹ với địa hình thấp trũng, là vùng thoát lũ của Hà Nội và chịu ảnh hưởng của dòng chảy sông Bùi. Con sông này bắt nguồn từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đổ vào sông Đáy của Hà Nội. Khi thượng nguồn và mưa tại chỗ lớn, nước sông Bùi dâng cao sẽ gây ngập cho vùng hạ du là huyện Chương Mỹ, một phần huyện Quốc Oai và Mỹ Đức của Hà Nội. Ghi nhận tại huyện Chương Mỹ cho thấy, tình trạng nước tràn vào nhà dân, gây ngập ở thị trấn Xuân Mai với các điểm ngập sâu như thôn Bùi Xá, xã Nam Phương Tiến.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, từ đêm 7.9 đến nay, có mưa vừa và mưa to kéo dài, kèm theo gió giật mạnh, làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Tại huyện Tân Sơn, mưa to, gió lốc đã làm nhiều điểm ngập úng cục bộ; hàng chục đập tràn bị ngập sâu; nhiều điểm sạt lở khiến hệ thống giao thông bị chia cắt. Tại huyện Thanh Sơn, mưa lớn cũng đã làm 42 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời; làm ngập 63 ha lúa, 20 ha ngô, hoa màu…

Tại 3 tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, mưa lớn khiến cho 286,3ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị ngập. 1 người bị mất tích vào ngày 8.9 do lũ cuốn trôi tại thôn Sòng, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. 56 ngôi nhà bị ngập, 1 ngôi nhà bị sạt lở đất.

Người dân chở xe máy đi qua điểm ngập tại thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ

Người dân chở xe máy đi qua điểm ngập tại thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ

Chủ động ứng phó mọi tình huống

Trước dự báo và diễn biến của mưa lớn, từ ngày 7.9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công văn số 468/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các tỉnh, thành phố về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT cũng tiến hành tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

Tại các địa phương, Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP. Hà Nội đã ban hành 3 lệnh báo động lũ: báo động I trên sông Tích hồi 23h40 ngày 8.9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Thạch Thất, Phú Thọ và thị xã Sơn Tây; báo động II trên sông Bùi hồi 22h30 ngày 8.9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức; báo động II trên sông Tích hồi 3h30 ngày 9.9.2022 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Quốc Oai và Chương Mỹ.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức sơ tán, di dời do ngập úng, sạt lở đất tại huyện Lương Sơn cho 435 người, trong đó có di dời 148 người bị cô lập dọc tuyến sông Bùi, 191 người ở Lâm Sơn đã được sơ tán theo phương án di dời của xã Lâm Sơn, 96 người di dời đến nơi ở an toàn trong khu dân cư lân cận.

Văn phòng thường trực PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An có văn bản số 58/VP-PCTT ngày 7.9 yêu cầu các địa phương và đơn vị chức năng chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn kèm theo lốc, sét, mưa đá, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Tại Phú Thọ, theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, qua rà soát, địa phương đã xác định được 13 vị trí trọng điểm, xung yếu, trong đó tại TP. Việt Trì và các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng mỗi huyện hai điểm; các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Sơn, Thanh Thủy và thị xã Phú Thọ mỗi huyện một điểm.

Tại các vị trí xung yếu, Ban Chỉ huy tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi; tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình, phát hiện các sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời. Theo chức năng nhiệm vụ, các sở, ban, ngành lập phương án ứng phó, hiệp đồng nhân lực, phương tiện sẵn sàng hộ đê, phòng chống thiên tai.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm, phương án sơ tán dân, chuẩn bị nhân lực, 27 phương tiện, vật tư phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt chú ý vận hành cống dưới đê kịp thời và tổ chức tuần tra canh gác đê trong mùa lũ, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố công trình đê điều. Các cấp, các ngành duy trì chế độ thường trực phòng chống thiên tai 24/24 giờ trong mùa lũ và khi có thiên tai bất thường xảy ra; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; thông tin kịp thời chính xác diễn biến thời tiết khí tượng thủy văn và diễn biến công trình, chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị bố trí 1.250 bộ đội địa phương, dân quân cơ động sẵn sàng tổ chức ứng trực các khu vực trọng điểm, những vị trí có nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, chia cắt, cô lập.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát chặt chẽ, cụ thể các khu vực trọng điểm, các hồ đập, đê kè, công trình mất an toàn, những nơi có nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, chia cắt, cô lập; có phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn về người và tài sản của người dân.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-i300340/