Các công ty đa quốc gia nợ kỷ lục trong bối cảnh lãi suất tăng

Mức nợ của 933 tập đoàn lớn nhất thế giới đã tăng 6,2%, lên tới 7.802 tỷ USD tính đến thời điểm 1/6 năm 2023.

Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tạp chí La Tribune dẫn báo cáo thường niên của công ty quản lý tài sản toàn cầu Janus Henderson có trụ sở chính tại London cho biết, mức nợ của 933 tập đoàn lớn nhất thế giới đã tăng 6,2%, đạt 7.802 tỷ USD tính đến thời điểm 1/6 năm 2023. Tình trạng này có thể trở thành vấn đề khi lãi suất cơ bản tăng cao.

Nếu nợ luôn là một chủ đề được quan tâm đối với tất cả các quốc gia, thì đó cũng là mối bận tâm của các doanh nghiệp vốn luôn phụ thuộc nhiều hơn vào các chủ nợ. Theo báo cáo thường niên của công ty Janus Henderson, mức nợ của 933 công ty lớn nhất thế giới thuộc tất cả các lĩnh vực, trừ tài chính và bất động sản, tính đến ngày 1/6/2023 đã lên tới 7.802 tỷ USD.

Con số này cao hơn gấp đôi so với nợ công 3.000 tỷ euro (khoảng 3342,6 tỷ USD) của nước Pháp. Hơn nữa, mức nợ tư nhân đã tăng 6,2% theo tỷ giá hối đoái cố định so với một năm trước, con số cao nhất kể từ khi Janus Henderson phát hành báo cáo đầu tiên thuộc dạng này từ năm 2014.

Các công ty thuộc lĩnh vực viễn thông mắc nợ nhiều nhất. Ví dụ, tập đoàn Verizon dẫn đầu với khoản nợ 172 tỷ USD; tiếp theo là AT&T ở vị trí thứ 4 với 154 tỷ USD nợ; Deutsche Telekom đứng thứ 5 với 153 tỷ USD nợ; và Comcast nợ 102 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 6. Dịch vụ là lĩnh vực “đóng góp nhiều nhất” cho xu hướng tăng nợ do “chi phí đầu tư và cổ tức lớn”.

Ngược lại, lợi nhuận khổng lồ thu được đã giúp các tập đoàn dầu mỏ giảm nợ xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm qua và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những tháng tới. Janus Henderson nhận định, chi phí vay tăng trong khi hoạt động kinh tế chậm lại sẽ khiến các tập đoàn đa quốc gia tìm cách trả bớt một phần nợ của họ.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ 0% hồi đầu năm 2022 lên 3,5 - 4,25% vào tháng Sáu vừa qua. Và đây là một trong những đợt tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử châu lục. Mục tiêu được viện dẫn là hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng, giảm tiêu dùng và đầu tư để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc tăng lãi suất chỉ có tác động hạn chế đối với các tập đoàn lớn, với mức tăng chi phí lãi vay giới hạn ở mức 5,3% theo tỷ giá hối đoái cố định. Trên thực tế, các doanh nghiệp đã vay trên thị trường trái phiếu với lãi suất cố định trong nhiều năm, điều này cho phép họ được an toàn cho đến khi phải trả nợ.

Tuy có vị thế tương đối an toàn trước việc tăng lãi suất nhờ vào trái phiếu, nhưng các tập đoàn lớn vẫn có nguy cơ mắc nợ cao và dẫn đến phá sản. Theo một nghiên cứu công bố ngày 11/7 của Altares, công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu kinh doanh, nguy cơ này đang xuất hiện nhiều trở lại trong giới doanh nghiệp Pháp. Tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp nước này đã tăng 35% trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, với 13.266 hồ sơ xin giải thể được mở tại các tòa án thương mại tình từ ngày 1/4-30/6.

Con số này đã vượt mức trước cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19. Xét cùng kỳ, năm 2019 tại Pháp có 12.347 trường hợp tương tự. Xét trong một năm, nếu như Ngân hàng Pháp (BdF) chỉ xác nhận 33.750 vụ phá sản trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021-6/2022, thì tổ chức này đã thống kê được 48.673 vụ tương tự từ tháng 7/2022-6/2023. BdF lưu ý rằng số doanh nghiệp Pháp phá sản tăng liên tiếp bắt đầu từ mùa Thu năm 2021. Một tình huống đáng lo ngại, nhưng phải được xem xét trong bối cảnh có trung bình hơn 59.340 vụ phá sản mỗi năm được ghi nhận tại nước này trước đại dịch./.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-cong-ty-da-quoc-gia-no-ky-luc-trong-boi-canh-lai-suat-tang/299464.html