Các câu lạc bộ sách của sao không còn 'nổi tiếng'

Các câu lạc bộ sách của người nổi tiếng ngày càng xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, liệu thời hoàng kim của họ đã qua?

Khi ngôi sao Dua Lipa trải qua một ngày nắng đẹp hiếm hoi ở London trong thời gian đại dịch, cô lựa chọn cuốn sách dày 720 trang A Little Life của Hanya Yanagihara. Và sau khoảng thời gian chìm đắm với sách, Dua Lipa trở thành ngôi sao mới nhất thành lập câu lạc bộ sách của riêng mình.

Trong tháng này, ngôi sao trẻ đã lựa chọn cuốn Shuggie Bain, tác phẩm đầu tay đoạt giải Booker của Douglas Stuart. Đây là một cuốn tiểu thuyết ăn khách kể về một chàng trai trẻ thuộc tầng lớp lao động phải vật lộn để kiếm sống ở Glasgow trong những năm tháng nước Anh nằm dưới sự lãnh đạo của “bà đầm thép” Thatcher.

Có thể thấy Dua Lipa đang tham gia vào xu hướng ngày càng tăng của những người nổi tiếng khi họ ngày càng làm ăn phát đạt nhờ sở thích mê sách của họ.

Làn sóng bùng nổ các câu lạc bộ sách nổi tiếng

Được coi là một trong những người tiên phong, Oprah Winfrey đã ra mắt câu lạc bộ của mình vào năm 1996, mở rộng từ phiên thảo luận về sách trong chương trình The Oprah Winfrey Show.

Theo dữ liệu của Nielsen, với việc tập trung tôn vinh các tác giả nữ da màu, những tác phẩm nào nhận được sự chú ý của Oprah đồng nghĩa với việc "được thêm sự chú ý và tăng doanh thu". Một báo cáo năm 2011 tiết lộ các tác phẩm được Oprah giới thiệu đã bán được "hơn 22 triệu bản trong 10 năm qua".

Nielsen đã viết vào thời điểm đó: "Oprah Winfrey, bà tiên đỡ đầu à? Đối với nhiều người trong thế giới xuất bản, điều đó không còn quá xa lạ".

 Câu lạc bộ sách của người nổi tiếng thực sự là một trào lưu lớn. Ảnh: Reuters.

Câu lạc bộ sách của người nổi tiếng thực sự là một trào lưu lớn. Ảnh: Reuters.

Dee Magidan, giám đốc sáng tạo của Campaign Edge, cho biết: "Điều tuyệt vời ở Oprah là câu lạc bộ giúp các tác giả không có chỗ dựa có được một nơi để dựa vào. Đó chính là những nhà văn da màu và nhiều nhà văn nữ trong bối cảnh các giải thưởng văn học vẫn do một nhóm tác giả có quan điểm khá đồng nhất về chiến thắng kiểm soát".

Bà Madigan nói rằng "gần như không thể" nói rõ tầm ảnh hưởng của Oprah lớn đến mức nào, nhưng câu lạc bộ sách của bà ấy cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích.

Bà Madigan chia sẻ với ABC News: “Bà ấy từng bị chế nhạo vì không có nền tảng văn chương. Cũng có một số tác giả không muốn tác phẩm của họ được Oprah chọn vì nó sẽ bị gắn mác phổ thông với độc giả thay vì được giới phê bình đánh giá cao".

Tuy các tác giả có thể không quá vui nhưng các nhà xuất bản của họ hoàn toàn hoan nghênh và vui mừng khi lọt vào tầm ngắm của nữ hoàng truyền hình Mỹ.

Và trong nhiều thập kỷ kể từ khi Oprah thành lập câu lạc bộ sách của mình, rất nhiều người nổi tiếng khác đã tiếp bước bà, dù mức độ thành công có thể khác nhau.

Kim Kardashian từng thừa nhận về sự tồn tại ngắn ngủi của một câu lạc bộ sách do cô và Chrissy Teigen cùng chủ trì. Tuy nhiên, "nó không bao giờ thành công vì chúng tôi lười biếng", Kim chia sẻ.

Câu lạc bộ Between Two Books của Florence Welch cũng đã phát triển mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ kể từ khi "một thiếu niên người Ireland đã gợi cho Florence ý tưởng rằng cô nên có câu lạc bộ sách của riêng mình".

Ngôi sao Harry Potter và Đại sứ thiện chí của Phụ nữ Liên hợp quốc Emma Watson cũng đã thành lập câu lạc bộ sách nữ quyền Our Shared Shelf vào năm 2017, trước khi ngừng hoạt động vào năm 2020.

Cùng lúc đó, diễn viên phim American Horror Story Emma Roberts đã ra mắt câu lạc bộ sách Belletrist cùng người bạn Karah Preiss.

Vào năm 2021, Nữ hoàng Camilla bắt đầu Reading Room của riêng mình hay người mẫu Kaia Gerber cũng đã thành lập một câu lạc bộ sách trong thời kỳ đại dịch và thường xuyên phỏng vấn các tác giả trên Instagram.

Cựu ngôi sao nhí Jennette McCurdy, người có cuốn hồi ký năm 2022 I'm Glad My Mum Died đã có 43 tuần nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times, cũng đã thành lập câu lạc bộ sách của riêng mình vào tháng năm.

Gia tăng về số lượng nhưng kém hiệu quả về chất lượng

Vậy điều gì nằm phía sau sự gia tăng liên tục các câu lạc bộ sách của người nổi tiếng?

Bà Madigan đánh giá: “Họ đều là những người thích sách. Tuy nhiên, đây cũng là 1 cách để họ cho công chúng thấy rằng họ không phải là người có đầu óc đơn giản. Đối với những người nổi tiếng, tôi nghĩ đọc sách là một cách khiến họ có vẻ thông minh hơn.

Một lý do nữa bà Madigan đưa ra là các câu lạc bộ sách cũng là một con đường để kết nối với người hâm mộ và duy trì “sức nóng” khi họ không có tác phẩm hay hoạt động nào mới. Đồng thời, việc thêm các câu lạc bộ sách vào danh mục hoạt động cũng mang lại cho những người nổi tiếng "một chút trang trọng".

Dù lý do là gì thì bà Madigan cũng cho rằng các câu lạc bộ sách vẫn đóng góp được một chút gì đó cho ngành xuất bản: “Các tác giả có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi sách có họ có nhiều người đọc hơn”.

Mandy Myles, người điều hành cửa hàng sách độc lập trực tuyến Bookety Book Books, cho biết những lựa chọn của các câu lạc bộ sách hàng đầu như Oprah hay Reese Witherspoon "luôn tạo ra một chút tiếng vang và điều này thật tuyệt vời đối với tác giả được chọn".

 Bookstagrammer Pauline Kimberley có ảnh hưởng lớn tới gu đọc sách của độc giả. Ảnh: ABC.

Bookstagrammer Pauline Kimberley có ảnh hưởng lớn tới gu đọc sách của độc giả. Ảnh: ABC.

Bà Mandy chia sẻ với ABC News: “Thật tuyệt vời khi họ chọn đa dạng tác phẩm và giới thiệu nhiều đầu sách có thể đã bị bỏ qua giữa sự bão hòa quá mức của ngành xuất bản”.

Dù vậy, bà Mandy cũng cho rằng hiệu quả từ sự giới thiệu của các câu lạc bộ sách truyền thống đang giảm xuống khi so với một số kênh truyền thông khác. "Cá nhân tôi thấy các câu lạc bộ sách trên hệ thống podcast như Shameless Book Club có nhiều tác động đến doanh số bán hàng hơn những câu lạc bộ sách của người nổi tiếng”, bà Mandy nói.

Joe Rubbo, CEO của chuỗi hiệu sách Readings ở Australia cũng đồng tình với ý kiến này. Ông nói với ABC News: “Vào những năm 2000, câu lạc bộ sách của Oprah từng mang lại rất nhiều lợi nhuận cho các cửa hàng sách và thực sự thúc đẩy được doanh số bán các đầu sách cụ thể. Tuy nhiên, nó hiện không còn giữ được ảnh hưởng như trước đây ở Australia”.

"Tôi có thể nói rằng những người có ảnh hưởng giờ đây đã đa dạng hơn nhiều. Bạn có thể thấy những người có ảnh hưởng trên Instagram, BookTok và podcast, tất cả đều giúp có tác động đến doanh số bán sách. Ví dụ, chương trình Podcast Chat 10 Look 3 của Leigh Sales và Annabel Crabb có ảnh hưởng lớn hơn nhiều về mặt doanh thu so với các câu lạc bộ sách của Oprah hoặc Reese".

Thế hệ trẻ ngày nay có thể ưa thích những người như bookstagrammer Pauline Kimberley hơn. Cô gái 28 tuổi này đang làm chủ một tài khoản giới thiệu về sách trên Instagram với gần 10.000 người theo dõi. Pauline đọc hơn 100 cuốn sách mỗi năm và đánh giá chúng trên tài khoản Instagram của mình. Pauline cho rằng sự gia tăng các câu lạc bộ sách của người nổi tiếng không ảnh hưởng nhiều đến thói quen đọc sách của cô do họ thiếu sự tương tác.

“Các bookstagrammer thường nhận được các bản sách mới trước khi phát hành nên họ có thể trở thành người dẫn đầu xu hướng về sách. Tôi cũng thấy các cuộc thảo luận trong các câu lạc bộ sách là không cần thiết. Đối với tôi, cộng đồng bookstagram và các cuộc phỏng vấn trên podcast sẽ có lợi hơn cho những người muốn tìm hiểu sâu hơn về nội dung cuốn sách", Pauline chia sẻ với ABC News.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-cau-lac-bo-sach-cua-sao-khong-con-noi-tieng-post1441703.html