Cả nước đã dành được 680 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương

Tính đến hết năm 2023, cả nước đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Con số này cao hơn 120 nghìn tỷ so với 560 nghìn tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023.

XEM VIDEO:

Sáng 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2024.

Kinh tế xã hội những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực

Đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, Phó Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế xã hội (KTXH) những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trong đó phải kể đến tốc độ tăng GDP đạt 5,05%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.

Đáng chú ý là tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Con số này cao hơn con số 560 nghìn tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Quốc hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Quốc hội

Trong nửa năm qua, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động KTXH diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.

“Nhìn chung, tình hình KTXH những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực”, Phó Thủ tướng nhận định.

Nhờ đó, kết quả kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý 1 năm 2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%...

Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Bên cạnh đó, tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là Chính phủ tập trung triển khai các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực. Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số được tăng cường.

Cùng với đó là việc tổ chức triển khai Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ và đạt nhiều kết quả quan trọng; nhất là công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng thông tin một số tồn tại, hạn chế, khó khăn; trong đó có tình trạng giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh hàng loạt quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra.

Đồng thời tranh thủ tối đa thuận lợi, thời cơ cho phát triển. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá…

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm

Trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng nêu quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; chú trọng thanh tra, kiểm tra; áp dụng hóa đơn điện tử và tăng cường thông tin, truyền thông.

Cùng với đó là phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1 - 2%; đẩy mạnh giải ngân Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chấn chỉnh và hướng tới chấm dứt tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Chính phủ cam kết sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện; bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng xăng dầu, không để thiếu điện trong mọi tình huống.

Ngoài ra, Chính phủ cũng hứa đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics.

Đồng thời, đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Phó Thủ tướng cũng nêu quyết tâm tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân.

Đồng thời triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong tháng 9/2024.

Cùng với đó là hoàn thiện các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Tiếp tục phòng, chống tham nhũng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Cho rằng nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH trong thời gian còn lại của năm 2024 là rất nặng nề, Phó Thủ tướng tin tưởng với tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, “nhất định chúng ta sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội, phát triển KTXH nhanh, bền vững".

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ca-nuoc-da-danh-duoc-680-nghin-ty-dong-de-cai-cach-tien-luong-2282466.html