Ca nhiễm mới ở Úc tăng, New Zealand nới lỏng biện pháp hạn chế

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Úc. Ảnh: THX/TTXVN

Bang Victoria của Úc đã ghi nhận sự tăng vọt số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng trong bối cảnh chính phủ nước này chuẩn bị gia hạn lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Ngày 1/9, bang này ghi nhận thêm 120 ca nhiễm mới, tăng mạnh từ mức 76 ca của một ngày trước đó. Bang Victoria đã áp đặt lệnh phong tỏa từ đầu tháng 8 vừa qua ngay sau khi có ca mắc COVID-19, nhưng số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng lên trong 4 tuần qua.

Thủ hiến bang Daniel Andrews tuyên bố lệnh phong tỏa sẽ vẫn được duy trì tại Victoria, nhưng cam kết sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế nếu số ca nhiễm mới duy trì ở mức thấp và tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tăng.

Trong khi đó, ở bang láng giềng New South Wales (NSW) đã phát hiện thêm 1.116 ca nhiễm mới, giảm so với 1.164 ca thông báo một ngày trước đó. Bang này cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi trong đợt bùng phát dịch này lên 100 người.

Thủ hiến bang Gladys Berejiklian cho biết bang này có thể đạt tỉ lệ 70% dân số tiêm chủng đầy đủ vắc xin vào giữa tháng 10 tới thay vì mục tiêu ban đầu là cuối tháng, sau khi các đợt bùng phát dịch bệnh tại đây đã thúc đẩy người dân đi tiêm chủng. Đến nay, 37% dân số trên 16 tuổi ở bang NSW đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19.

Úc đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 3 vốn đã khiến hơn 50% trong tổng số 25 triệu dân của nước này bị phong tỏa. Các thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne, thủ đô Canberra đã phải áp đặt quy định ở nhà nghiêm ngặt kéo dài nhiều tuần. Hiện Úc ghi nhận tổng cộng khoảng 55.000 ca nhiễm, trong đó 1.012 ca tử vong.

Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng New Zealand, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã được nới lỏng ở hầu hết các khu vực trên cả nước, người dân ngày 1/9 đã đổ ra các bãi biển và xếp hàng mua đồ ăn mang về.

Hiện ngoài khoảng 1,7 triệu người tại thành phố lớn nhất Auckland vẫn đang trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt cấp độ 4 thêm 2 tuần nữa, những khu vực khác của đất nước đã được nới lỏng. Người dân đã được đến các bãi biển và các hoạt động giải trí ngoài trời được nối lại.

Các cửa hàng cũng được mở cửa trở lại sau 2 tuần đóng cửa, trong khi hoạt động xây dựng được tiếp tục. Tuy nhiên, các trường học và văn phòng vẫn đóng cửa trên toàn quốc, doanh nghiệp chỉ có thể cung cấp dịch vụ không tiếp xúc.

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 17/8 vừa qua sau khi làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta bùng phát trở lại ở nước này. Ngày 1/9, New Zealand ghi nhận 75 ca nhiễm mới (trong đó 74 ca ở Auckland), tăng từ mức 49 ca trong ngày trước đó. Tổng số ca bệnh trong đợt bùng phát dịch lần này đã tăng lên 687 ca, trong đó hầu hết là ở Auckland.

Trong khi đó, Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên công bố các yêu cầu khắt khe hơn để phòng dịch COVID-19 đối với du khách Mỹ vào nước này, sau khi Liên minh châu Âu (EU) loại Mỹ khỏi danh sách du lịch an toàn trong bối cảnh gia tăng các ca mắc mới COVID-19 trên khắp nước này.

Trong thông báo ngày 31/8, Bộ Y tế Ý cho biết mọi du khách đã đến Mỹ trong hai tuần trước đó phải xuất trình xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính được thực hiện trong vòng ba ngày trước khi họ đến Ý, cho dù họ đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Các du khách chưa được tiêm phòng phải cách ly trong năm ngày sau khi họ đến Ý và sau đó phải xét nghiệm lại COVID-19, ngay cả khi xét nghiệm ban đầu của họ cho kết quả âm tính. Các du khách vẫn được yêu cầu hoàn thành mẫu khai y tế trước khi vào Ý, cho phép thiết bị theo dõi tiếp xúc xác định các cụm lây nhiễm trong trường hợp bùng phát dịch.

Chính phủ Ý cho biết các yêu cầu trên sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 25/10. Các hạn chế mới cũng được áp dụng đối với những du khách đến từ Nhật Bản, Canada và Israel, những quốc gia cũng đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

26 quốc gia EU khác chưa thông báo bất kỳ hạn chế bổ sung nào đối với du khách Mỹ kể từ khi Mỹ bị loại khỏi danh sách du lịch an toàn ngày 30/8, mặc dù các quốc gia như Bỉ và Đức đã có những quy định nghiêm ngặt hơn với du khách Mỹ.

Theo số liệu của Chính phủ Ý, trong năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có 5,6 triệu du khách Mỹ đến nước này - nhóm du khách quốc tế lớn thứ hai sau người Đức và đóng góp ước tính 2,8 tỉ USD cho nền kinh tế Ý.

Kể từ ngày 1/9, việc xuất trình Green Pass (thẻ xanh) là quy định bắt buộc với mọi công dân Ý sử dụng các phương tiện công cộng máy bay, tàu cao tốc, phà, xe bus đường dài và mở rộng với các nhân viên, sinh viên đại học.

Theo quy định, mọi công dân phải có "thẻ xanh" mới được tiếp cận dịch vụ vận chuyển hành khách thương mại, máy bay, tàu, phà, xe bus liên vùng, liên thành phố, ngoại trừ xe bus vận chuyển trong thành phố. "thẻ xanh" được miễn trừ với những người dưới 12 tuổi, các trường hợp được miễn tiêm chủng vì lý do sức khỏe được cơ sở y tế chứng nhận.

Quy định mới cũng áp mức phạt 400-1.000 euro với bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào không chấp hành. Để có "thẻ xanh", công dân phải xác nhận tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước đó, hay đã khỏi COVID-19 trong sáu tháng trước đó.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263427/ca-nhiem-moi-o-uc-tang-new-zealand-noi-long-bien-phap-han-che.html