Cá mát sông Giăng

Sâu trong rừng Pù Mát, bên cạnh con sông Giăng vừa thơ mộng vừa kỳ vĩ, nếm hương vị của loài thủy tộc độc đáo mang tên cá mát, lòng tôi thanh thản quá, cảm giác lâng lâng bay bổng, cả những hòn đá dưới thân mình cũng như mềm ra và ấm áp lạ thường.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Cá mát sông Giăng của tác giả Đặng Thiên Phong.

Một ngày cuối tháng Mười, tôi có dịp đến Khu du lịch sinh thái Phà Lài - Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Theo tiếng dân tộc Thái, “phà lài” có nghĩa là rèn hoa hay người miền xuôi hiểu là hoa của trời. Ngay tại cổng ra vào chính là đập Phà Lài - công trình thủy lợi lớn nhất của huyện Con Cuông, nước trong vắt, chảy dài xuống hạ lưu biến thành con sông, trải dài hàng cây số, như một dải lụa trắng ngà mềm mại vắt qua những thôn làng trù phú.

Xứ này nổi tiếng bởi con sông Giăng, bắt nguồn từ khe Khặng, huyện Con Cuông, được nuôi dưỡng bởi rừng Quốc gia Pù Mát, chảy qua các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và hòa vào sông Lam tại xã Thanh Tiên. Sông Giăng là một con sông đẹp quanh năm xanh trong chứa nhiều trầm tích và một “tài nguyên” đặc trưng độc đáo là loài cá mát, chỉ có thể tìm thấy tại sông này.

Tôi cùng mấy anh em trong đoàn nối đuôi nhau đi thuyền ngược dòng sông Giăng đến với bản làng ẩn trên thượng nguồn dòng sông.

Ngồi thuyền trên sông Giăng. Ảnh: Bá Hậu/ Báo điện tử Đại Biểu Nhân dân

Sông Giăng thơ mộng, kỳ vĩ

Anh La Văn Chài, người dân tộc Thái cũng là nhân viên tại nơi đây, cầm lái chở chúng tôi băng qua dòng nước mát lạnh. Ban đầu thuyền đi chầm chậm sau đó tăng tốc, nước bắn qua hai mạn thuyền tung tóe. Càng về sau càng có nhiều ghềnh và khúc cua nhưng do quen đường nên các anh bẻ lái thật ngoạn mục, tôi mặc áo phao, ngồi im, bám chặt hai tay vào thành thuyền như sợ một cú rẽ bất thình lình sẽ đánh văng mình xuống dòng sông này. Cảm giác tim đập thình thịch, vừa hồi hộp, vừa háo hức, vừa sờ sợ gai gai đầy phấn khích, thích thú. Sông vừa thơ mộng bởi hai bên bờ là bạt ngàn rừng cây chen nhau mọc kín tít tắp, vừa kỳ vĩ bí ẩn bởi những ghềnh đá xếp ngay ngắn, phía trên là mớ rễ cây cổ thụ bám chặt. Anh Chài giải thích, do những hòn đá xếp chồng lên nhau lộ những hoa văn giống như những cánh hoa xếp lên nhau, như hoa của Trời, nên người dân ở đầy đặt tên Phà Lài.

Theo anh Chài kể, sông Giăng ngày xưa hung dữ lắm, nay có đập Phà Lài thuần dưỡng lại mà hiền hòa hơn nhiều. Đây cũng là con sông đặc biệt không có trên bản đồ, nó bắt nguồn từ đâu đó sâu lắm trong rừng Pù Mát, gần biên giới Việt - Lào, chảy ngoằn ngoèo hàng trăm cây số rồi mới đổ ra sông Lam tại huyện Thanh Chương.

Chúng tôi dừng lại bên bờ sông lớn mượt xanh cỏ, có bầy bò đang nhởn nhơ gặm thong dong, bỗng thấy chúng tôi, cả bầy tản ra bỏ chạy, nhưng hình như có chút tò mò nên nấp sau những bụi cây nhỏ mọc rợp bờ sông. Anh Chài nói đi sâu hơn nữa sẽ vào đến bản Cò Phạt, nơi người Đan Lai sinh sống. Nhưng hôm nay, có một thứ chúng tôi quan tâm - cá mát, một trong ba món ngon nhất miền Tây xứ Nghệ.

“Tiếng đồn cá mát sông Giăng

Dẻo cơm Mường Quạ, ngon măng chợ Cồn.”

Cá mát sông Giăng

Anh Chài đưa cho tôi cái chài để quăng lưới bắt đám cá mát đang nhảy múa dưới dòng sông nước xiết. Anh kể thời cha ông của anh ngày xưa cho biết khúc sông này nhiều cá lắm, đến nỗi khi lội xuống phải lùa cá qua một bên mà đi. Sau này vì đánh bắt nhiều nên số lượng cá giảm đi đến mức gần như cạn kiệt. Nói rồi anh hướng dẫn tôi một tay cầm lưới, tay còn lại cột sợi dây ở cổ tay, treo đáy lưới lên vai tạo thành thế tung tròn ra khi quăng. Khác với trí tưởng tượng, cú ném chài của tôi tệ tới nỗi anh bạn đi cùng lắc đầu bảo “làm lại đi em ơi, quay clip đăng lên mạng, người ta cười vào mặt”. Tôi mắc cỡ đỏ chín mặt, nhưng biết làm sao, tôi dân phố thị, sao mà biết quăng chài “ra răng”?

Lần thứ hai, anh Chài làm mẫu cho tôi, mớ lưới tung tròn xòe đều như một bàn tay mở rộng rồi nhanh chóng chìm xuống bởi dọc bao quanh được luồn kim loại, gom lấy mớ cá tôm nằm bên trong. Sau cú thảy vừa rồi tôi thu hoạch được một em cá mát nhỏ bằng ngón tay cái. Tôi hí hửng đem thành quả đi khoe nhưng rồi thấy em cá bé nhỏ tội nghiệp cứ quẫy búng trên tay nên thương quá thả luôn.

Tôi vẫn tin vào tài sát cá của mình nên thử ném chài thêm vài lần nữa với mong muốn kéo được mẻ lớn hơn. Cuối cùng thành phẩm của chúng tôi thu được là 7 chú cá mát to bằng 3 ngón tay, nhưng là do Sơn, cậu em người Đan Lai bắt được, còn tôi thì chẳng dám khoe tài sát cá với ai nữa.

“Em đến để thay ca cho anh Chài về ăn cơm với vợ”, Sơn mỉm cười giới thiệu rồi kể “cả mấy đời nhà em sống gắn bó với con sông Giăng, con sông nhìn hiền hòa vậy chứ thác ghềnh ghê lắm. Có đợt phóng viên vào tác nghiệp, không may mà lật thuyền dẫn đến thiệt mạng. Ấy vậy mà người Đan Lai vẫn bám sông như con theo mẹ từ đời này đến đời khác. Dù sau này nhờ sự tuyên truyền mà nhiều người tìm đường xuống hạ lưu làm việc nhưng cuối ngày vẫn về với bản với mái nhà xưa.”

Bản của Sơn nằm sâu trong rừng quốc gia, có mấy chục hộ nương nhau mà sống, chủ yếu săn bắt hái lượm và đánh cá sông Giăng là chính. Sau này nhờ chính quyền hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm và thuốc men cũng như cho đất, khuyến nông nên đời sống cũng đỡ hơn. Người dân cũng tuân thủ quy định về thời điểm nào được phép đánh bắt, thời điểm nào cần phải ngưng để đàn cá mát có thời gian sinh trưởng, phát triển.

Nhìn Sơn nhỏ nhắn vậy chứ em đã có gia đình vì người Đan Lai vẫn còn tục lập gia đình sớm. Em nhanh chân cầm con dao chạy tuốt vào bãi bò có bụi tre già cao ngút ngàn chặt vài nhánh tre, chẻ ra thành từng que nhỏ dài tầm 10cm, rồi xiên dọc theo xương sống con cá. Sơn nói, không cần đánh vảy bỏ ruột, con cá mát ngon nhất là bộ ruột, rồi nhanh tay lấy thanh tre dài cặp vuông góc bảy con cá lại, kiếm hai nhánh cây có ba chạc, đóng xuống đất thành cái bếp nướng lộ thiên.

Tôi với Sơn đi gom cành khô và hái mớ rau non ăn kèm. Đầu tiên là những đọt lá giòn xanh nhạt, mơn mởn mọc thành cụm nhỏ tới thắt lưng, lá có vị chan chát. Xong Sơn đưa tôi ra bờ sông nơi có nhiều cây có cành mảnh mọc từ một thân chia nhánh ra vươn lên những chiếc lá có màu hơi nâu ở một mặt và xanh trắng đục phía ngược lại, thon dài như những ngón tay. Sơn cho biết là cây rì rì, do nó mọc nhiều nơi các khe đá dọc bờ sông, suối, khi nước chảy xiết qua các mỏm đá tạo nên âm thanh rì rì, từ đó có cái tên đặc biệt như vậy. Lá rì rì cũng chan chát và đăng đắng nhưng khác hẳn vị với đọt lá giòn.

Cá mát ngon nhất khi làm gỏi hay nấu trôi. Nhưng nướng lụi nguyên con thì cũng hấp dẫn không kém. Lúc này anh Chài quay trở lại, trên tay là chai nước suối có màu đùng đục đầy khả nghi, anh còn lấy ra hũ đồ chấm cho món cá Mát nướng gồm muối trắng, ớt mọi, hạt mắc khén giã chung lại với nhau - món chẩm chéo của người Thái. Sơn cũng lấy ra hai đoạn tre ở khúc đầu, mà khi này tôi mới biết là dùng để làm ly uống.

Kết thúc một ngày của chúng tôi là tiệc cá mát nướng nóng hổi vừa chín tới, được để trên cái lá bạc hà to như cái dĩa, rồi bộ ruột cá được “ưu tiên”, tới thịt cá được cuốn bằng lá giòn và lá rì rì, chấm chẩm chéo… Ăn uống no nê, tôi cứ thế nằm ngả lưng ra đất mà ngắm bầu trời đang ngả dần về đêm với lấp lánh sao, hiu hiu gió rừng gió sông…

Đời sông cũng như đời người

Sông Giăng. Ảnh: Quốc Đàn/ Báo Nghệ An

Có khoảnh khắc lắng lại. Vậy là tôi đang ở sâu trong rừng Pù Mát, không có lấy một sợi dây điện, một mảng gạch vôi hay bê tông nào chìa ra, điện thoại cũng “ngoài vùng phủ sóng”, bên cạnh con sông Giăng vừa thơ mộng vừa kỳ vĩ của xứ Nghệ, nếm hương vị của loài thủy tộc độc đáo của sông mang tên cá mát. Lòng tôi tự nhiên thanh thản quá, cảm giác lâng lâng bay bổng, cả những hòn đá dưới thân mình cũng như mềm ra và ấm áp lạ thường. Xa khỏi nơi nhiều khói bụi và những lo toan của cuộc sống, chìm đắm hết mình trong một không gian chỉ có cây cối và tiếng sông reo, tôi chẳng còn bị những xôn xao, xô bồ của mớ suy nghĩ thường trực xâm lấn mà thấy bình yên khó tả. Có lẽ đây là lý do nhiều người Đan Lai vẫn chưa chịu buông nếp bản, mái làng. Vậy cũng tốt, ít nhiều cuộc đời kém hiện đại đó sẽ chẳng “hại điện” gì đến ai mà vẫn sẽ chất phác trôi qua bình an và êm ả. Cuộc đời sao cũng đẹp mà, có phải không?

Xuôi dòng về lại Khu du lịch Pù Mát, với hoa tiêu là ánh đèn trên trán lập lòe. Đêm phủ lên sông Giăng chiếc mền nhung êm ả, những rèn hoa - phà lài ủ mình sau bức màn tối chờ bình minh.

Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi đôi chân thiên di chịu khó, để được ngắm, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm và được cảm nhận thật rõ ràng mùi vị của nước sông Giăng, để một lần đi, một lần nhớ, để hẹn một ngày quay lại, chạm vào sông sâu hơn, nếm vị sông đậm đà hơn và thưởng thức sông đậm tình hơn.

Đặng Thiên Phong

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ca-mat-song-giang-2267926.html