'Cá mập' Pyn Elite Fund gom mạnh cổ phiếu STB, trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng Sacombank

Khoản đầu tư vào cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của quỹ Pyn Elite Fund (Phần Lan).

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng Sacombank được kỳ vọng sẽ "bùng nổ" trong năm nay khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu kéo dài nhiều năm qua.

Quỹ đầu tư nước ngoài Pyn Elite Fund (Phần Lan) vừa công bố thông tin trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE).

Cụ thể, quỹ ngoại này đã mua vào 4 triệu cổ phiếu STB trong phiên giao dịch ngày 28/3. Qua đó, Pyn Elite Fund nâng lượng cổ phiếu STB đang sở hữu từ 94,15 triệu đơn vị lên 98,15 triệu đơn vị, tương đương 5,21% vốn điều lệ của Ngân hàng Sacombank.

Trong một diễn biến có liên quan, Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 3/2024 với hiệu suất đầu tư đạt 2,57%, cao hơn mức tăng 2,5% của chỉ số VN-Index. Pyn Elite Fund cho biết hiệu suất trên chủ yếu nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tính đến cuối tháng 3, quy mô tài sản quản lý của Pyn Elite Fund lên đến khoảng 21.800 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này, chiếm đến 14,6% tổng giá trị danh mục đầu tư (khoảng 3.200 tỷ đồng).

Chia sẻ về quyết định đầu tư vào cổ phiếu STB, đại diện Pyn Elite Fund từng cho biết, trường hợp Ngân hàng Sacombank là khoản đầu tư có tiềm năng cao khi ngân hàng này lần đầu tiên có thể đạt được lợi nhuận trở lại bình thường kể từ năm nay sau khi quá trình tái cơ cấu tài sản kéo dài nhiều năm đã kết thúc.

Vào đầu tháng 2/2024, đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngay trong nửa đầu năm 2024, trước thời hạn đề ra là năm 2025

Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, ngân hàng này đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống chỉ còn 3,5%.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đồng thời, Ngân hàng Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu.

Ngân hàng này cũng dự kiến bán đấu giá 32,3% cổ phiếu STB hiện đang được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ tại VAMC và có thể đem lại lợi nhuận đáng kể cho Ngân hàng Sacombank. Ngân hàng Sacombank đã trình lên Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng mua lại và bán đấu giá, phấn đấu trong quý 4/2024 sẽ đấu giá thành công.

Theo đánh giá mới đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, biên lãi ròng (NIM) của Ngân hàng Sacombank trong năm nay sẽ tiếp tục được mở rộng. Trong năm ngoái, Ngân hàng Sacombank là một trong số ít các ngân hàng niêm yết ghi nhận sự cải thiện về NIM.

Trong năm nay, Ngân hàng Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với mức thực hiện của năm 2023. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng thêm 10%, đạt 724.100 tỷ đồng; tổng huy động tăng 10%, đạt 636.600 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng tăng 11%, đạt 535.800 tỷ đồng; và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/ca-map-pyn-elite-fund-gom-manh-co-phieu-stb-tro-thanh-co-dong-lon-cua-ngan-hang-sacombank-119340.htm