ByteDance thà đóng cửa TikTok chứ không bán cho Mỹ?

ByteDance muốn đóng cửa TikTok tại Mỹ hơn là bán ứng dụng nếu không còn lựa chọn nào khác trước lệnh cấm của Mỹ, theo bốn nguồn tin cho biết.

Các thuật toán mà TikTok vận hành được coi là cốt lõi đối với các hoạt động tổng thể của ByteDance. Do đó, việc ByteDance bán TikTok bằng thuật toán rất khó xảy ra, theo bốn nguồn tin thân cận với ByteDance cho biết.

Các nguồn tin nói rằng TikTok ở Mỹ chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng doanh thu và số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance, vì vậy công ty mẹ thà đóng cửa ứng dụng này ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn là bán nó cho một chủ sở hữu mới ở Mỹ.

Theo nguồn tin, việc ngừng hoạt động TikTok ở Mỹ chỉ có tác động hạn chế đến hoạt động kinh doanh của ByteDance trong khi công ty sẽ không phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình.

TikTok có kế hoạch chống lại lệnh cấm ứng dụng này ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Cuối ngày 25/4, để đáp lại một bài báo của The Information nói rằng ByteDance đang khám phá các lựa chọn bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ, ByteDance đã tuyên bố trên nền tảng truyền thông Toutiao rằng không có kế hoạch bán TikTok.

CEO Shou Zi Chew của TikTok cho biết hôm 24/4 rằng công ty truyền thông xã hội này hy vọng sẽ vượt qua thách thức pháp lý để ngăn chặn đạo luật được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật trong đó sẽ cấm ứng dụng. Hiện TikTok có 170 triệu người dùng Mỹ.

ByteDance không tiết lộ công khai chi tiết tài chính của bất kỳ đơn vị nào của mình. Các nguồn tin riêng biệt cho biết doanh thu của ByteDance phần lớn đến từ thị trường Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác như Douyin, phiên bản TikTok Trung Quốc.

Trong khi đó một nguồn tin riêng biệt cho biết 25% trong số tổng doanh thu của TikTok đến từ thị trường Mỹ.

Hai trong bốn nguồn tin cho biết doanh thu năm 2023 của ByteDance tăng lên gần 120 tỷ USD từ mức 80 tỷ USD năm 2022. Một trong những nguồn tin cho biết, số người dùng hoạt động hàng ngày của TikTok ở Mỹ cũng chỉ bằng khoảng 5% số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance trên toàn thế giới.

Nguồn tin cho biết, TikTok sẽ không thể loại bỏ các thuật toán vì giấy phép sở hữu trí tuệ được đăng ký theo ByteDance ở Trung Quốc, và do đó khó tách khỏi công ty mẹ. ByteDance cũng sẽ không đồng ý bán thuật toán TikTok - một trong những tài sản có giá trị nhất của mình.

Hai nguồn tin cho biết, ngoài các thuật toán quan trọng, tài sản chính của TikTok bao gồm dữ liệu người dùng cũng như hoạt động và quản lý sản phẩm.

Năm 2020, Mỹ đã tìm cách cấm TikTok và WeChat - các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu - nhưng bị tòa án ngăn chặn. Ứng dụng video dạng ngắn kể từ đó phải đối mặt với các lệnh cấm một phần ở Mỹ và các quốc gia khác.

Tháng 3/2023, Trung Quốc từng tuyên bố kiên quyết phản đối việc ép bán TikTok. "Việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua các thủ tục cấp phép hành chính theo quy định của pháp luật Trung Quốc", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào thời điểm đó.

Hoài Phương (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bytedance-tha-dong-cua-tiktok-chu-khong-ban-cho-my-post293329.html