Bứt phá trong thu hút đầu tư

Không chỉ được biết đến với tên gọi 'Quê hương năm tấn', một vài năm trở lại đây Thái Bình đã có tên trên 'bản đồ' thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy, Thái Bình) đã thu hút được 16 dự án với tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy, Thái Bình) đã thu hút được 16 dự án với tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người đang được tỉnh Thái Bình thực hiện để đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, Thái Bình trở thành địa phương phát triển khá; đến năm 2030, vươn lên xếp thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đến năm 2050, là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Không chỉ được biết đến với tên gọi “Quê hương năm tấn”, một vài năm trở lại đây Thái Bình đã có tên trên “bản đồ” thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2023, với việc thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, Thái Bình đã lập nên kỳ tích khi lần đầu tiên đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đây là tiền đề quan trọng, tạo đà để Thái Bình bứt phá vươn lên.

Với vị trí 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, trước đây đời sống kinh tế - xã hội tỉnh gặp nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp là chính, Thái Bình được ví như “ốc đảo” khi giao thông giữa tỉnh với các địa phương lân cận chưa được thuận lợi. Cuối năm 2002, tỉnh Thái Bình mới hình thành khu công nghiệp đầu tiên là Khu công nghiệp Phúc Khánh với quy mô 120 ha tại Thành phố Thái Bình, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau đó năm 2003 tỉnh thành lập Khu công nghiệp thứ hai là Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh.

Thời điểm đó, do không có nhà đầu tư hạ tầng nên tỉnh đã đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đối với Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và một phần Khu công nghiệp Phúc Khánh. Đến năm 2009, 2010, 2013, 2017, 2019, tỉnh lần lượt thành lập thêm các Khu công nghiệp khác như Khu công nghiệp Sông Trà, Gia Lễ, Cầu Nghìn, Tiền Hải…

Vượt qua những khó khăn ban đầu, tỉnh Thái Bình đã từng bước vươn lên, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh chỉ có 26 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (trong số đó, có 1 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 483,5 tỷ đồng, đến nay trên địa bàn đã có 10 Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.560 ha; thu hút 333 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 187.600 tỷ đồng; trong đó có 83 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 4,3 tỷ USD.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH công nghiệp Tactician (Khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH công nghiệp Tactician (Khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Đặc biệt, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu Kinh tế Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha bao gồm 30 xã, 1 thị trấn và phần tiếp giáp ven biển. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo động lực cho tỉnh Thái Bình phát triển hướng biển.

Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, việc thành lập Khu Kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Thái Bình nhằm tận dụng lợi thế vị trí địa lý của địa phương.

Đến nay, Khu Kinh tế Thái Bình đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau thời gian chuẩn bị về xây dựng quy hoạch, cơ chế chính sách... từ năm 2021, khi Khu Kinh tế Thái Bình bắt đầu triển khai trên thực địa, thu hút đầu tư đã đạt được kết quả bước đầu tích cực. Từ khi thành lập, Khu Kinh tế đã thu hút được 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp, bao gồm: Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hải Long; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Thái Bình.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, tổng vốn đầu tư thu hút vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn từ năm 2021 đến nay đạt 107.151 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư FDI đạt 3,87 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước; góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022.Riêng năm 2023 tỉnh Thái Bình đã thu hút được 38 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, lần đầu tiên nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố thu hút FDI lớn nhất cả nước.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH công nghiệp Tactician (Khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH công nghiệp Tactician (Khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Quý I/2024 tỉnh đã đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 30 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 4.503 tỷ đồng (gấp 3,3 lần so với cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 15.032 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn đang tạo việc làm cho trên 76.600 lao động, chuyển dịch cơ cấu việc làm từ nông nghiệp sang công nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Việc thu hút đầu tư mạnh mẽ là bước đột phá chưa từng có trong phát triển kinh tế địa phương, từng bước khẳng định Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.Là tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và ở trung tâm tam giác phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ là Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng. Đây là lợi thế lớn để tỉnh thu hút đầu tư, vươn lên phát triển.Ông Phan Đình Dực thông tin, Thái Bình xác định mục tiêu xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại địa phương.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình Phạm Đức Thành cho biết, để việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, tỉnh Thái Bình đã và đang thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh tập trung cải cách hành chính, rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính (trên 30% so với quy định của Trung ương).

Cùng đó, duy trì tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ" tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả. Đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có 10 Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.560ha. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có 10 Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.560ha. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Đặc biệt, Khu Kinh tế Thái Bình được xác định là khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và là địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư. Vì vậy, các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Thái Bình sẽ được hưởng mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Nhà nước và những cơ chế riêng của địa phương.

Theo ông Phan Đình Dực, Thái Bình luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu khảo sát đầu tư, thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án lớn, tỉnh thành lập tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án tại Thái Bình.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green IP - 1) là khu công nghiệp đầu tiên được thành lập trong Khu kinh tế Thái Bình. Trong 2 lần về thăm và làm việc tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn tỉnh Thái Bình cùng Nhà đầu tư hạ tầng sớm xây dựng Liên Hà Thái trở thành Khu công nghiệp tiên phong, kiểu mẫu, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, với sứ mệnh tiên phong cùng khát vọng phát triển, Khu công nghiệp Liên Hà Thái dần khẳng định vị thế đầu tàu trong thu hút FDI vào tỉnh Thái Bình, trở thành hình mẫu về một khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, thân thiện với môi trường.

Các nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Các nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Khu công nghiệp Liên Hà Thái được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 180/QĐ-TTg ngày 08/02/2021, được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 17/02/2021 của UBND tỉnh Thái Bình. Đây là khu công nghiệp có diện tích gần 590 ha, Nhà đầu tư hạ tầng là Công ty cổ phần Green i-Park.

Ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Thái Bình cùng nhà đầu tư hạ tầng đã khẩn trương triển khai các phần việc. Xác định điểm nghẽn trong thực hiện các dự án là giải phóng mặt bằng, tỉnh Thái Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã có bước phát triển đúng hướng trong thu hút đầu tư khi chỉ mới hơn 2 năm hoạt động, khu công nghiệp này đã thu hút được 16 dự án với tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Trung tâm phòng cháy chữa cháy tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Trung tâm phòng cháy chữa cháy tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, ngay sau khi Khu công nghiệp Liên Hà Thái được phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Thái Bình cùng nhà đầu tư đã tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý, tổ chức giải phóng mặt bằng, khẩn trương xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Chỉ trong thời gian ngắn, Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút được nhiều dự án thứ cấp với quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Green i-Park cho biết, khi thu hút đầu tư, Công ty cổ phần Green i-Park đã chủ trương ưu tiên các dự án thuộc ngành công nghệ cao, công nghiệp lắp ráp điện tử, ứng dụng công nghệ xanh, sạch, không lựa chọn ngành nghề có xu thế không thân thiện với môi trường, khả năng gây ô nhiễm, tiêu hao quá nhiều năng lượng.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Liên Hà Thái được xây dựng với công nghệ hiện đại, tiên tiến, được thiết kế với tổng công suất xử lý 15.000m3/ngày đêm. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Liên Hà Thái được xây dựng với công nghệ hiện đại, tiên tiến, được thiết kế với tổng công suất xử lý 15.000m3/ngày đêm. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Thực hiện việc bảo vệ môi trường, nhà đầu tư hạ tầng đã quy hoạch, xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến, được thiết kế với tổng công suất xử lý 15.000 m3/ngày đêm, chia làm 3 giai đoạn, tùy theo tiến độ thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động.

Đến nay, 16 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp này đều là những dự án sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, linh kiện ô tô, thiết bị làm vườn … có công nghệ tiên tiến, hạn chế phát sinh rác thải, ít tác động đến môi trường./.

Quang Đán – Thế Duyệt – Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/but-pha-trong-thu-hut-dau-tu/333036.html