Bứt phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực

Sáng 8/12, HĐND tỉnh bước vào ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024. Hầu hết các đại biểu cho rằng, năm 2024 là năm bứt phá để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH. Do đó, cần có tư duy bứt phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đà phát triển.

Mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn

HĐND tỉnh đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2024 là năm bứt phá với nhiệm vụ xuyên suốt là tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đà thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công; hỗ trợ triển khai các dự án ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; đôn đốc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng hiệu quả các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển; cơ cấu lại nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên…

Về dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8,5-9,5%; cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 47-49%, công nghiệp và xây dựng chiếm 33-35%, nông nghiệp chiếm 10-11% và thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm 8%; GRDP bình quân đầu người là 3.000 USD; phấn đấu thực hiện thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,76%…

Bứt phá

Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia thảo luận về tình hình phát triển kinh tế năm 2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân đề nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, ngành giáo dục sẽ nỗ lực tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học; duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đồng thời, quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý hơn; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Đại biểu Trần Đức Minh cho biết, hiện cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Do vậy, tỉnh cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về tín dụng, đất đai, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư,... đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng; các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí vốn linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Đề nghị phối hợp cụ thể, nhịp nhàng tham mưu chỉ đạo các nhiệm vụ thu tiền sử dụng đất đạt 3,1 nghìn tỷ trong năm 2024. Ngành Thuế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo nguồn thu, chống thất thu thuế.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui đề nghị quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đại Vui nhấn mạnh, cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao tính sẵn sàng, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư; chú trọng thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn tại các khu công nghiệp, khu đô thị, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức cho rằng, tỉnh đang tiến đến xây dựng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Tuy nhiên sản xuất hiện rất manh mún, nhỏ lẽ. Do vậy cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, toàn diện, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ. Mở rộng, phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội địa phương...

Phát biểu tiếp thu giải trình tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương dự báo, năm 2024 nền kinh tế của tỉnh còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải quyết liệt, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết tâm cao, nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án, quy hoạch quan trọng, đặc biệt là Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phân bổ, bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước…

“Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng kinh tế - xã hội tỉnh nhà sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thái Bình

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/but-pha-trong-huy-dong-phan-bo-va-su-dung-hieu-qua-nguon-luc-135743.html