Bứt phá mạnh mẽ vì người dân, doanh nghiệp (Kỳ cuối)

Ngày 11/2 (tức mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ, với hàng loạt những yêu cầu, nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả trong năm 2024.

Sự quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ ngay từ đầu năm cho thấy một quyết tâm rất lớn, truyền tải thông điệp rõ ràng về nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phải bứt phá mạnh mẽ phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh số hóa, kết nối, lan tỏa và làm giàu dữ liệu

Mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 trong kết luận tại phiên họp triển khai nhiệm vụ tháng 3 của tổ công tác bên cạnh việc biểu dương những kết quả, thành tích của các bộ, ngành, địa phương, cũng đã chỉ ra hàng loạt những nhiệm vụ, công việc còn chậm, muộn, nguy cơ xảy ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các thành viên của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đã nhiều lần khẳng định, đề án chỉ thật sự thành công khi có sự tham gia đông đảo của tất cả người dân, doanh nghiệp, xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh số hóa dữ liệu, tăng cường kiểm tra giám sát, đốc thúc để cải cách thủ tục hành chính, liên thông kết nối phục vụ nhân dân.

Hiện nay, sau 2 năm triển khai, những kết quả ban đầu đạt được đã được dư luận, người dân, doanh nghiệp, xã hội đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, ứng dụng, gây dựng được niềm tin của người dân. Chính vì vậy, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ yêu cầu các thành viên trong tổ công tác ở các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ đã được giao cho đơn vị mình quản lý, theo dõi trên tinh thần rõ việc, rõ thời gian, rõ lộ trình và trách nhiệm.

Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cho biết, tính đến ngày 20/2 mới có 8 bộ, ngành ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024, tuy nhiên chất lượng chưa đạt yêu cầu. Đáng chú ý, dù Thường trực tổ công tác đã nhiều lần nhận diện và chỉ ra những tồn tại, hạn chế có tính xuyên suốt trong triển khai 5 nhóm nhiệm vụ về pháp lý, hạ tầng công nghệ, an ninh an toàn, dữ liệu, nguồn nhân lực nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nhận diện được những tồn tại của đơn vị mình một cách cụ thể, chi tiết để có lộ trình giải quyết từng bước, từng giai đoạn. Điều này cũng dẫn tới nguy cơ không giải quyết được cốt lõi các nhóm nhiệm vụ trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ảnh hưởng đến kết quả chung của triển khai Đề án 06.

Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cũng chỉ rõ, trong năm 2024 sẽ thúc đẩy 5 nhóm vấn đề trong triển khai Đề án 06. Cụ thể, đó là đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công toàn trình, dịch vụ công liên thông; số hóa và tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung; thúc đẩy thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; đẩy mạnh quản lý số nhà, đánh số và gắn biển số nhà; định danh doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, quản lý người lao động và thị trường lao động trên VNeID.

Rõ ràng, trong 5 nhóm vấn đề trên có một điểm chung đó chính là dữ liệu được xem là “trái tim” để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Muốn có dữ liệu thì không gì khác ngoài việc các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh số hóa dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo các yếu tố để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên tinh thần và quan điểm đã đặt ra “đúng, đủ, sạch, sống”. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, thủ tục hành chính liên thông đòi hỏi dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương phải liên thông, kết nối được. Chỉ cần một mắt xích nào bị chậm, muộn, nghẽn, tắc thì sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, gây cản trở đến quá trình phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Rõ việc, rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành

Hiện nay, tính tới ngày 20/2, thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cho thấy, vẫn còn 22 nhiệm vụ chậm tiến độ từ năm 2023 chuyển sang tháng 1/2024. Trong tháng 1 đã hoàn thành 2 nhiệm vụ, còn 20 nhiệm vụ chuyển sang tháng 2/2024. Ví dụ như nhóm pháp lý đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện có 525 thủ tục hành chính chưa được triển khai theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017-2018, thuộc trách nhiệm của 13 bộ, ngành gồm: Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông Vận tải; Ngân hàng Nhà nước; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Y tế; Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư. Các bộ, ngành phải khẩn trương cắt giảm thủ tục hành chính, cũng như thông tin công khai các thủ tục hành chính đã cắt giảm, chưa cắt giảm để nhân dân, doanh nghiệp giám sát, kiểm tra, qua đó mang lại những giá trị thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, xã hội.

Đối với pháp lý miễn giảm phí, lệ phí triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương vẫn còn 8/63 địa phương gồm: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Nông, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh chưa ban hành nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng. Khi người dân không được hưởng miễn giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 8 tỉnh, thành phố trên sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến.

Việc giải quyết, cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều tồn tại, chậm muộn ở các bộ, ngành dẫn tới không đảm bảo tính pháp lý, tính tổng thể và đồng bộ giữa bộ, ngành với địa phương, qua đó không đánh giá được chất lượng dịch vụ công; ảnh hưởng đến việc tái sử dụng dữ liệu phục vụ cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Hay như đối với dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các địa phương khẩn trương làm sạch với cơ sở dữ liệu dân cư, đưa vào sử dụng ngay để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân. Về việc triển khai giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà đề nghị Bộ Xây dựng ban hành tài liệu hướng dẫn các đơn vị địa phương về quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà tích hợp với dữ liệu đất đai và dữ liệu dân cư, trong đó thống nhất các chỉ tiêu thông tin cần thu thập với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, hoàn thành trong tháng 2/2024.

Để xây dựng địa chỉ số quốc gia, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia; phối hợp nghiên cứu, đề xuất tổ chức triển khai giải pháp xây dựng dữ liệu địa chỉ quốc gia trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng VNeID.

Với nhiệm vụ tích hợp các giấy tờ trên VNeID, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đảm bảo ổn định, không giới hạn các dịch vụ tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế, lịch sử khám chữa bệnh, quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông suốt đường truyền, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống định danh, xác thực điện tử với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, đơn vị khác. VNeID của Bộ Công an chỉ thật sự hoạt động hiệu quả khi dữ liệu của các bộ, ngành được kết nối và như vậy, rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan là rất lớn.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, từng nhiệm vụ của các bộ, ngành đã được Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chỉ ra trong những phiên họp tháng. Kết luận trong Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 và mới đây là Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/2 cũng đã nêu rất cụ thể những yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai đề án năm 2024. Kết quả của các bộ, ngành, địa phương cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào chính sự quyết tâm của người đứng đầu, lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, địa phương.

Năm 2024 được xác định là năm bứt phá mạnh mẽ và kết quả này phải được các bộ, ngành, địa phương định lượng từng ngày, từng tháng. Nếu kết quả của năm 2024 không như kế hoạch đặt ra thì mục tiêu của Đề án 06 trong năm 2025 sẽ không thể về đích đúng hẹn. Chính vì vậy, ngoài sự quyết liệt của người đứng đầu thì tính tự giác trong triển khai, thực hiện, kiểm tra, đốc thúc của các địa phương cũng như bộ, ngành kiểm tra dọc sở, ngành ở địa phương theo từng lĩnh vực được giao phụ trách, quản lý là vô cùng quan trọng. Thông qua việc kiểm tra, giám sát, các bộ, ngành, địa phương sẽ kịp thời nắm bắt, phát hiện những nhiệm vụ chậm, muộn, nguy cơ, qua đó điều chỉnh ngay để tránh tồn đọng và lỡ nhịp với guồng phát triển.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/but-pha-manh-me-vi-nguoi-dan-doanh-nghiep-ky-cuoi--i723566/