Bước tiến mới điều trị vẹo cột sống

Một thành tựu y khoa mới vừa được triển khai tại TP HCM trong việc ứng dụng kỹ thuật chữa trị vẹo cột sống đem lại cơ hội cho trẻ kém may mắn

Anh Tr.Đ (ở TP Thủ Đức, TP HCM) có con gái đang học lớp 9, sở hữu chiều cao gần 1,7 m. Mới đây, bất chợt trông dáng con, anh Đ. giật mình vì thấy bé có vẻ không bình thường, lưng như xiêu vẹo. Đưa con đi khám, các bác sĩ phát hiện con anh bị cong vẹo cột sống.

Tiên phong ứng dụng

"Từ nhỏ ở nhà không hề hay biết, đến khi bé đến tuổi dậy thì, nhổ giò thì cả nhà mới hay. Ở TP HCM có nơi nào chữa trị bệnh này không. Cả nhà có ý định hướng cho con đi du học nhưng bộ dạng bé thế này phải làm sao" - anh Đ. gọi người thân nhờ tư vấn trong trạng thái lo lắng.

Theo các bác sĩ, có 2 dạng vẹo cột sống chính là vẹo cột sống chức năng và vẹo cột sống cấu trúc. Nguyên nhân vẹo cột sống cấu trúc tới nay chưa rõ, còn gọi là vẹo cột sống vô căn. Tùy theo tình trạng bệnh nhi lúc được phát hiện như độ tuổi, góc vẹo đo được, độ trưởng thành xương mà có thể chỉ định tập vật lý trị liệu, dùng áo nẹp nắn chỉnh hoặc phẫu thuật.

Các bác sĩ tầm soát vẹo cột sống cho học sinh

Sử dụng áo nẹp nắn chỉnh để điều trị vẹo cột sống trên thế giới và Việt Nam đã cho thấy đạt kết quả khá tốt. Quy trình tạo áo nẹp truyền thống sẽ có 9 bước gồm: Thăm khám và tư vấn cho người bệnh, bó bột tạo khuôn, tạo cốt dương, sửa chỉnh cốt dương, hút nhựa, cắt nhựa khỏi khuôn mẫu, chuẩn bị cho thử nẹp trên người bệnh, hoàn thiện nẹp, kiểm tra áo nẹp đánh giá lại lần cuối trước khi giao áo nẹp.

Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ Đinh Quang Thanh, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP HCM), cho biết hầu hết trẻ bị vẹo cột sống vô căn rơi vào tuổi dậy thì, bé gái từ 9-15 tuổi. Nếu làm theo quy trình truyền thống như lâu nay thì những hạn chế rơi vào bước 2 trở đi. Thao tác làm khuôn thủ công trên người bé gái rất nhạy cảm, khó khăn, vừa chờ đợi, chưa kể không đáp ứng kỹ thuật phải làm lại từ đầu.

"Từ hạn chế trên, việc áp dụng công nghệ in 3D để tạo áo nẹp là vô cùng cần thiết. Hiện nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp là đơn vị tiên phong trong việc làm chủ, tiếp cận kỹ thuật và công nghệ in 3D, sử dụng sản phẩm trong điều trị phục hồi chức năng" - bác sĩ Thanh thông tin.

Với công trình "Bước đầu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo dụng cụ chỉnh hình cho trẻ em", Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp được ghi tên vào danh sách thành tựu y khoa năm 2023 của ngành y tế TP HCM.

Sở Y tế TP HCM đánh giá Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp đã bắt đầu ứng dụng công nghệ in 3D vào quy trình sản xuất các dụng cụ chỉnh hình từ năm 2020. Công nghệ này đang được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng nhưng tại Việt Nam đây là bệnh viện đầu tiên triển khai ứng dụng. Với công nghệ in 3D, các bệnh nhi được tiếp nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng về chất liệu, độ chính xác cao, gọn nhẹ, thẩm mỹ và giá thành rẻ.

"Phủ sóng" diện rộng

Nói thêm về tính ưu việt của công nghệ mới này, bác sĩ Thanh cho hay khi có sản phẩm in 3D nghĩa là không đụng chạm vào người của bé; có phần mềm xử lý chỉnh sửa chính xác trên màn hình qua thông số kỹ thuật; được chọn lựa nhiều chất liệu áo nẹp khác nhau, xử lý tạo lỗ thông thoáng mà áo nẹp truyền thống không làm được; giữ độ vững, tạo sự dễ chịu, đỡ nóng; các thông số được lưu lại trên máy tính để theo dõi, nghiên cứu hoặc chỉnh sửa cho những lần sau...

Bên cạnh đó, các bệnh nhi sẽ giảm thời gian chờ đợi và sử dụng sản phẩm, dụng cụ chỉnh hình. Hiện nay, bệnh viện đã chế tạo được các loại nẹp đơn giản như: nẹp AFO, miếng lót bàn chân dùng trong các trường hợp dị dạng bàn chân, dụng cụ chỉnh hình chi trên và chi dưới. "Ngoài hiệu quả tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, độ chính xác cao, chất lượng tốt, còn mang lại sự thoải mái cho bệnh nhi vì phải mang áo trong thời gian dài, dữ liệu được lưu trữ sử dụng lâu dài" - bác sĩ Thanh nói.

Theo Sở Y tế TP HCM, ngành y tế thành phố rất quan tâm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyên ngành phục hồi chức năng. Mổ bằng robot, chẩn đoán hình ảnh (đọc X-quang, siêu âm)… đã có, còn trong phục hồi chức năng thì quá mới mẻ. Trong suốt quá trình phát triển, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến nhằm sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn. Đây là một bước tiến mới của TP HCM, đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất dụng cụ chỉnh hình phục vụ nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Theo TS-BS chuyên khoa II Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, bệnh viện đang là đơn vị chỉ đạo tuyến chuyên ngành phục hồi chức năng chuyên sâu cho 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ và 6 tỉnh Đông Nam Bộ cùng các bệnh viện trên địa bàn TP HCM có chuyên ngành phục hồi chức năng.

"Với triển vọng phát triển công nghệ in 3D, chúng tôi mong muốn bước tiến này phủ sóng ứng dụng hàng loạt cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng như từng bước triển khai ở các bệnh viện địa phương chỉ đạo tuyến. Cái hay của công nghệ này là chúng tôi gửi phần mềm tới địa phương và hướng dẫn cho đội ngũ y - bác sĩ, kỹ thuật viên tại chỗ để quét đưa ra những thông số. Sau đó, đội ngũ của bệnh viện sẽ đến từng địa phương khám lại và từ dữ liệu này sẽ đưa ra lộ trình, kế hoạch điều trị cho bệnh nhân" - lãnh đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp kỳ vọng.

Những con số "biết nói"

Nghiên cứu tại bệnh viện từ năm 2006 đến 2016, kết quả điều trị đạt là 78,6%. Nhóm tuân thủ số giờ mặc áo nẹp đúng chỉ định 23 giờ/ngày có tỉ lệ đáp ứng tốt lên đến 94%. Góc vẹo cột sống trung bình lúc bắt đầu điều trị là 30, 90. Độ Risser trung bình lúc bắt đầu điều trị là 2,52. Các trẻ được điều trị bằng áo nẹp nắn chỉnh Boston - Chêneau từ lúc phát hiện cho đến khi trưởng thành xương (Risser độ 5). Thời gian điều trị dài nhất là 6 năm và ngắn nhất là 2 năm. Kết quả điều trị đạt được ở mức 78,6%, mức cải thiện và ổn định là 78,6%. Trong thời gian qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP HCM) đã khám và điều trị nắn chỉnh cho trên 800 bệnh nhi vẹo cột sống vô căn nguyên phát. Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng nên việc sản xuất bằng công nghệ in 3D mới đáp ứng kịp nhu cầu.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/buoc-tien-moi-dieu-tri-veo-cot-song-196240510213031477.htm