Bước qua lằn ranh đỏ

Houthi đã mở rộng mục tiêu hoạt động quân sự, muốn kiểm soát toàn bộ tuyến vận tải hàng hải qua vùng biển Đỏ

Tình hình an ninh ở biển Đỏ trở nên đặc biệt nguy hiểm sau khi lực lượng Houthi ở Yemen phóng tên lửa vào con tàu chở đồ khô True Confidence, khiến 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương hôm 6-3. Trước đó, Houthi đánh chìm tàu chở phân bón Rubymar.

Mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy thể hiện ở chỗ lần đầu tiên kể từ khi Houthi công khai đe dọa an ninh hàng hải trên biển Đỏ, đã có người thiệt mạng vì các hành động quân sự của lực lượng này. Trên thực tế, có thể nói Houthi đã bước qua một lằn ranh đỏ mới.

Ngoài diễn biến trên, còn 2 điều khác nữa đáng được chú ý ở vụ việc này.

Thứ nhất, Houthi không chỉ tấn công tàu thuyền vận tải biển của Israel và các nước phương Tây đồng minh với Israel như vẫn thường tuyên bố lâu nay. Tàu True Confidence thuộc sở hữu của hãng True Confidence Shipping đăng ký ở Liberia, thuê hãng Third January Shipping đăng ký ở Hy Lạp vận hành. Cả hai hãng này đều quả quyết không có quan hệ gì với Mỹ hay Israel.

Hải quân Ấn Độ giải cứu các thủy thủ trên tàu True Confidence hôm 6-3 Ảnh: HẢI QUÂN ẤN ĐỘ

Khi chủ định tấn công tàu thuyền của Israel và của các nước đồng minh Israel, Houthi biện luận là để thể hiện sự ủng hộ dành cho người Palestine ở Dải Gaza.

Với việc tấn công 2 tàu Rubymar và True Confidence, Houthi đã mở rộng mục tiêu hoạt động quân sự sang cả những đối tượng khác, tức là muốn kiểm soát toàn bộ tuyến vận tải hàng hải qua vùng biển Đỏ, tạo ra tình huống chính trị an ninh hoàn toàn mới ở khu vực này. Tình huống ấy không chỉ đơn thuần là hệ lụy trực tiếp của lần xung đột hiện tại giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza.

Thứ hai, sáng kiến an ninh đa quốc gia do Mỹ khởi xướng, gọi là "Chiến dịch Bảo vệ thịnh vượng" và chiến dịch "Aspides" - tiếng Hy Lạp là "Lá chắn" - của Liên minh châu Âu (EU) đã được triển khai ở biển Đỏ với lực lượng tàu chiến, máy bay rất hùng hậu nhằm bảo vệ an toàn cho tàu thuyền thương mại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy động thái này vẫn không ngăn chặn được các cuộc tấn công của Houthi.

Hệ lụy của việc Houthi bước qua lằn ranh đỏ nói trên thật vô cùng tệ hại đối với an ninh khu vực. An ninh không được bảo đảm thì tàu thuyền thương mại sẽ tránh đi qua tuyến huyết mạch hàng hải này, thay vào đó phải chọn lối đi vòng, tốn thêm nhiều chi phí và thời gian.

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị tác động tiêu cực trực tiếp. Kinh tế và thương mại thế giới cũng trở thành nạn nhân. Biển Đỏ sẽ là điểm nóng lâu dài về chính trị, an ninh khu vực và thế giới chứ không chỉ hiện tại.

Các đối tác bên ngoài, trước hết là EU, Mỹ và đồng minh, sẽ phải tổ chức lại hoạt động quân sự ở biển Đỏ để vừa bảo đảm an toàn cho tàu thuyền qua lại, tức là đối phó hữu hiệu hơn những cuộc tấn công của Houthi, vừa tập trung triệt hạ tiềm lực quân sự của lực lượng này bên trong lãnh thổ Yemen. Cho nên, việc các bên sử dụng súng đạn ở vùng này sẽ gia tăng.

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/buoc-qua-lan-ranh-do-196240309205254656.htm