Bước nhảy vọt về chinh phục không gian

Trong nhiều thế kỷ, Mặt Trăng đã thu hút trí tưởng tượng của con người và cuộc đua khám phá những bí ẩn của nó một lần nữa lại có đà phát triển. Ấn Độ - quốc gia đang lên trong lĩnh vực không gian toàn cầu, vừa có bước tiến lịch sử khi khi tàu đổ bộ Vikram của nước này hạ cánh thành công lên cực Nam của chị Hằng; thành tựu này không chỉ đánh dấu cột mốc cho hoài bão thám hiểm không gian của Ấn Độ, mà còn hứa hẹn khai thác được một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất ở đây - băng nước.

Việc hạ cánh có kiểm soát của tàu đổ bộ Vikram trong khuôn khổ sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ là kỳ tích đáng kinh ngạc. Giữa những lo lắng và hy vọng, việc đáp xuống Mặt Trăng đã diễn ra suôn sẻ khi tàu hạ độ cao chậm rãi và đều đặn xuống địa hình cực Nam gồ ghề của Mặt Trăng, cuối cùng dừng lại trên bề mặt bụi bặm. Thành công của Ấn Độ trong việc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò ở cực Nam Mặt Trăng không chỉ là thắng lợi về mặt kỹ thuật. Bản thân khu vực này rất được quan tâm về mặt khoa học, bởi nó được đặc trưng bởi các miệng hố sâu nằm trong bóng tối vĩnh cửu, và là nơi băng có thể cung cấp nước, oxy và nhiên liệu cho các sứ mệnh khám phá không gian trong tương lai.

Nguồn: India today

Nguồn: India today

Tầm quan trọng của băng nước trên Mặt Trăng không hề bị phóng đại. Việc phát hiện ra băng nước là bước phát triển tương đối gần đây, khi mà những giả định trước đó cho thấy bề mặt Mặt Trăng khô ráo. Tuy nhiên, thông qua các tiến bộ trong công nghệ và thám hiểm không gian, các nhà khoa học đã xác định được nước đóng băng bên dưới bề mặt Mặt Trăng và bên trong các miệng hố bị che khuất của nó.

Băng nước này chứa đựng nhiều tiềm năng, trước hết nó giúp cung cấp hồ sơ về núi lửa Mặt Trăng, vật chất mà sao chổi và tiểu hành tinh mang đến Trái đất cũng như nguồn gốc của các đại dương. Hơn nữa, nó còn có thể đóng vai trò là nguồn tài nguyên quan trọng trong tương lai vì có thể cung cấp nước uống cho các phi hành gia, giúp làm mát thiết bị và phân hủy thành hydro làm nhiên liệu và oxy để thở. Những tài nguyên này có thể là mấu chốt cho việc khám phá Mặt Trăng sâu hơn, thiết lập sự hiện diện trên Mặt Trăng và thậm chí hỗ trợ các sứ mệnh lên sao Hỏa, bởi nếu đưa các vật liệu này từ Trái đất lên đòi hỏi chi phí rất lớn.

Có thể đã nửa thế kỷ kể từ sứ mệnh Apollo cuối cùng, nhưng việc hạ cánh trên Mặt Trăng vẫn là kỳ tích kỹ thuật to lớn. Ấn Độ chỉ là quốc gia thứ 4 thực hiện hạ cánh có kiểm soát lên bề mặt Mặt Trăng, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ. Song lựa chọn táo bạo hạ cánh xuống cực Nam Mặt Trăng là minh chứng cho quyết tâm và sức mạnh công nghệ của Ấn Độ. Thực tế, việc hạ cánh ở hai cực Mặt Trăng phức tạp hơn việc hạ cánh ở gần xích đạo vì nó đòi hỏi phải đi vào quỹ đạo vùng cực để giải phóng tàu đổ bộ. Thành công của Ấn Độ trong nỗ lực này nhấn mạnh vị thế ngày càng tăng như một quốc gia du hành vũ trụ quan trọng, đồng thời cho thấy khả năng đạt được thành tựu khoa học và kỹ thuật ấn tượng. Nó cũng phù hợp với hoài bão không gian rộng lớn hơn của Ấn Độ, bao gồm việc mở rộng sự hiện diện trên thị trường dịch vụ phóng vào không gian toàn cầu thông qua việc tăng cường tư nhân hóa và đầu tư ở lĩnh vực này.

Thông qua đầu tư nước ngoài, Ấn Độ có kế hoạch mở rộng thị phần của mình trên thị trường phóng vào không gian toàn cầu gấp 5 lần trong thập kỷ tới. Tham vọng đó sẽ được hỗ trợ bởi Ấn Độ được coi là nhà cung cấp dịch vụ chi phí thấp. Thị trường phóng vào không gian toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 9 tỷ USD trong năm nay lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2030. Ngoài các vụ phóng vệ tinh, các cơ quan không gian lớn bao gồm Nasa, Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Nga và Trung Quốc đang chuẩn bị quay trở lại Mặt trăng, một cam kết lâu dài bao gồm việc xây dựng một trạm vũ trụ quay quanh Mặt Trăng và môi trường có thể sinh sống ở đây cho các phi hành gia. Những nỗ lực hợp tác toàn cầu dự kiến sẽ định hình giai đoạn tiếp theo của hành trình khám phá Mặt Trăng, vì không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đảm nhận những thách thức to lớn mà nó đưa ra.

Thành tựu mới trong sứ mệnh Mặt Trăng của Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, với lời chúc mừng tới tấp được gửi đến từ các nhà lãnh đạo và chuyên gia từ nhiều quốc gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin khen ngợi sự tiến bộ ấn tượng của Ấn Độ về khoa học và công nghệ, bất chấp thất bại gần đây của tàu thăm dò Luna-25 trong sứ mệnh Mặt Trăng của Nga. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thì ăn mừng thành tích trên như một dịp trọng đại đối với khối BRICS, trong khi Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal của Nepal gọi đây là thành tựu lịch sử về khoa học và công nghệ vũ trụ.

Tại châu Âu, Josef Aschbacher, Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu, mô tả cuộc đổ bộ là sự kiện "đáng kinh ngạc" thể hiện các công nghệ mới và lần hạ cánh mềm đầu tiên của Ấn Độ trên một thiên thể khác. Còn ở Mỹ, Cục Đại dương và các vấn đề khoa học và môi trường quốc tế của Bộ Ngoại giao bày tỏ, thành công của Ấn Độ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho trí tưởng tượng và thắp sáng tương lai của người dân trên khắp thế giới.

Khi nhìn về tương lai, tầm quan trọng của sự thành công trong sứ mệnh Mặt Trăng của Ấn Độ trở nên rõ ràng hơn. Thành tựu đó như một lời nhắc nhở rằng bầu trời không phải là giới hạn. Sự khéo léo, quyết tâm và hợp tác đã đưa con người đến những biên giới mới và khi con người tiếp tục khám phá vũ trụ, những bài học kinh nghiệm và nguồn tài nguyên được mở ra ở cực Nam Mặt Trăng có thể mở đường cho bước nhảy vọt khổng lồ tiếp theo của nhân loại.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-nhay-vot-ve-chinh-phuc-khong-gian-i341113/