Bước đi mới trong 'ngoại giao Nam bán cầu' của Nhật Bản

Tokyo lựa chọn cách tiếp cận với từng quốc gia và từng khu vực, hướng tới tăng cường hợp tác song phương với các nước có chung lợi ích và giải quyết thách thức của các khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) tháng 9/2023. (Nguồn: Reuters)

Theo tờ Nikkei Shimbun (Nhật Bản) ngày 12/10, Nhật Bản dự kiến chủ trì tổ chức một loạt hội nghị quốc tế từ cuối năm 2023 đến hết năm 2024, bao gồm các hội nghị quy tụ lãnh đạo các nước Đông Nam Á, Trung Á và quốc đảo Thái Bình Dương.

Ngày 12/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko đã gặp Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Thái Lan. Đây là cơ hội để Nhật Bản tiếp cận chính phủ của Thái Lan mới thành lập tháng Chín. Ngoài ra, trong chuyến công du nước ngoài thứ hai và chuyến công du nước ngoài riêng biệt đầu tiên, bà đã thăm Việt Nam, Lào và Brunei. Đây đều là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Những động thái này được xem là bước chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản - ASEAN được tổ chức tháng 12 tới. Đây là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Nhật Bản năm 2023, khi Tokyo và ASEAN đang trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác. Dự kiến, Thủ tướng Kishida kêu gọi các nước ASEAN “đồng kiến tạo” một trật tự quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cơ hội quan trọng

Theo Nikkei Asia Review (Nhật Bản), Tokyo có xu hướng tận dụng các hội nghị này như diễn đàn để tăng cường hợp tác với các nước mới nổi và đang phát triển, trọng điểm của chính sách ngoại giao “Nam Bán cầu” thời ông Kishida.

Cụ thể, để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà xứ sở mặt trời mọc đang theo đuổi, nước này cần nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia ở “Nam Bán cầu”.

Hiện Ấn Độ đang cho thấy tầm ảnh hưởng lớn qua việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quy tụ sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước ở “Nam Bán cầu”. Song theo Nikkei Asia Review, đây không phải là tập hợp các quốc gia có tính thống nhất cao do hệ thống chính trị, trình độ phát triển, điều kiện kinh tế đa dạng.

Cũng vì thế, Nhật Bản lựa chọn cách tiếp cận từng quốc gia, từng khu vực. Tokyo sẽ tập trung tăng cường hợp tác song phương với các nước có chung lợi ích và giải quyết các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.

Cụ thể, nước này dự kiến đề xuất một tầm nhìn hợp tác dài hạn tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản - ASEAN, gồm các lĩnh vực an ninh, số hóa, hàng hải. Nhật Bản cũng hướng tới việc tận dụng các thế mạnh về công nghệ như tổ chức thảo luận riêng về chủ đề trung hòa carbon ở châu Á.

Ngoài ra, trong năm tới, xứ sở mặt trời mọc dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với 5 nước Trung Á thuộc Liên Xô (cũ). Khả năng này đã được xác nhận tại cuộc gặp Ngoại trưởng Nhật Bản - Kazakhstan vào cuối tháng Chín vừa qua. Đây đều là những quốc gia giàu tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và kim loại hiếm.

Cũng trong thời gian này, Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh (định kỳ ba năm/lần) lần thứ 10. Ngoài ra, Tokyo tìm kiếm kênh đối thoại cấp cao với Cộng đồng Caribbean (CARICOM), gồm 14 nước Trung và Nam Mỹ, với năm 2024 là “Năm trao đổi Nhật Bản - Caribbean”.

Tokyo có xu hướng tận dụng các hội nghị này như diễn đàn để tăng cường hợp tác với các nước mới nổi và đang phát triển, trọng điểm của chính sách ngoại giao “Nam Bán cầu” thời ông Kishida.

Mô hình ba thập kỷ

Trên thực tế, mô hình các hội nghị quốc tế do Nhật Bản khởi xướng và chủ trì bắt đầu từ Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) năm 1993. Khuôn khổ này được khởi xướng vào thời điểm ngay sau khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc, trong lúc Mỹ và châu Âu vẫn chưa dành nhiều quan tâm đối với châu Phi.

Khi đó, Nhật Bản đã thành công khi hội nghị quy tụ sự tham dự của nhiều lãnh đạo châu Phi xa xôi về địa lý. Tại đây, Tokyo cam kết cung cấp các điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế, bao gồm hợp tác song phương với các quốc gia riêng lẻ ở lục địa này. Đây là cơ sở ngoại giao để Nhật Bản kêu gọi sự ủng hộ của khối châu Phi cho vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đối với các nước Nam Bán cầu, Thủ tướng Kishida Fumio chỉ rõ: “Nếu chúng ta không chịu khó lắng nghe nguyện vọng của họ và hợp tác chặt chẽ với họ, chúng ta không thể tạo nên một cộng đồng quốc tế hợp tác”. Xây dựng mối quan hệ thông qua “ngoại giao phù hợp” để giải quyết các vấn đề riêng gắn với hoàn cảnh mỗi nước vốn được xem là thế mạnh của ngoại giao Nhật Bản từ trước đến nay.

“Ngoại giao Nam Bán cầu” cũng tính đến Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi, khởi động năm 2000, có sự tham khảo từ TICAD. Theo Nikkei Asia, Bắc Kinh có điểm với tương đồng Tokyo trong cách tiếp cận về các nước đang phát triển và mới nổi. Năm 2022, Trung Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc với 5 nước Trung Á diễn ra cùng lúc với Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Hiroshima, Nhật Bản tháng 5/2023.

Trong một cuộc thăm dò dư luận ở nước ngoài trong năm tài khóa 2021, khi được hỏi về quốc gia/tổ chức nào sẽ trở thành đối tác tương lai, Nhật Bản vẫn xếp hạng thấp hơn Trung Quốc. Ví dụ, tại Đông Nam Á, 48% số người được hỏi đã chọn Trung Quốc, còn Nhật Bản là 43%; tại Trung Á, Nga dẫn đầu với 59%, Trung Quốc thứ hai với 32%, Thổ Nhĩ Kỳ thứ ba với 20% và Nhật Bản thứ tư với 18%.

Rõ ràng, Tokyo mong muốn cải thiện thực trạng này. Loạt hội nghị thượng đỉnh sắp tới có thể là bước tiến quan trọng trên hành trình đó.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buoc-di-moi-trong-ngoai-giao-nam-ban-cau-cua-nhat-ban-246697.html