Bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Nghệ An

Đến nay, Nghệ An đã có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu; để thực hiện, các địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với cách làm chủ động, sáng tạo, có sức lan tỏa sâu rộng...

CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO

Từ đầu năm 2015, khi chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương, thì đã ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu riêng và đã lựa chọn thí điểm 3 xã (Sơn Thành, huyện Yên Thành; Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu; Kim Liên, huyện Nam Đàn) để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã phát động và triển khai cuộc thi mẫu “Xã nông thôn mới đẹp năm 2018” và “Thôn (bản) nông thôn mới đẹp năm 2018”, đây là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An cũng như trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cùng các thành viên Hội đồng Thẩm định nông thôn mới tỉnh kiểm tra thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Năm 2019, Nghệ An vinh dự được Trung ương lựa chọn huyện Nam Đàn là 1 trong 4 huyện thí điểm xây dựng trên cả nước theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Trong 4 năm thực hiện, huyện Nam Đàn đã huy động 2.636,3 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư nâng cao các tiêu chí. Với sự quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, huyện Nam Đàn sẽ phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 và đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025...

Sơn Thành (Yên Thành) là 1 trong 3 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn Nghệ An từ năm 2015. Ông Nguyễn Khắc Đào - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành cho biết, để về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023, trước đó, xã Sơn Thành đã xây dựng một lộ trình cụ thể, xác định rõ từng bước đi “dễ làm trước, khó làm sau”.

Một góc nông thôn mới kiểu mẫu xã Sơn Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Đồng thời, xã Sơn Thành tiến hành đồng bộ với 8 giải pháp, đó là: Đổi mới tư duy “người đổi, đất đổi”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp trong nông nghiệp; hoàn thiện đồng bộ và nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là chú trọng “nội đồng”; mời gọi các nhà đầu tư và các nhà khoa học vào cuộc; chỉnh trang lại dân cư, quy hoạch dân cư; đưa dân lên đồi; xã hội hóa toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Từ một xã nghèo của huyện Yên Thành trong những năm 90 của thế kỷ trước, nay xã Sơn Thành đã có sự thay đổi vượt bậc trên các bình diện, sáng rõ diện mạo nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân xã Sơn Thành trong năm 2023 đạt tới 84 triệu đồng/người.

Nông thôn mới kiểu mẫu xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Hưng Tân là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hưng Nguyên. Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Hưng Tân phấn khởi nói: Sau khi về đích nông thôn mới từ năm 2014, chính quyền và nhân dân không ngừng vươn lên hơn nữa, nâng cao các tiêu chí. Đến năm 2021, xã đã về đích nông thôn mới nâng cao và điều tuyệt vời hơn là cuối năm 2023 đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn, trong đó sự chung sức, đồng lòng của nhân dân đóng vai trò then chốt.

Thời gian tới, xã Hưng Tân tiếp tục tuyên truyền lồng ghép việc nâng cao chất lượng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thực hiện quy chế dân chủ và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua xây dựng gia đình kiểu mẫu, tổ dân cư kiểu mẫu. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực…

LẤY HIỆU QUẢ ĐỂ ĐÁNH GIÁ TIÊU CHÍ

Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Sau gần 14 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Nghệ An đã có 317/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 77,61%). Trong đó, đã có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (hiện đang thẩm định 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu).

Xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính người dân. Trong ảnh: Nhà Văn hóa xóm 5, xã nông thôn mới kiểu mẫu Tăng Thành (Yên Thành). Ảnh: Xuân Hoàng

Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 340 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 135 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thôn/bản nông thôn mới, phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Các địa phương xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để thực hiện “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” sát đúng, phù hợp theo điều kiện của địa phương. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là cả một quá trình dài, do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, vận dụng tốt các quy định, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá tiêu chí.

Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh

Những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu sẽ là hình mẫu để các xã khác trên địa bàn tỉnh học tập, rút kinh nghiệm. Thực tế tại các địa phương cho thấy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã phải xác định rõ một trong các lĩnh vực nổi trội; mô hình cụ thể, thiết thực gắn tiềm năng, lợi thế của xã mình để làm mô hình mẫu. Đây cũng là nền tảng để huy động nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp trong hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu./.

Xuân Hoàng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/buoc-chuyen-trong-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-o-nghe-an-post288544.html