Bước chuyển mình nơi xã nghèo Châu Khê

Cùng với hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Châu Khê, BĐBP Nghệ An đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Châu Khê chuẩn bị quần áo, hàng hóa tại "Ngôi nhà thiện nguyện" để cấp cho người dân. Ảnh: Hải Thượng

Theo chân các cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Châu Khê, chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa của gia đình ông Lô Văn Quỳnh, ở bản Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Những bông lúa trĩu hạt trên cánh đồng đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Để có được cánh đồng lúa nước như thế, gia đình ông đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Ông Quỳnh cho biết, bản Khe Nóng xưa kia, người dân sống chủ yếu bằng nghề săn bắt và hái lượm. Việc thay đổi thói quen từ săn bắn sang trồng trọt, trồng lúa nước 2 vụ có ý nghĩa quan trọng với đời sống của người dân. Những ngày đầu khai hoang làm lúa nước, gia đình ông gặp không ít khó khăn do chưa biết cách sản xuất, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp, đặc biệt là cán bộ Đồn Biên phòng Châu Khê trực tiếp hướng dẫn cách làm đất, trồng lúa nước, chăm sóc, bón phân và thu hoạch nên ông đã thành thạo trong việc sản xuất.

Xã Châu Khê có tổng diện tích tự nhiên hơn 440km², gần 25km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, 70% diện tích là núi rừng. Trên địa bàn có các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú và tộc người Đan Lai sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo mới chiếm gần 100%.

Theo Thượng tá Trần Văn Tài, Chính trị viên Đồn Biên phòng Châu Khê, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương trong vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng địa bàn xã Châu Khê. Tuy nhiên, nhìn chung, một bộ phận nhân dân đời sống còn khó khăn, đặc biệt là tộc người Đan Lai. Để góp phần giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, Đồn Biên phòng Châu Khê đã thực hiện phương châm "3 bám, 4 cùng", giúp nhân dân phát triển kinh tế. Để triển khai có hiệu quả các hoạt động giúp dân, đơn vị đã lựa chọn các cán bộ am hiểu phong tục tập quán, thông thạo ngôn ngữ bản địa để trực tiếp xuống địa bàn, cầm tay chỉ việc giúp đỡ bà con bằng những mô hình cụ thể.

“Chúng tôi đã trực tiếp đến từng hộ dân, khảo sát hoàn cảnh, nhu cầu của đồng bào để có phương án hỗ trợ phù hợp. Ví dụ như gia đình ông Quỳnh, đơn vị đã giúp đỡ lựa chọn giống lúa phù hợp chất đất để gieo trồng, hỗ trợ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao nhất” - Thiếu tá Vi Văn Lai, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Châu Khê chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ người dân trồng lúa nước, Đồn Biên phòng Châu Khê còn hỗ trợ giống và hướng dẫn người dân trồng cây keo. Trước kia, người dân thường chỉ đào hố và trồng cây rồi chờ thu hoạch, ít chăm sóc, tỉ lệ cây sống thấp, năng suất rừng không cao; nay nhờ bộ đội cầm tay chỉ việc, nhiều hộ dân đã trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất tăng lên rõ rệt. Nếu trước kia, rừng keo chỉ đạt 25 đến 30 triệu đồng/ha thì nay cho giá trị từ 80 đến 90 triệu đồng/ha sau 5 năm chăm sóc.

Bên cạnh đó, công tác phát triển chăn nuôi hộ gia đình cũng được đồn Biên phòng quan tâm, hướng dẫn để đồng bào thực hiện có hiệu quả. Thời trước, người dân nơi đây khó sống được nhờ nông nghiệp và cũng không thể trông cậy vào chăn nuôi, bởi khí hậu nơi đây cực kỳ khắc nghiệt và có nhiều loại côn trùng như ruồi vàng, bọ. Những tưởng người dân sẽ mãi chịu cảnh thiếu thốn, đói nghèo, nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của BĐBP, cuộc sống của bà con đã vơi bớt khó khăn.

Được cán bộ Đồn Biên phòng Châu Khê hỗ trợ con giống, gia đình ông Lương Văn Cương đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định. Ảnh: Hải Thượng

Gia đình ông Lương Văn Cương, ở bản Khe Nà, xã Châu Khê được Đồn Biên phòng Châu Khê tặng một cặp lợn giống, do chính các cán bộ, chiến sĩ của đồn nuôi dưỡng và chăm sóc ngay tại địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên sinh trưởng tốt. 4 năm nay, gia đình ông đã bán được 4 lứa lợn giống và lợn thịt thu về mỗi lứa hàng chục triệu đồng. “Các chú BĐBP đã hướng dẫn cách chăn nuôi, làm chuồng trại, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn gia đình phát triển rất tốt. Từ ngày BĐBP quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo và gia đình chúng tôi, đến hôm nay, khó khăn đã được tháo gỡ. Gia đình hứa sẽ phát triển chăn nuôi để thoát cái nghèo" - ông Cương bộc bạch.

Không chỉ gia đình ông Cương, trên địa bàn xã Châu Khê có 20 gia đình được tặng lợn giống. Từ số lợn giống này đã giúp cho các hộ nghèo có nguồn giống để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Kha Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Khê cho biết, Đồn Biên phòng Châu Khê đã hỗ trợ nhân dân các mô hình kinh tế như ruộng lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi... và đều phát triển tốt, được nhân rộng trên địa bàn toàn xã, góp phần từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Cùng với đó, Đồn Biên phòng Châu Khê đã có sáng kiến xây dựng "Ngôi nhà thiện nguyện" tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Khe Bu để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo trên địa bàn hoàn toàn miễn phí với phương châm “ai cần đến lấy, ai có sẻ chia”. Mỗi tháng 2 lần, Đồn Biên phòng Châu Khê triển khai "Gian hàng 0 đồng" với một số mặt hàng thiết yếu mà đơn vị tổ chức vận động từ các mạnh thường quân tặng cho bà con.

Cuộc sống hiện tại của người dân xã Châu Khê chưa thể nói là thoát khỏi đói nghèo, nhưng rõ ràng, bản làng đang ngày càng tươi sáng, nhận thức của người dân đang dần được nâng lên. Nhân dân trên địa bàn tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Qua đó, đã khơi dậy niềm tin, phát huy tinh thần trách nhiệm của nhân dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc ở khu vực biên giới.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/buoc-chuyen-minh-noi-xa-ngheo-chau-khe-post474362.html