Bùng nhùng việc góp tiền làm đường ở Bản Cầm

5 doanh nghiệp 'đồng thuận' dùng xe, máy chặn cổng ra vào 1 mỏ đá để gây áp lực buộc 1 doanh nghiệp khác phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo cam kết từ năm… 2015.

Kiểu hành xử bất tuân pháp luật

Ngày 13/6/2021, đồng loạt 5 doanh nghiệp có công trường khai thác đá tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng mang máy xúc, máy chuyên dụng chặn trước cổng công trường khai thác đá của Công ty TNHH Khoáng sản Bản Cầm để yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ tài chính theo cam kết từ năm 2015. Các doanh nghiệp này bao gồm: Công ty TNHH thương mại Lương Hà, Công ty Cổ phần đá Phú Hà, Công ty Cổ phần khai khoáng Minh Đức, Công ty TNHH xây lắp công trình Hồng Toàn và Công ty Cổ phần đầu tư Tân Hoàng Long (đơn vị tiếp nhận mỏ đá của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nam Tiến).

Lối hành xử theo kiểu tự phát, bất tuân pháp luật nói trên đã tạo hình ảnh xấu xí, phản cảm cho chính các doanh nghiệp nói trên và gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn, bức xúc trong dư luận.

Một số doanh nghiệp tổ chức chặn cổng ra vào của một doanh nghiệp bất chấp các qui định của pháp luật.

Một số doanh nghiệp tổ chức chặn cổng ra vào của một doanh nghiệp bất chấp các qui định của pháp luật.

Trưa 14/6, chúng tôi có mặt tại hiện trường và chứng kiến tại đây vẫn còn một số xe, máy chặn cổng mỏ khai thác, sản xuất đá của Công ty TNHH Khoáng sản Bản Cầm. Vì thế, việc khai thác, sản xuất của đơn vị này phải dừng hoạt động, hàng chục cán bộ văn phòng, công nhân, người lao động vẫn đang tập trung chờ giải quyết.

Ông Nguyễn Quốc Việt, lái xe ô tô tải của Công ty TNHH Khoáng sản Bản Cầm kể: Sáng 13/6, nhân viên bảo vệ của công ty được 1 người tự xưng là phụ trách một mỏ đá gần đó thông báo rằng họ sẽ chặn lối ra, vào vì doanh nghiệp chưa đóng góp tiền làm đường gì đó. Tưởng chỉ là chuyện vui đùa nhưng ai ngờ ít giờ sau, họ đưa 3 máy xúc lật (xe máy chuyên dụng thường thấy ở mỏ khai thác đá) và 1 ô tô chở đất, đá tới chặn lối, đứng kín cổng ra, vào mỏ đá của công ty. Sự việc còn ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân xã Bản Cầm và một số xã vùng cao huyện Mường Khương.

Nguồn cơn từ đâu?

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Trọng Đại, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Tân Hoàng Long cung cấp Biên bản làm việc ngày 2/7/2015 về việc “Thống nhất phương án nâng cấp, cải tạo tuyến đường vận chuyển đá tại thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm”. Biên bản được lập với thành phần gồm đại diện: UBND huyện Bảo Thắng, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông và Vận tải, UBND xã Bản Cầm, thôn Bản Cầm, thôn Nậm Tang và đại diện 5 doanh nghiệp có mỏ đá đang hoạt động tại xã Bản Cầm.

Nội dung biên bản thể hiện sự thống nhất phương án huy động và phân bổ kinh phí cho 7 doanh nghiệp có giấy phép khai thác mỏ đá trên địa bàn xã Bản Cầm (trong đó 2 doanh nghiệp chưa hoạt động) để nâng cấp, cải tạo tuyến đường vận chuyển dài hơn 3 km có điểm đầu là mỏ đá thuộc Công ty TNHH thương mại Lương Hà, điểm cuối là Km15, Quốc lộ 70. Những văn bản sau đó xác định số tiền huy động là 7 tỷ 767 triệu đồng, trước mắt phân bổ cho 5 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần khai khoáng Minh Đức, Công ty Cổ phần đầy tư xây dựng và thương mại Nam Tiến, Công ty TNHH xây lắp công trình Hồng Toàn, Công ty TNHH thương mại Lương Hà và Công ty Cổ phần Phú Hà), mỗi doanh nghiệp góp 1 tỷ 553 triệu đồng. Riêng Công ty TNHH Thịnh Hoàn, do đang sáp nhập doanh nghiệp, chưa hoạt động khai thác đá, biên bản cũng nêu rõ đơn vị nào tiếp quản mỏ của doanh nghiệp này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nguồn tài chính huy động từ 5 doanh nghiệp được giao cho UBND xã Bản Cầm làm chủ đầu tư để lựa chọn (chỉ định) nhà thầu thi công Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường.

Sau một số lần chuyển nhượng, chia tách, tiếp quản, đầu năm 2021, Công ty TNHH Khoáng sản Bản Cầm (đơn vị tiếp quản mỏ đá của Công ty TNHH Thịnh Hoàn) tiến hành khai mỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thực hiện nghĩa vụ tài chính như biên bản cam kết từ năm 2015 nên ngày 28/5/2021, 5 doanh nghiệp tự nhận là hội viên Hội Doanh nghiệp khai thác đá xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng (Công ty TNHH thương mại Lương Hà, Công ty Cổ phần đá Phú Hà, Công ty Cổ phần khai khoáng Minh Đức, Công ty TNHH xây lắp công trình Hồng Toàn và Công ty Cổ phần đầu tư Tân Hoàng Long) đã ra Công văn số 01 yêu cầu Công ty TNHH khai thác khoáng sản Bản Cầm nộp 1 tỷ 176 triệu đồng làm đường. Công văn cũng nêu rõ trong thời hạn 15 ngày, nếu việc nộp tiền không được thực thi thì Hội Doanh nghiệp khai thác đá Bản Cầm đề nghị UBND xã Bản Cầm cho phép 5 doanh nghiệp được lập barie để kiểm soát việc vận chuyển đá của Công ty TNHH khoáng sản Bản Cầm ra khỏi khu vực.

Đến sáng 13/6/2021, cho rằng đã quá thời hạn 2 ngày, dù chưa được sự đồng ý của chính quyền cơ sở nhưng Hội Doanh nghiệp khai thác đá xã Bản Cầm vẫn tổ chức chặn lối ra, vào của “đối tác”.

Không chỉ phản cảm mà việc chặn đường còn gây cản trở giao thông.

Không chỉ phản cảm mà việc chặn đường còn gây cản trở giao thông.

Lời bàn

Mạng lưới giao thông phục vụ nhu cầu đi lại, vận tải thông thương hàng hóa và sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương thuộc quyền quản lý của Nhà nước nên việc đầu tư, khai thác do Nhà nước quyết định. Vì thế, việc “rào cổng”, “chặn ngõ” là không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh, nơi mà mọi công dân đều phải tôn trọng luật pháp.

Đối với Biên bản làm việc “Thống nhất phương án nâng cấp, cải tạo tuyến đường vận chuyển đá tại thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm” do đại diện UBND xã Bản Cầm và đại diện các cơ quan liên quan ký 2/7/2015 và một số văn bản liên quan khác, chúng tôi chưa bàn đến sự đúng - sai, hợp lệ hay không hợp lệ, có đủ giá trị pháp lý hay không, nhưng thực tế cho thấy việc lấy đó là cơ sở để yêu cầu Công ty TNHH khai thác khoáng sản Bản Cầm nộp số tiền hơn 1 tỷ đồng là điều khó thực hiện.

Được biết, ngay sau khi UBND xã Bản Cầm có Văn bản số 51 ban hành ngày 4/6/2021 thúc giục Công ty TNHH khai thác khoáng sản Bản Cầm thực hiện yêu cầu của Hội Doanh nghiệp khai thác đá Bản Cầm thì ngày 5/6/2021, doanh nghiệp này có văn bản phúc đáp, trong đó cho rằng biên bản về việc góp tiền không có giá trị với Công ty TNHH khoáng sản Bản Cầm. Công ty TNHH khai thác khoáng sản Bản Cầm cũng chỉ ra những điểm bất cập trong việc huy động, giải ngân nguồn vốn doanh nghiệp, quy trình, thủ tục đầu tư tuyến đường vào năm 2015, vấn đề khai thác, sử dụng công trình.

Một khía cạnh khác, trong khi các văn bản của UBND xã Bản Cầm, Hội Doanh nghiệp khai thác đá Bản Cầm đều chỉ nói tới Công ty TNHH khai thác khoáng sản Bản Cầm nhưng văn bản phúc đáp lại là của Công ty TNHH khoáng sản Bản Cầm (không có 2 từ khai thác). Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy đây là 2 pháp nhân khác nhau, giám đốc khác nhau tuy con dấu giống nhau gần tuyệt đối, có cùng địa chỉ đăng ký, chung điểm sản xuất. Đây phải chăng là “chiêu bài kinh tế” lập lờ để doanh nghiệp dễ dàng “phủi” trách nhiệm trong những trường hợp xảy ra tranh chấp dân sự hoặc các vấn đề liên quan đến thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước?

Trước khi viết bài này, chúng tôi liên lạc với ông Lâm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bảm Cầm và được biết chính quyền mới chủ trì một cuộc họp giữa các doanh nghiệp liên quan nhưng chưa giải quyết dứt điểm được. Trước đó, chúng tôi đã đặt câu hỏi với ông Hoàng Trọng Đại, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Tân Hoàng Long rằng nếu không đạt được thỏa thuận, Hội Doanh nghiệp khai thác đá Bản Cầm có khởi kiện “đối tác” ra tòa án dân sự không thì nhận được câu trả lời là hội sẽ cân nhắc. Rõ ràng, chuyện bùng nhùng giữa các doanh nghiệp tại Bản Cầm còn lâu mới tới hồi kết dù cần kết thúc từ lâu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213045-bung-nhung-viec-gop-tien-lam-duong-o-ban-cam