Bụi phấn còn vương

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Sớm tinh sương, mặt trời lấp ló phía sau bụi tre già. Phương dắt chiếc xe đạp cũ ra khỏi nhà, tà áo dài thướt tha cột ngang eo, đôi giày cao gót má vừa tặng hôm qua đặt trong rổ xe cùng với túi xách. Phương mang đôi dép lê, đạp xe trên con đường làng. Phương dạy tiểu học. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, Phương không chọn ở lại Sài Gòn để xin việc mà muốn “gieo chữ” ở vùng quê nghèo nơi đã sinh ra Phương. Ngôi trường Phương đang công tác chỉ là trường làng, có rất ít học sinh nhưng lại là nơi thân thiết, gắn bó suốt thời ấu thơ.

- Cô Phương hôm nay sao lại đến trường sớm thế?

Phương mỉm cười, gật đầu chào bác bảo vệ: Cháu đến dọn lớp trước ạ, nghỉ hai ngày chắc lớp dơ lắm!

- Lớp cô Phương lúc nào cũng sạch sẽ, hèn gì cháu nội tôi nhất định đòi vào lớp cô Phương học.

Phương cười ngượng ngùng. Bác năm làm bảo vệ cho trường học này từ lúc Phương còn chập chững đến trường. Bác làm việc vì yêu quý bọn trẻ. Tuổi xế chiều, bác vẫn xin được ở lại gắn bó với trường vì niềm vui chứ không nhận tiền lương nữa.

*

Nắng sáng xuyên qua ô cửa sổ lớp, chiếu rọi lên người cô gái đang loay hoay lau dọn từng cái bàn, cái ghế, từng góc nhỏ của lớp học. Phương xách nước tưới cho những dây trầu bà quấn vòng quanh trên ô cửa sổ, những chậu hoa mười giờ trước cửa lớp.

- Mời cô Phương ăn sáng ạ!

Tiếng nhỏ Lan đứng nép bên cạnh cánh cửa, chìa ổ bánh bông lan của nhỏ. Phương đặt chậu nước trên tay xuống đất rồi quay đầu mỉm cười nhận lấy bánh.

- Cô cảm ơn nhé! May quá cô không bị đói nữa rồi.

Nhỏ Lan cười tít mắt, vui vẻ chạy vào lớp. Lớp học đông dần cho đến khi tiếng trống vào học của bác bảo vệ vang lên từng hồi.

Lớp học của Phương năm nay có nhiều học trò có tính cách ương bướng, khó dạy hơn những năm trước. Ngày đầu tiên nhận lớp, Phương gặp rất nhiều khó khăn từ phụ huynh đến học trò. Nhỏ Lan vừa tặng bánh cho Phương chỉ là trường hợp hiếm hoi ngoan ngoãn nhất lớp.

Phương đứng giữa bục giảng, hai tay chắp sau lưng chờ các bạn nhỏ nghiêm túc chào hỏi. Một số bạn nhỏ đứng thẳng lưng, cúi đầu, hô to khẩu hiệu chào cô giáo theo lời nhỏ Lan lớp trưởng. Còn một số vẫn không quan tâm, vừa nói chuyện, vừa đùa nghịch.

Phương lấy cây thước dài đập mạnh xuống bàn, cả lớp lập tức im phăng phắc, nhưng được vài giây lại ồn ào.

- Đừng có sợ, cô không dám đánh tụi mình đâu. Cô mà đánh là tao nghỉ học luôn!

- Tao cũng không sợ, hôm qua má tao nói rồi, không muốn đi học thì ở nhà bán vé số với bả.
Tại tao muốn chơi với tụi mày nên mới vô lớp thôi.

Mấy lời nói ngây thơ của các bạn nhỏ làm Phương chưng hửng. Phương hít một hơi thật sâu rồi đi đến bàn học, lấy từ trong túi xách ra một túi kẹo mút đặt lên bàn.

- Hôm nay ai học ngoan, cuối giờ cô sẽ có phần thưởng. Bạn nào vừa ngoan, vừa học tốt sẽ được kẹo nhiều hơn.

Cả lớp bất ngờ im phăng phắc, nhóm bạn nhỏ hay nghịch ngợm cũng im lặng, đặt hai tay lên bàn, chăm chú nhìn lên bục giảng. Phương cười thầm.

*

Ở vùng quê nghèo, cha mẹ cho con đi học chỉ mong các em được biết mặt chữ. Phương hàng ngày đều phải động viên các em học hành tử tế. Muốn thoát được cảnh nghèo khổ chỉ có học thật giỏi. Phương ngày xưa cũng như các em hôm nay, nếu không được sự rèn giũa tận tình của thầy, cô giáo thì cũng không được đứng trên bục giảng.

- Cô Phương, con học hết hôm nay con nghỉ luôn rồi. Mẹ con nói con gái lớn cũng đi lấy chồng, biết chữ thì nghỉ học được rồi.

Phương giật mình, nét chữ đang viết kéo một nét dài trên trang giấy trắng.

Nhỏ Lan mắt đỏ hoe, bàn tay vân vê góc áo. Nhỏ Lan rất ham học nhưng nhà nghèo nên mẹ bắt nghỉ học ở nhà trông em để mẹ đi làm.

Phương thương nhỏ Lan nhất lớp. Trong khi các bạn khác còn phải đánh vần từng chữ thì nhỏ Lan đã biết hết mặt chữ và đọc rất trôi chảy. Nếu nhỏ Lan thật sự không đến lớp nữa thì Phương lo lắng các bạn nhỏ khác trong lớp sẽ không có động lực để noi gương mà cố gắng. Phương lấy khăn tay nhẹ nhàng lau vệt nước mắt trên gương mặt bầu bĩnh của nhỏ Lan.

- Chiều nay cô sẽ đưa em về nhà và gặp mẹ em.

Trên con đường đất gồ ghề, Phương chở nhỏ Lan trên chiếc xe đạp cũ. Phương dừng lại trước căn nhà lá nhỏ, có giàn mướp trước sân.

- Cô Phương vào nhà ngồi chờ chút để em ra sau hè gọi mẹ.

- Chào cô giáo! Mời cô vào nhà.

Sau buổi họp phụ huynh đầu năm, đây là lần thứ hai Phương gặp lại người phụ nữ chân đất, đầu đội nón lá, trán lấm tấm mồ hôi. Phương mỉm cười gật đầu chào hỏi mẹ Lan. Phương khuyên nhủ, động viên mẹ Lan cho Lan tiếp tục đến lớp. Phương kể cho mẹ Lan nghe về thành tích học tập của Lan. Phương còn nhắc đi nhắc lại một điều, Phương cũng là con gái xứ này, sau khi kiên trì học tập cũng trở thành cô giáo. Mẹ Lan kéo vạt áo lau vội giọt nước mắt vừa tràn ra khóe mi.

- Nhà nghèo quá! Chỉ sợ không đủ tiền để lo cho Lan học xa hơn cô ơi!

- Chị không cần lo đâu ạ! Nhà trường và các mạnh thường quân sẽ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Phương thấy mẹ Lan có vẻ xiêu lòng. Phương dắt xe ra về, ngoái đầu nhìn hai đứa nhỏ đang vui đùa ngoài sân, tiếng cười hòa vang trong nắng chiều trông thật bình yên.

*

Sân khấu trang hoàng lộng lẫy. Cô bé thắt hai bím tóc, cột nơ màu hồng, mặc áo trắng váy xanh đứng nép mình sau sân khấu.

- Cô ơi! Em run quá!

- Cố lên! Cô tin em sẽ làm được.

Phương mỉm cười động viên Lan. Hôm nay, trường tổ chức cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Lan đại diện lớp một dự thi.

Sau tiếng giới thiệu của cô tổng phụ trách, Lan bước ra sân khấu. Giọng nói trong trẻo, nhẹ nhàng, lúc thánh thót như chim vàng anh, mọi người im lặng, chìm đắm vào câu chuyện của Lan. Phương lặng lẽ nắm tay mẹ Lan, đặt vào tay chị chiếc khăn tay, mắt mẹ Lan đã nhòe đi tự lúc nào.

*

Cô gái ôm theo bó hoa hồng đứng thất thần trước cổng trường. Ngôi trường nhỏ năm nào giờ đã rộng lớn và xinh đẹp, học sinh cũng đông đúc hơn.

Hôm nay là kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, mỗi bạn nhỏ trên tay đều cầm bó hoa tặng thầy, cô giáo để tỏ lòng quý mến, biết ơn.

Lan ôm bó hoa tìm đến cô Phương. Cứ ngỡ cô không còn nhớ mình sau gần hai mươi năm nhưng vừa đến gần, cô đã mỉm cười gọi tên Lan.

- Lan đấy à! Lớn rồi xinh quá, suýt nữa cô không nhận ra em.

Lan không kìm được nước mắt, òa khóc ôm lấy cô. Nếu ngày xưa không nhờ cô tận tình chỉ dạy, không được cô thuyết phục mẹ thì Lan sẽ không được tiếp tục đến trường, không được bước vào giảng đường đại học như hôm nay.

Cô Phương đã lớn tuổi, tóc đã lốm đốm bạc nhưng cô bảo đó là bụi phấn còn vương trên tóc. Mỗi năm, bụi phấn vương nhiều thêm một chút là một lớp học trò đã được cô yêu thương, dạy dỗ rời đi.

- Cô ơi! Em cảm ơn cô rất nhiều!

Lan mỉm cười, chân thành bày tỏ lòng biết ơn dành cho cô giáo - người đã dành hết tâm huyết dạy dỗ các em nhỏ thành người có ích cho xã hội./.

Tuyết Luôn Võ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bui-phan-con-vuong-a166514.html