Bức xúc của Cổ Thiên Lạc và vấn nạn đánh cắp doanh thu ở Trung Quốc

Đánh cắp doanh thu phòng vé là vấn nạn mới của nền điện ảnh Trung Quốc. Giới chức xứ tỷ dân hiện quyết liệt giải quyết hành vi gây hại này.

Ngày 24/8, Cổ Thiên Lạc dự sự kiện quảng bá phim điện ảnh Minh nhật chiến ký ở Hong Kong. Nam diễn viên lần đầu chia sẻ về việc doanh thu phòng vé của phim bị thâm hụt khi công chiếu ở thị trường Trung Quốc Đại lục.

Tài tử sinh năm 1970 xác nhận Minh nhật chiến ký bị đánh cắp doanh thu và lên án hành vi này. Anh cho biết ê-kíp đang giải quyết với các bên liên quan.

Doanh thu phòng vé bị rút ruột

Theo Sohu, phim Minh nhật chiến ký của Cổ Thiên Lạc phát hiện việc hao hụt doanh thu sau khi hàng loạt tài khoản đăng video thắc mắc về vé xem phim "mua một đường, xuất một nẻo" trên Douyin.

Hàng trăm khán giả cho biết họ trả tiền xem phim của tài tử Hong Kong, nhưng lại được in vé xem tác phẩm Độc hành trên mặt trăng do Thẩm Đằng, Mã Lệ đóng chính. Sau khi nhận được thông tin tố cáo từ khán giả, đoàn phim Minh nhật chiến ký tiến hành xác minh vụ việc.

 Minh nhật chiến ký của Cổ Thiên Lạc bị đánh cắp doanh thu. Ảnh: HK01.

Minh nhật chiến ký của Cổ Thiên Lạc bị đánh cắp doanh thu. Ảnh: HK01.

Qua điều tra, ê-kíp Hong Kong phát hiện nhiều khán giả mua vé thông qua một thương nhân ở Giang Tây.

Người này đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để thu thập vé xem phim giá rẻ trên các nền tảng, sau đó bán lại cho khán giả, kiếm khoản chênh lệch. Thêm vào đó, không ít vé xem phim đã ghi nhầm Minh nhật chiến ký thành phim khác, khiến người mua hoang mang.

Theo Sina, Cổ Thiên Lạc là đơn vị làm phim hiếm hoi công khai tố cáo và xử lý trường hợp đánh cắp doanh thu phòng vé trong ngành điện ảnh Trung Quốc. Đánh giá về vụ việc, chuyên gia điện ảnh Ngô Việt cho biết Cổ Thiên Lạc khó có thể lấy lại doanh thu phòng vé bị bòn rút vì không thể thống kê chính xác số lượng vé bị chuyển đổi cho phim khác.

Trước Minh nhật chiến ký, đoàn phim Đại sự đời người từng bức xúc khi bị nhà phát hành phim ăn chặn doanh thu. Một số rạp phim ở thành phố loại 2,3 đã từ chối ghi nhận vào hệ thống, xuất vé xem phim cho khách hàng vì tiền vé bán ra thấp hơn mức tối thiểu. "Hơn 1/3 doanh thu của chúng tôi không được thống kê. Các nhà phân phối đang đánh cắp công sức của nhà làm phim", ê-kíp Đại sự đời người cho biết.

 Đoàn phim Đại sự đời người phẫn nộ vì doanh thu phòng vé bị rạp phim ăn chặn. Ảnh: Sina.

Đoàn phim Đại sự đời người phẫn nộ vì doanh thu phòng vé bị rạp phim ăn chặn. Ảnh: Sina.

Theo Sina, nghi vấn gian lận doanh thu xảy ra nhan nhản trong các mùa phim lớn ở Trung Quốc như Tết Nguyên Đán, Quốc khánh, lễ Lao Động.

Trong dịp phim Tết hồi đầu năm, truyền thông nghi vấn có sự khai khống doanh thu của một số tác phẩm khi xảy ra tình trạng xuất vé sai. Trên Sohu, một số khán giả cho biết bản thân mua vé xem phim hoạt hình, nhưng lại được xuất vé của Hồ Trường Tân: Thủy Môn kiều, Kỳ tích: Đứa trẻ ngốc hay Tứ hải.

Vì doanh thu tăng nhanh chóng mặt, bộ phim hoạt hình Tân Thần Bảng: Dương Thước ra mắt ngày 19/8 vướng nghi vấn "chôm chỉa doanh thu" của tác phẩm khác. Sau 5 ngày ra rạp, Tân Thần Bảng: Dương Thước thu được 200 triệu NDT (hơn 29 triệu USD). Tuy nhiên, số lượng khán giả thực tế đến rạp xem bộ phim được ghi nhận lưa thưa vì nội dung kém hấp dẫn.

Hệ lụy

Sina cho biết "chôm chỉa phòng vé" là vấn nạn của ngành điện ảnh Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Theo Cục Điện ảnh xứ tỷ dân, báo cáo người xem hoặc giá vé bán ra thấp hơn số lượng thực tế, xuất sai vé xem phim A thành B đều là 3 hành vi ăn cắp và che giấu doanh thu điển hình.

Năm 2019, tác phẩm Chiến lang của Ngô Kinh từng bị cơ quan chức năng lên án vì trả vé xem phim viết tay cho khán giả, thay vì in vé điện tử theo quy định. Đây được nhận định là hành vi gian lận doanh thu.

Phim Chiến lang của Ngô Kinh vướng nghi vấn gian lận vì sử dụng vé viết tay. Ảnh: Sina.

Phim Chiến lang của Ngô Kinh vướng nghi vấn gian lận vì sử dụng vé viết tay. Ảnh: Sina.

Theo Sohu, hành vi gian lận doanh thu xảy ra khi nhà sản xuất muốn nâng cao thành tích để tạo hiệu ứng truyền thông với liên tiếp các kỷ lục phòng vé mới được thiết lập.

Điều này thường xuyên xảy ra với các bom tấn điện ảnh được đầu tư cao, có sự tham gia diễn xuất của những ngôi sao phòng vé hàng đầu. Nhà sản xuất chủ động móc nối với nhà phát hành chuyển đổi doanh thu phim khác thành phim của mình để tạo thành tích vang dội.

Trường hợp khác là nhà phát hành muốn ăn chặn doanh thu để kiếm thêm lợi nhuận từ việc phân phối. Giới chức Trung Quốc từng phát hiện nhiều rạp chiếu phim khuyến khích khán giả mua vé từ chương trình kích cầu để được giảm giá.

Tuy nhiên, toàn bộ lượng vé này và số tiền thu về không được chuyển trả vào tổng doanh thu của bộ phim. Đây được xem là mánh khóe qua mặt các kênh thống kê doanh thu lớn như Maoyan và TaopiaoPiao của rạp phim nhỏ lẻ.

Năm 2021, nhà sản xuất The Matrix 4 từng phải thuê một nhóm nhân viên bán thời gian đến tất cả cụm rạp ở Trung Quốc để giám sát lượng vé bán ra hàng ngày. Đây được xem là phương thức thủ công chống lại nạn đánh cắp doanh thu tại Trung Quốc.

Trước động thái của đoàn phim nước ngoài, Sina bình luận vấn nạn gian lận, bòn rút doanh thu phòng vé cấp bách ở xứ tỷ dân, cần sớm triệt để giải quyết.

Hiện tượng này gây tổn hại danh tiếng ngành điện ảnh Trung Quốc, khiến nhà sản xuất gánh thiệt hại kinh tế nặng nề và phản ánh sai sự thật chất lượng phim.

163 cho biết nhà chức trách Trung Quốc hiện quyết liệt giám sát và loại bỏ vấn nạn "chôm chỉa doanh thu" trong ngành điện ảnh. Năm 2021, nhiều cụm rạp ở xứ tỷ dân đã bị đình chỉ hoạt động, phạt 70.000 USD vì có hành vi che giấu và đánh cắp doanh thu của tác phẩm điện ảnh Bác sĩ Trung Hoa. Theo nhà sản xuất, họ có thể thiệt hại hàng chục triệu NDT nếu không sớm phát hiện vụ việc.

Di Hy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-xuc-cua-co-thien-lac-va-van-nan-danh-cap-doanh-thu-o-trung-quoc-post1348674.html