Bức ảnh độc đáo về những người Mỹ ở lại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975

Đã 48 năm kể từ buổi trưa 30/4/1975 lịch sử, nhưng vẫn còn những việc tình cờ xảy ra vào thời khắc lịch sử ấy khiến cho những người trong cuộc không bao giờ nghĩ rằng mình trở thành nhân vật của một câu chuyện.

1. Tình cờ tôi đọc trên chuyên mục Sự kiện và nhân chứng của Báo Quân đội nhân dân Online xuất bản ngày 11/4/2018 bài báo “Nụ cười trong ngày hòa bình đầu tiên”. Trong đó, bài báo kể về 40 năm sau ngày 30/4/1975, tại Sacramento, California (Hoa Kỳ) đã có buổi trình chiếu bộ phim thời sự “Những ngày cuối cùng ở Việt Nam”. Theo bài báo, một giáo viên về hưu là bà Claudia Krich đã xúc động kể về những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/1975 tại miền Nam Việt Nam.

Claudia Krich (ngồi bên trái) và hai người bạn Mỹ chụp ảnh kỷ niệm với ba chiến sĩ Quân Giải phóng ngày 1/5/1975. Nhà văn Hoàng Đình Quang là người đứng giữa.

Claudia Krich còn chia sẻ với báo chí một tấm ảnh kỷ niệm về những nụ cười trong ngày hòa bình đầu tiên ở Việt Nam. Trong tấm ảnh là ba người phụ nữ Mỹ đã ở lại Sài Gòn sau khi “chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng” rút khỏi thành phố. Cả ba người phụ nữ trong ảnh lúc đó đều thuộc trung tâm phục hồi chức năng dành cho nạn nhân Việt Nam thuộc Tổ chức xã hội dân sự Quaker của Mỹ tại Quảng Ngãi. Trong ảnh, họ chụp với những người bộ đội.

Bà Claudia Krich nhớ lại: “Ba người lính này có máy ảnh và họ đã chụp nhiều ảnh. Bức ảnh được chụp tại ngõ nhỏ nơi chúng tôi sống”. Trong ảnh, Claudia Krich đeo kính, ngồi bên trái. Giữa là Julie Forsythe, lúc đó đã có hai nhiệm kỳ làm công tác từ thiện ở miền Nam Việt Nam. Sau này về Mỹ, Julie Forsythe làm công tác giảng dạy, từng là giáo sư trợ giảng tại Trường Đại học Landmark - trường dành cho sinh viên khuyết tật và tự kỷ. Bên phải là Sophie Quinn-Judge, nay là nhà Việt Nam học nổi tiếng, tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh những năm lưu lạc”.

Kèm theo bài báo là bức ảnh với chú thích: “Claudia Krich (ngồi bên trái) và hai người bạn Mỹ chụp ảnh kỷ niệm với ba chiến sĩ Quân Giải phóng ngày 1/5/1975. Ảnh của Claudia Krich chụp”.

Khi xem bức ảnh, tôi hơi ngờ ngợ nhìn người đứng giữa trong ba anh bộ đội giải phóng, cùng với ba người phụ nữ ngoại quốc. Sau một hồi lục lọi trí nhớ và so sánh thì người trong ảnh chính là … tôi.

Lần theo cái tên Claudia Krich, tôi thấy vài trang tiếng Anh, thì biết bà vẫn còn giữ những bức ảnh chụp chúng tôi.

Trên tạp chí văn học Mekong Review số ra tháng 4/2017 bà có nói về xuất xứ bức ảnh này cùng với những ngày bà cùng chồng và các bạn ở lại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975 để (có thể) chứng kiến cảnh “tắm máu” mà Việt Cộng đem đến. Nhưng bà đã không những không thấy tắm máu mà còn hân hoan được gặp gỡ chào đón chúng tôi.

Còn tôi, sau khi xem bức ảnh ấy đã khiến tôi nhớ lại tất cả.

Bà Claudia Krich hiện nay.

2. Năm 1974, tôi thuộc quân số của Tiểu đoàn 32 pháo cao xạ đóng trên địa bàn Tân Biên, Tây Ninh, biên giới Campuchia, với chức vụ cán bộ quân lực tiểu đoàn. Nguyên tôi là pháo thủ số 1 pháo phòng không 57 ly, khi phát hiện ra tôi viết chữ đẹp, là đảng viên nên Sư đoàn điều tôi về Ban Quân lực rồi bổ sung cho Tiểu đoàn 32. Quân lực là quản lý quân số, vũ khí, khí tài đơn vị. Mà tiểu đoàn tôi là đơn vị độc lập (không có cấp trung đoàn) lại trang bị pháo 57 ly đánh bằng điện tử có máy chỉ huy và ra-đa (C51), nên khá cồng kềnh và “giàu có” với 4 đại đội. Quân lực cũng khá bận rộn.

Nhưng ở Ban Quân lực, có thời gian rảnh, tôi đã viết một truyện ngắn có tên là “Dòng sông”. Chép tay sạch sẽ, tôi gửi hú họa cho Báo Giải phóng, qua 1 điểm giao báo này là nhà anh Đống, xã đội trưởng xã Thạnh Bình. Điều bất ngờ là ít lâu sau, Báo Giải phóng đã in truyện của tôi thành 3 kỳ. Lần đầu tiên có in truyện ngắn tới 3 kỳ (một tháng rưỡi) trên tờ báo to nhất của miền Nam khiến tôi bất ngờ và sung sướng đến mất ăn mất ngủ dù trước đó tôi có in thơ trên Báo Việt Nam Độc lập của Việt Bắc.

Niềm vui còn lớn hơn là từ cái truyện ngắn ấy mà cấp trên đã “tìm” ra tôi. Lập tức tôi được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng của Miền, với tư cách là trại viên. Khi tôi lên Sư đoàn ở Lộc Ninh, anh Đào Duy Quát dẫn tôi đến Sóc Mang Cải bàn giao cho nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ tên tuổi lẫy lừng, tôi “ớn” lắm.

Cuối tháng 4/1975, tình hình chiến trường rất sôi động khi các mặt trận liên tục báo tin thắng trận, ông Nguyễn Trọng Oánh quyết định đưa chúng tôi xuống các đơn vị chiến đấu để lấy thực tế và tư liệu viết bài. Tối hôm ấy chúng tôi được chiêu đãi xem bộ phim “Không nơi ẩn nấp” của đội chiếu bóng do Y Phương làm đội trưởng.

Ngày 29/4/1975, tôi và anh bạn đi theo hướng Tây Ninh, xuôi sông Vàm Cỏ Đông xuống Khu 9 nhưng công binh đã dỡ phà. Tình cờ tôi gặp đoàn xe máy cày từ ngoài Bắc vào, không có phà nghỉ lại. Tôi trình tờ giấy giới thiệu in typo, có chữ ký của ông Lê Thế Thưởng, Trưởng phòng Tuyên huấn. Xem giấy giới thiệu, ông trưởng đoàn máy cày nhận ra ông Thưởng là bạn nên vui vẻ “chiêu đãi” chúng tôi bữa cơm trưa. Ăn xong chúng tôi nhờ xe của dân vòng lại Bến Cầu vào thị xã Tây Ninh. Tại bến xe Tây Ninh còn chuyến xe cuối cùng, chúng tôi và anh bạn bộ binh leo lên nóc xe, hai bên đường còn nhiều nòng súng ghếch lên, nhưng không có người.

Tối 30/4/1975, khi về đến Sài Gòn thì trời đã tối. Xuống bến xe Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ), chúng tôi vào trụ sở quân quản, sau khi trình giấy tờ thì được anh em cho ngủ qua đêm. Đêm đầu tiên nằm giữa Sài Gòn, vừa có cảm giác lạ lẫm vừa không dám ngủ, vẫn nghe tiếng súng nổ đì đoàng đâu đó, thế là thức đến sáng.

Sáng hôm sau một cậu thanh niên đèo tôi đến Dinh Độc lập, nhưng không gặp ai quen. Tôi quay về, đi vòng quanh, rồi vào chợ An Đông. Thấy chúng tôi, một người phụ nữ phúc hậu mời chúng tôi vào nhà uống nước.

Bà là Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Dục Anh Sài Gòn (Hội Bảo trợ trẻ em), biết chúng tôi là nhà báo Quân giải phóng nên bà vui lắm. Con gái bà là cô Tạo, một chiến sĩ biệt động, rất đẹp gái vừa mới ra tù, nước da trắng xanh. Cả nhà rất vui. Một lúc sau có hai vị khách vẻ rất trí thức đến. Sau đó có thêm hai đôi người nước ngoài. Họ là vợ chồng người Mỹ là bạn của bà, và tất nhiên là phe ta, bà Bình giới thiệu. Và một trong hai người phụ nữ đó là Claudia Krich.

Lúc đó tôi chỉ biết tên một anh nam giới trong 4 người Mỹ, mà bây giờ tôi vẫn nhớ: Andray. Andray tin rằng chúng tôi yêu Liên Xô, nên thỉnh thoảng nói mấy tiếng Nga (mà anh biết) với chúng tôi. Tôi cũng chỉ biết vài tiếng, “Đa”, “Nhét”… nhưng cười nói rất to. Vợ chồng anh mời chúng tôi đến nhà chơi. Nhà họ thuê tại số 3H, đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng ngày nay).

Chúng tôi (tôi, anh bạn cùng đi và anh lính bộ binh cùng ngồi nóc xe đò từ Tây Ninh) đến nhà số 3H, trong hẻm đường Yên Đổ. Một bà đứng tuổi người Việt giúp việc cơm nước cho họ. Chúng tôi được đãi một bữa cơm thuần Việt. Trước khi ăn, chúng tôi ra ngõ chụp ảnh. Những tấm ảnh có được từ đây.

Có lẽ chẳng có gì xảy ra, nếu như không có sự “dại dột” của chúng tôi. Trước khi chia tay, tôi nói chỗ ở, khoảng một tháng sau, hai người phụ nữ tìm đến, trong khi tôi sang thành đội và xuống quận 6 công tác. Họ tìm gặp thủ trưởng và đưa những tấm ảnh này cho ông Nguyễn Trọng Oánh. Khi tôi trở về cơ quan, ông Oánh gọi tôi lên và đưa ra những tấm ảnh có tôi chụp chung với những người nước ngoài. Tôi tái mặt. Ông cũng nói cho tôi biết những điều nguy hiểm có thể xảy ra cho tôi. Tôi càng hoang mang. Việc tiếp xúc với người nước ngoài trong điều kiện bấy giờ là điều cấm kỵ, nhất là lại có hình ảnh làm bằng cớ. Nếu ông Oánh là người chấp hành quy định một cách cứng nhắc, đưa những tấm hình này ra cơ quan chức năng, chắc chắn cuộc đời tôi sẽ chưa biết thế nào. Nhưng ông đã giữ kín và đưa hết cho tôi. Tuy vậy, ông cũng yêu cầu tôi phải trở về đơn vị. Tôi nghe lời ông và trở về Bộ Tư lệnh Phòng không B2, làm việc cùng với anh Đào Duy Quát, Trưởng ban Tuyên huấn.

Ngày 1/10/1976, tôi xuất ngũ với quân hàm thượng sĩ. Thật ra, tôi có thể về Tạp chí Văn Nghệ quân đội (do Văn nghệ Quân giải phóng sáp nhập) và có thể trở thành Đại tá, nhà văn như bạn bè tôi lứa “nhà văn thượng sĩ” sau này. Nhưng tôi đã chuyển ngành và tôi cũng vẫn trở thành nhà văn hậu chiến, gắn bó thân thiết và trưởng thành từ Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Trong bước đường nhiều thoát hiểm ngoạn mục của tôi, ông Nguyễn Trọng Oánh là người vô cùng nhân hậu. Năm 1979, tôi có đến thăm ông khi ông là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông tâm sự với tôi về hoàn cảnh gia đình, vợ con ông từ quê ra nhưng không được nhập khẩu Hà Nội, phải nhập Hà Tây. Khi biết ông ốm nặng sắp mất, tôi có nhờ nhà văn Trung Trung Đỉnh đưa tôi đến thăm ông, ông đã lẫn rồi, nhưng vẫn nhớ hỏi thăm Văn Lê, Trần Mạnh Hảo…

Nhà văn Hoàng Đình Quang hiện nay.

3. Thật ra tôi đã quên chuyện này cho đến khi tình cờ đọc được bài báo trên báo Quân đội nhân dân online, trong đó có đoạn: “Nhân dịp này qua nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Claudia Krich bày tỏ mong muốn được biết những người bộ đội Việt Nam trong ảnh là ai, hiện nay đang ở đâu?”.

Tôi không biết mức độ quan tâm đến những người như chúng tôi đến đâu nhưng thật lòng vô cùng cảm kích những người bạn Mỹ. Những tấm ảnh của họ chụp bằng máy phim và bảo quản rất tốt.

Đã 48 năm rồi, chúng tôi đã ở tuổi ngoài 70. Tôi là nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đang sinh sống cùng gia đình ở TP Hồ Chí Minh. Bạn tôi ngày đó tên Hùng, tôi chỉ nhớ anh quê Thanh Hóa. Còn người lính bộ binh thì tôi chẳng nhớ được anh tên gì. Tôi cũng lên mạng Internet tìm thấy tấm ảnh bà Claudia Krich.

Cám ơn bạn của tôi!

Nhà văn Hoàng Đình Quang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/buc-anh-doc-dao-ve-nhung-nguoi-my-o-lai-sai-gon-sau-ngay-30-4-1975-i692078/