Bức ảnh chụp cô gái nằm dài ở Nhà Xanh gây tranh cãi

Bức ảnh chụp Han Hye-jin, người mẫu hàng đầu xứ kim chi, mặc chiếc váy quây màu hồng, nằm dài trên những chiếc ghế bên trong Nhà Xanh đã bị chỉ trích dữ dội trong vài tuần qua.

Theo Korea JoongAng Daily, phản ứng của công chúng gay gắt đến mức người mẫu phải tắt tính năng bình luận trên tài khoản Instagram hôm 30/8, 9 ngày sau khi bức ảnh được Vogue đăng tải.

"Làm thế nào bạn có thể mặc và tạo dáng như vậy ở một nơi quan trọng như Nhà Xanh?", một người bình luận. "Đó là một sự sỉ nhục. Họ không biết những gì mình đang làm là hạ thấp phẩm giá quốc gia sao?", một người khác viết.

Một trang tin địa phương đã trích lời người giấu tên làm việc trong ngành thời trang nói rằng "tư thế của Han khiến người ta nhớ đến một gisaeng". Gisaeng là nữ nghệ sĩ giải trí dưới triều đại Joseon (1392-1910), gần giống với geisha ở Nhật Bản.

Bức ảnh khiến người mẫu Han Hye-jin và tạp chí Vogue bị chỉ trích tại Hàn Quốc.

Vogue gặp sóng gió

Hình ảnh gây tranh cãi là một phần của buổi chụp hình mà Han hợp tác với Vogue Korea cho số tạp chí tháng 9.

Cô và một số người mẫu khác đã tham gia chụp nội dung đặc biệt trên tạp chí, bao gồm 32 bức ảnh "khám phá hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) như một món đồ thời trang chứa đựng hiện tại và tương lai hơn là quá khứ".

Các người mẫu mặc những bộ váy khác nhau được cách tân từ trang phục truyền thống của Hàn Quốc và chụp ảnh ở nhiều góc bên trong Nhà Xanh, bao gồm cả nhà khách quốc gia Yeongbingwan.

Các bức ảnh đã được phát hành trực tuyến trên website và trang mạng xã hội chính thức của Vogue hôm 22/8 và được xuất bản trên tạp chí số tháng 9.

Tuy nhiên, Vogue Korea đã xóa những bức ảnh này vài ngày sau đó. Một bản sao của tạp chí thậm chí còn được trình chiếu trong phiên họp của ủy ban văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc vào ngày 25/8.

"Cái này có giống hanbok không?", nghị sĩ Đảng Dân chủ Lim Jong-seong nói khi ông giơ một bản sao của tạp chí trong cuộc họp.

Vogue phải xóa bộ ảnh chụp tại Nhà Xanh sau khi nhận ý kiến trái chiều.

Câu hỏi này nhằm bác bỏ lời giải thích của Cục Di sản Văn hóa (CHA) rằng họ đã "bật đèn xanh" cho buổi chụp hình của Vogue tại Nhà Xanh với mục đích quảng bá di sản văn hóa của Hàn Quốc.

Theo CHA, buổi chụp ảnh của Vogue nằm trong khuôn khổ chiến dịch "Visit Korean Heritage" hàng năm của CHA, giới thiệu các di sản văn hóa khác nhau ở xứ kim chi theo 10 chủ đề.

Ngày 23/8, CHA cho biết sẽ "áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khi cho phép quay phim, sử dụng Nhà Xanh để ý nghĩa lịch sử và biểu tượng của công trình có thể được bồi đắp".

Tuy nhiên, những tranh cãi không thể lắng xuống, buộc CHA phải hủy bỏ một buổi trình diễn thời trang của Gucci dự kiến diễn ra tại Cung điện Gyeongbok vào tháng 11.

Theo một quan chức của CHA, ban đầu CHA và Gucci Hàn Quốc dự định tổ chức "Gucci Cosmogonie Fashion Show" trước Geunjeongjeon, bên trong Cung điện Gyeongbok. Cosmogonie là tên bộ sưu tập mới nhất của Gucci và khoảng 500 người đã được mời tham dự buổi trình diễn.

CHA cho biết họ đã chấp thuận chương trình sau khi đánh giá rằng đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện vẻ đẹp của Cung điện Gyeongbok với thế giới, nhưng "thật khó để tiếp tục sự kiện trong tình hình hiện tại".

Tranh cãi về việc sử dụng Nhà Xanh

Vấn đề sử dụng Nhà Xanh trở thành chủ đề tranh luận giữa đảng cầm quyền và các đảng đối lập kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố chuyển văn phòng đến Yongsan ở trung tâm Seoul và "trả lại" Nhà Xanh, nơi đã được sử dụng làm văn phòng và dinh thự của tổng thống trong hơn 70 năm và là khu vườn phía sau Cung điện Gyeongbok, cho công chúng.

Vấn đề hiện thu hút sự chú ý của dư luận vì tranh cãi về buổi chụp hình của Vogue.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Văn hóa Park Bo-gyoon thông báo chính phủ có kế hoạch biến Nhà Xanh thành một "khu phức hợp văn hóa đa năng", đồng thời nói thêm rằng Nhà Xanh sẽ không chỉ đơn thuần là một không gian lịch sử từng là nơi ở của các tổng thống trước đây.

Ông Park cho biết Nhà Xanh sẽ được sử dụng với 4 "mục đích" bao gồm khu phức hợp nghệ thuật, bảo tàng lịch sử, vườn ươm chất lượng cao và khu di sản văn hóa.

Ông Park cũng đề cập đến cung điện Versailles, nơi có nhiều điểm tương đồng với Nhà Xanh và đã thành công với hướng đi tương tự.

Cung điện Versailles, hay Chateau de Versailles, được biết đến là nơi tổ chức một loạt các buổi trình diễn thời trang và triển lãm nghệ thuật đương đại.

Một trong những triển lãm nổi bật nhất là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Nhật Bản Takashi Murakami vào năm 2010. Một trong những hậu duệ của Vua Louis XIV đã đệ đơn yêu cầu ngừng triển lãm vì cho rằng phong cách manga của Murakami làm "biến chất" văn hóa Pháp.

Năm 2008, một hậu duệ khác của Vua Louis XIV cũng đệ đơn khiếu nại, yêu cầu đóng cửa buổi biểu diễn của nghệ sĩ Mỹ Jeff Koons, nhưng một tòa án Pháp đã bác đơn kiện.

Tác phẩm của Takashi Murakami được trưng bày tại cung điện Versailles. Ảnh: Versailles.

Jean-Jacques Aillagon, cựu Chủ tịch Chateau de Versailles, cho biết các hậu duệ của Vua Louis XIV "không có quyền gì đối với Chateau de Versailles, vì công trình này thuộc về người dân Pháp".

Ông Aillagon là chủ tịch của Versailles cho đến tháng 10/2011, đồng thời từng là bộ trưởng văn hóa của Pháp từ năm 2002 đến năm 2004.

Ông Aillagon cũng là người đã khởi xướng các cuộc triển lãm cá nhân của những nghệ sĩ đương đại như Murakami và Koons nhằm thu hút nhiều du khách trong nước và thế hệ trẻ hơn.

"Điều quan trọng là cung điện, nơi lưu giữ lịch sử và di sản, cũng có thể là nơi chứa đựng những sáng tạo mới của thời đại chúng ta", ông nói.

Khi được hỏi về việc các nhà chức trách Hàn Quốc, những người đang bị giằng xé giữa việc bảo tồn và sử dụng các cung điện, ông Aillagon cho rằng chính phủ cần "bảo quản cẩn thận các cung điện để thế hệ tương lai có thể nhìn thấy các di sản văn hóa".

Nhưng những công trình này không nên trở thành một nơi chỉ thuộc về quá khứ, mà cần phải sống với hiện tại. Tổ chức các sự kiện văn hóa chất lượng cao trong các cung điện cũ có thể là một cách giúp các công trình hồi sinh.

Nhà phê bình kiến trúc Choi Beom cho rằng Nhà Xanh, nơi thậm chí không phải là cung điện hoàng gia, không nên bị chỉ trích khi tổ chức một sự kiện văn hóa bình thường.

"Nhà Xanh không phải là một nơi linh thiêng. Tôi không có ý xem thường sự quan trọng của địa điểm từng là văn phòng và nơi ở của tổng thống trong hơn bảy thập kỷ. Nó có ý nghĩa lịch sử của riêng mình.

Tôi chỉ muốn nói rằng Nhà Xanh không phải thứ gì đó cần được thần thánh hóa, nơi mọi người phải run sợ và lo lắng làm tổn thương phẩm giá của nó. Đó là một di sản văn hóa nên tất nhiên chúng ta nên cần bảo tồn, nhưng đồng thời phải sử dụng một cách tích cực", ông Choi nhận định.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-anh-chup-co-gai-nam-dai-o-nha-xanh-gay-tranh-cai-post1352362.html