Bức ảnh cần được cả thế giới hướng tới

Bức ảnh chụp một em bé tại trạm y tế tạm ở tỉnh Sindh, Pakistan, sau đợt lũ lụt lịch sử đã lột tả sự bất công trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Mùa hè năm nay, mưa dữ dội kết hợp với băng tan gây ra siêu lũ lụt trên khắp Pakistan. Quốc gia này có số lượng sông băng lớn thứ hai, chỉ sau các vùng cực. Do sự nóng lên toàn cầu, số băng này đang tan chảy với tốc độ kinh hoàng.

Lũ lụt quét sạch khoảng một triệu gia súc, mùa màng bị tàn phá, khiến 30-50 triệu người Pakistan phải di dời và phá hủy hàng nghìn km đường giao thông. Nhiều tháng sau, thiệt hại vẫn tiếp diễn.

Chứng kiến thảm họa khí hậu ập đến quê hương, Fatima Bhutto - một tác giả người Pakistan - không khỏi đau lòng, trong đó một hình ảnh từ anh trai khiến cô ám ảnh đến tận bây giờ.

Bất công

Sau cơn lũ, nước đọng ở nhiều nơi cao đến ngang đùi, khiến nông dân Pakistan không thể gieo trồng vụ mới. Điều đó đồng nghĩa họ sẽ không thể thu hoạch vào tháng 3 năm sau.

Theo Bhutto, nạn đói giờ đã không còn chỉ là khả năng. Đó là một điều chắc chắn. Người dân Pakistan cũng đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế. Hàng trăm nghìn phụ nữ mang thai không được chăm sóc thai sản, nguồn nước ô nhiễm kéo theo nhiều dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết.

Hình ảnh Bhutto nhận được từ anh trai Zulfikar, chụp tại một tram y tế tạm thời ở tỉnh Sindh, Pakistan. Ảnh: Guardian/Fatima Bhutto.

Tình trạng thiếu thuốc men ảnh hưởng nhiều nhất đến người nghèo - những người thậm chí không thể tiếp cận với nỗ lực cứu trợ cơ bản nhất. Hàng triệu người đã mất nhà cửa, sinh kế và những người thân yêu của họ. Đến nay, 1/3 Pakistan vẫn ngập trong biển nước.

Bhutto cùng anh trai Zulfikar và một người bạn tên Menaal đã rất sốc trước trận lũ lụt vừa qua. Họ cùng nhau tổ chức các buổi quyên góp trực tuyến để hỗ trợ 3 tổ chức từ thiện đang hoạt động tại Sindh - tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất.

Zulfikar cũng thiết lập các trạm y tế, thu thập thuốc men và sắp xếp cho các bác sĩ tình nguyện đến thăm khám cho người dân ở những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề.

Khi đến Warah (Sindh) - nơi người dân không thể tiếp cận với các loại thuốc giảm đau thông thường như Panadol hay Calpol và không được bác sĩ khám trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm - Zulfikar đã chụp lại bức ảnh khiến em gái mình ám ảnh nhất.

Trong bức ảnh, một người cha đang bế đứa con sơ sinh trên cao, hy vọng có thể chen qua biển người chờ gặp bác sĩ. Đứa bé đeo sợi chỉ đen truyền thống để được bảo vệ khỏi những điều không may, sự độc ác và đố kỵ.

Bức ảnh này cho thấy sự bất công của cuộc khủng hoảng khí hậu. Pakistan chịu trách nhiệm cho ít hơn 1% lượng khí thải toàn cầu. Bhutto cho rằng đất nước cô không phải tội phạm mà là nạn nhân của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Chiến đấu

Trong một báo cáo gần đây, Carbon Brief ước tính Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Australia đang chậm đóng góp cho quỹ khí hậu. Mỹ, nơi có lượng khí thải khổng lồ, chịu trách nhiệm đóng góp khoảng 40 tỷ USD cho quỹ 100 tỷ USD của các nước giàu. Song họ mới chi trả hơn 7 tỷ USD. Những quốc gia giàu có này gây ô nhiễm trong khi những người nghèo ở phía nam bán cầu phải trả giá.

Trước đó, vào ngày 9/10, Thủ tướng Shehbaz Sharif cũng khẳng định Pakistan không cầu xin sự trợ giúp từ các nước giàu, thay vào đó, ông tìm kiếm "công lý khí hậu".

“Hãy để tôi nói rõ, (tình huống này) là về công lý khí hậu”, ông Sharif nhấn mạnh. “Chúng tôi không đổ lỗi hay cáo buộc bất kỳ ai. Điều này không phải do chúng tôi tạo ra nhưng chúng tôi đã trở thành nạn nhân. Vậy lời kêu gọi của tôi có cần biến thành lời cầu khẩn hay không? Thật không công bằng".

Người dân Pakistan lội qua nước lũ. Ảnh: Reuters.

Tại Hội nghị COP27 diễn ra vào tháng 11, các quốc gia đã thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt là thành lập quỹ giúp đỡ các nước nghèo đang bị tàn phá bởi thảm họa khí hậu. Song nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả của quỹ này, từ cách thức hoạt động cho đến tác động lâu dài, theo AP.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, Alaa Abd el-Fattah - lập trình viên và là một nhà văn - đã tuyệt thực trong phòng giam ở Cairo (Ai Cập). Bhutto cho rằng anh là hiện thân sống của tình đoàn kết.

Mỗi tuần, Abd el-Fattah đều viết một lá thư cho gia đình. Đến một ngày, gia đình không nhận được lá thư nào từ anh và họ bắt đầu hoảng loạn, lo sợ điều tồi tệ nhất. Song bức thư đã bị can thiệp. Trong đó, anh bày tỏ nỗi sợ hãi và lo lắng của mình “về sự nóng lên toàn cầu khi nghe những tin tức từ Pakistan”.

Khi đọc những chia sẻ của Abd el-Fattah, Bhutto nhớ lại cảm giác của mình khi nhìn thấy hình ảnh đứa bé ngây thơ, ngủ say trong đôi tay rộng mở đầy hy vọng của cha, xung quanh đứa trẻ thế giới như đang bùng cháy.

“Hy vọng là kỷ luật”, Bhutto nhớ đến danh ngôn của nhà hoạt động Mariame Kaba.

Cô đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói đó trong những năm qua và sẽ luôn ghi nhớ trong lòng, đặc biệt là khi “mọi thứ giờ đây dường như quá ảm đạm”. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải chiến đấu, chiến đấu bằng tất cả những gì mình có, nếu không chúng tôi sẽ không còn gì”, cô viết trên Guardian.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-anh-can-duoc-ca-the-gioi-huong-toi-post1386457.html