Bù Đăng vững tin vào xuân

Cùng với tỉnh Bình Phước và cả nước, mùa xuân này có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng. Năm có nhiều cơ hội, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen; năm của những nỗ lực vượt khó và là năm cuối của chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tin rằng, những kết quả huyện Bù Đăng đạt được trong năm 2023 sẽ là nền tảng, cơ sở để huyện vững tin bước vào xuân mới - xuân Giáp Thìn 2024 với niềm tin và khí thế mới.

Thắng lợi của tinh thần đổi mới

Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện năm 2023 trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn cầu khiến sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp giãn, giảm giờ làm, thu hẹp sản xuất. Điều này tác động không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân trong huyện. Các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ chịu nhiều tác động; thị trường bất động sản trầm lắng… Tuy nhiên, với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện đã đoàn kết một lòng; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, tùy chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh đi từng bước vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.

Cầu 38 trên quốc lộ 14 kết nối từ thành phố Đồng Xoài về huyện Bù Đăng - Ảnh: Phú Quý

Xác định cải cách hành chính phải đi trước một bước; cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, qua đó tạo hiệu ứng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong từng cán bộ, đảng viên, những năm qua, đặc biệt trong năm 2023, huyện Bù Đăng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện số hóa trong hầu hết lĩnh vực từ giải quyết thủ tục hành chính đến y tế, giáo dục, xây dựng Đảng, kiểm soát, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Mọi công việc đều được triển khai trên môi trường mạng, không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực thi công vụ. Chính sự linh động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, trong triển khai và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của huyện đã thu phục được lòng dân, ý Đảng - lòng dân hòa hợp, dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân làm nên những thắng lợi quan trọng.

Kết thúc năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội huyện duy trì ổn định, có 19/21 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Thu ngân sách được 322 tỷ đồng, đạt 103% dự toán tỉnh giao; chi ngân sách nhà nước 1.369 tỷ đồng, đạt 149% dự toán tỉnh giao. Giá trị công nghiệp tăng 6,5%, đạt 102,3% kế hoạch đề ra. Về chi đầu tư xây dựng cơ bản được 443,84 tỷ đồng, đạt 110,3% dự toán tỉnh giao.

Điểm nổi bật và tạo dấu ấn quan trọng trong chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, là trong năm 2023, thu ngân sách đứng thứ 3/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; công nhận 19 trường chuẩn quốc gia, đạt 106% kế hoạch; toàn huyện đã giảm 669 hộ nghèo, đạt 105% chỉ tiêu. Đây là con số ấn tượng, không chỉ thể hiện tinh thần vượt khó mà còn là kết quả của sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cũng trong năm 2023, huyện đã giải quyết việc làm đạt 108% chỉ tiêu giao; đào tạo nghề đạt 130% chỉ tiêu; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 100% chỉ tiêu HĐND huyện giao… An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao không ngừng tăng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng đổi mới. Hầu hết các thôn, khu phố trên địa bàn đều có nhà văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền kiên cố, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Giao thông đi lại thuận tiện. Sóng điện thoại, internet phổ rộng, tạo thuận lợi trong giao lưu, kết nối, học tập, lao động sản xuất và kinh doanh dịch vụ.

Nhờ công nghệ phát triển và được đầu tư đồng bộ, nhiều nông sản, sản phẩm du lịch, sản phẩm thủ công, truyền thống của nhân dân trên địa bàn đã lên sàn thương mại điện tử, lan tỏa trên mạng xã hội và các kênh thông tin, qua đó rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn và vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ đó, nhiều tiềm năng, thế mạnh của địa phương được khai thác, phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là lợi thế vùng nguyên liệu điều, cà phê, lúa gạo và du lịch trải nghiệm, về nguồn.

Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời phân tích những tiềm năng, lợi thế trên địa bàn, huyện Bù Đăng đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chiến lược phát triển cụ thể trong năm 2024.

Ông Vũ Văn Mười, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, xác định 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, kinh tế Bình Phước tuy trên đà phục hồi và tăng trưởng nhưng vẫn còn những khó khăn, thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế huyện, Bù Đăng đã xây dựng kế hoạch, với những bước đi phù hợp, trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, đưa kinh tế huyện có những khởi sắc mới. Đây cũng là những “trái ngọt”, công trình kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14-12-1974 - 14-12-2024).

Năm 2024, huyện xác định tiếp tục làm tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; chú trọng đầu tư nâng chất cơ sở hạ tầng nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực, sẵn sàng thu hút đầu tư.

Du lịch được đánh giá là tiềm năng, lợi thế đặc trưng của huyện nhưng chưa được khai thác, đầu tư phát triển tương xứng. Vì vậy, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục đầu tư nâng tầm, khai thác và phát huy thế mạnh ở lĩnh vực này. Trọng tâm là các điểm du lịch về nguồn, như: Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo; tượng đài và lịch sử về anh hùng dân tộc Điểu Ong; trảng cỏ Bù Lạch; thác Đứng… và một số làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng như: Kỹ thuật chế biến rượu cần, nghề đan lát, dệt vải, kỹ thuật chế biến các món ăn đặc trưng như cơm lam, canh thục với đọt mây, lá nhíp. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn còn được duy trì và gìn giữ. Đặc biệt tài nguyên đất đai rộng lớn, giao thông thuận lợi với quốc lộ 14 ngang qua địa bàn… Đây sẽ là những lợi thế, trục động lực quan trọng để huyện khai thác và bứt tốc trong năm 2024, đạt được những thành quả ấn tượng, toàn diện trên hầu khắp lĩnh vực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh.

Minh Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/153618/bu-dang-vung-tin-vao-xuan