BRICS có đủ lớn để Ả Rập Xê-út và Iran bắt tay nhau?

Nếu Ả Rập Xê-út và Iran một lần nữa có bước đi đối đầu, các thành viên hiện tại của BRICS có thể phải 'hối hận' vì đã kết nạp các đối thủ địa chính trị từ Vùng Vịnh.

Iran và Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia) – hai cường quốc đối địch nhau ở Vùng Vịnh, đồng thời nhận được lời mời gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn dắt.

Mặc dù nền tảng này được đánh giá là nơi phù hợp cho quá trình bình thường hóa song phương đang chớm nở giữa hai bên, nhưng phản ứng từ Tehran và Riyadh trước lời mời tham gia BRICS lại khác nhau rõ rệt.

Hai nền tảng, một mục đích

Một trong những khía cạnh đáng chú ý trong “quyết định lịch sử” của BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi hồi tháng trước là lời mời tham gia nhóm được đưa ra cho Iran và Ả Rập Xê-út – hai cường quốc đối địch nhau ở Vùng Vịnh.

Nhưng BRICS không phải là nền tảng đa phương duy nhất cho hợp tác và đối thoại giữa Riyadh và Tehran. Trước đó, vào năm 2022, Iran đã trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong khi Ả Rập Xê-út trở thành “đối tác đối thoại” và có triển vọng trở thành thành viên đầy đủ của diễn đàn an ninh Á-Âu do Trung Quốc dẫn dắt.

Việc đồng thời gia nhập BRICS và trong tương lai, việc Ả Rập Xê-út gia nhập SCO, có thể tăng cường hơn nữa quá trình bình thường hóa song phương giữa Tehran và Riyadh.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Nam Phi chụp ảnh kỷ niệm, tháng 8/2023. Tại hội nghị, BRICS đã ra quyết định lịch sử khi mời thêm 6 quốc gia tham gia nhóm, trong đó có Iran và Ả Rập Xê-út. Ảnh: Tehran Times

Đối với Iran và Ả Rập Xê-út, điều quan trọng là một quỹ đạo, một triển vọng bình thường hóa lâu dài hơn là những kết quả tức thời cũng như những cam kết và kỳ vọng không thực tế. Nói cách khác, một diễn đàn như BRICS, nơi cả hai nước có thể tương tác trên cơ sở bình đẳng và mọi quyết định đều được đưa ra theo nguyên tắc đồng thuận, có thể là một diễn đàn phù hợp để từng bước xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Tuy nhiên, phản ứng từ Tehran và Riyadh trước lời mời tham gia BRICS khác nhau rõ rệt. Trong khi các quan chức Iran vui mừng về triển vọng này, thì Ả Rập Xê-út – một đồng minh truyền thống của Mỹ ở Trung Đông – lại thận trọng hơn nhiều. Riyadh đã chỉ ra sự cần thiết phải nghiên cứu thêm chi tiết về những yêu cầu của tư cách thành viên BRICS trước khi xác nhận tham gia.

Những phản ứng này xuất phát từ nhu cầu khác nhau của hai gã khổng lồ Trung Đông. Đối với Iran, việc gia nhập SCO bị “soi” nhiều hơn so với gia nhập BRICS. Trong mắt phương Tây BRICS không giống như SCO, mà mang tính toàn cầu hơn vì thành viên bao gồm các nền dân chủ. Việc được “bật đèn xanh” gia nhập khối này là một thành công ngoại giao đối với Iran.

Còn đối với Ả Rập Xê-út, theo các nhà phân tích, trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, Ả Rập Xê-út sẽ thăm dò phản ứng của Mỹ trước.

Nhiều thăng trầm hơn nữa

Liên minh vốn vững chắc của vương quốc này với Mỹ đã lỏng lẻo trên một số mặt trận; việc gia nhập BRICS sẽ càng thúc đẩy xu hướng này – nhưng còn lâu Ả Rập Xê-út mới loại bỏ được các mối quan hệ với cường quốc hàng đầu thế giới.

“Trước tiên, Ả Rập Xê-út sẽ đánh giá phản ứng của Washington và xem xét mọi lời đề nghị từ các phái đoàn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cử tới Riyadh, trước khi tiếp tục xem xét chấp nhận lời mời”, ông Sami Hamdi, giám đốc điều hành của International Interest, một công ty rủi ro chính trị tập trung vào Trung Đông, nói với Al Jazeera.

Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út vốn đã là nước dẫn đầu khu vực, và Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) không giấu giếm tham vọng đưa vương quốc của mình trở thành một cường quốc toàn cầu. Và việc đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc, cũng quan trọng không kém, theo ông Michelle Grise, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại RAND Corporation.

Do đó, rất có thể Riyadh, sau khoảng tạm dừng ngoại giao cần thiết, sẽ chấp nhận lời mời gia nhập BRICS.

Một người dân ở Tehran cầm một tờ báo địa phương, ra ngày 11/3/2023, đưa tin về thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa Iran và Ả Rập Xê-út nhằm khôi phục quan hệ giữa hai cựu thù ở Trung Đông. Ảnh: Getty Images

Đáng nói, sau tất cả, các nền tảng như BRICS và SCO chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế cho lộ trình bình thường hóa song phương giữa Ả Rập Xê-út và Iran. Mặc dù cuộc đối thoại Tehran - Riyadh diễn ra với các cuộc gặp cấp cao của các Ngoại trưởng và các quan chức quốc phòng hàng đầu, nhưng tất cả vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu. Bất chấp thời gian biểu lạc quan, công việc của các cơ quan ngoại giao ở cả hai nước vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.

Có khả năng quan hệ Ả Rập Xê-út - Iran sẽ trải qua nhiều thăng trầm hơn nữa, đặc biệt là nếu việc bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel được hiện thực hóa. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã cảnh báo rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel không chỉ là sự phản bội chính nghĩa của người Palestine mà còn là chất xúc tác cho sự bất ổn trong khu vực.

Nếu Ả Rập Xê-út và Iran một lần nữa có bước đi đối đầu, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết của BRICS, khi cả hai bên sử dụng bất kỳ đòn bẩy nào họ có để gây bất lợi cho bên kia. Trong trường hợp đó, các thành viên hiện tại của BRICS có thể phải “hối hận” vì đã quyết định đưa các đối thủ địa chính trị từ Vùng Vịnh vào nhóm của họ.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, cả Tehran và Riyadh đều nhận thấy lợi ích quốc gia lâu dài trong việc tiến hành giảm leo thang và bình thường hóa quan hệ. Ít nhất, trong tương lai gần, có vẻ như quỹ đạo này sẽ được bảo toàn, bất chấp những cạm bẫy trên đường đi. Thành viên chung của BRICS – và trong tương lai, có thể cả SCO nữa – cung cấp thêm địa điểm cho quá trình xây dựng lòng tin.

Minh Đức (Theo Modern Diplomacy, Al Jazeera)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/brics-co-du-lon-de-a-rap-xe-ut-va-iran-bat-tay-nhau-a628360.html