Breakdance sẽ xuất hiện tại Olympic Paris dù gây tranh cãi

Bóng chày và Karate bị loại bỏ, trong khi breakdance sẽ xuất hiện ở Olympic Paris 2024.

Thế vận hội Tokyo 2020 đã khép lại. Đoàn thể thao Mỹ tiếp tục thống trị làng thể thao thế giới, khi đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Trung Quốc về nhì, nhưng rút ngắn khoảng cách đáng kể với đối thủ.

Giờ là lúc giới mộ điệu hướng tới kỳ Olympic Paris 2024 được tổ chức trên đất Pháp. Trượt ván, leo núi thể thao và lướt sóng - những môn thể thao lần đầu xuất hiện ở Tokyo - tiếp tục được giữ lại, nhưng bóng chày và Karate lại không có may mắn này. Thay vào đó, lần đầu tiên breakdance sẽ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức ở Olympic Paris 2024.

Breakdance, môn thể thao hướng tới giới trẻ, sẽ góp mặt ở kỳ Olympic Paris 2024. Ảnh: Marca.

Môn thể thao cho giới trẻ

IOC đang hướng tới kỳ Thế vận hội “cân bằng giới hơn, trẻ trung hơn và thành thị hơn”. Đó là lý do vì sao trượt ván, lướt sóng và leo núi thể thao được đưa vào nội dung thi đấu của Olympic Tokyo. Điều tương tự xảy ra với breakdance tại Olympic Paris 2024 sau đây 3 năm.

Breakdance là môn thể thao điệu nhảy đường phố, thuộc dòng nhảy hiphop của những bạn trẻ Mỹ gốc Phi và Latinh, vốn xuất hiện ở thành phố New York trong những năm đầu thập kỷ 70.

Việc đưa các môn thể thao mới vào chương trình thi đấu luôn vấp phải ý kiến trái chiều và breakdance không phải ngoại lệ. VĐV squash huyền thoại người Australia Michelle Martin cho rằng Olympic ngày càng trở thành trò hề.

Martin khẳng định: "Tôi biết một số người nói breakdance là môn thể thao nhưng tôi không hiểu. Điều này chẳng khác nào sự chế nhạo dành cho Olympic. Bạn nhìn vào đó và tự hỏi 'Thế vận hội rồi sẽ đi về đâu?'".

“Một cuộc chạy đua hay điểm số luôn là tất cả với Thế vận hội. Luôn có những câu trả lời chắc chắn và kết quả rõ ràng. Còn breakdance chỉ dựa trên cảm tính nên dễ mất kiểm soát. Tôi không hiểu ra sao nữa", Martin kết luận.

VĐV người Australia có lý do để thất vọng khi việc vận động hành lang cho môn squash của cô không thành công. Ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ từ ngôi sao quần vợt Roger Federer, IOC vẫn không thay đổi quan điểm và cho squash cơ hội.

Một phần lý do breakdance được đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic Paris là bởi môn thể thao này vốn trở nên rất phổ biến ở Pháp từ đầu những năm 1980. Năm 1984, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới có chương trình truyền hình phát sóng thường xuyên và toàn quốc về văn hóa hiphop.

"Breakdance xứng đáng có được vị trí tại kỳ Thế vận hội. Chúng tôi tin rằng các màn đối đầu ở Olympic Paris 2024 sẽ là sự kiện không thể quên", Chủ tịch Liên đoàn Khiêu vũ Thể thao Thế giới (WDSF) Shawn Tay khẳng định.

Karate lần đầu xuất hiện tại Olympic Tokyo 2020, nhưng bị loại bỏ ở kỳ Thế vận hội tiếp theo. Ảnh: Reuters.

Số phận ngắn ngủi của Karate

Karate là một trong 4 môn thể thao mới ra mắt tại Thế vận hội Tokyo năm nay, cùng với trượt ván, lướt sóng và leo núi thể thao. Tuy nhiên, khác với 3 bộ môn còn lại, Karate sớm bị loại khỏi danh sách nội dung thi đấu chỉ sau một kỳ Olympic.

Tại Olympic 2020, hai thể thức của Karate được đưa vào thi đấu gồm biểu diễn quyền (kata) và đối kháng (kumite). Đây là môn võ có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản. Với tư cách nước chủ nhà, Nhật Bản thuyết phục thành công Ủy ban Olympic (IOC) đưa Karate vào danh sách các môn thi đấu.

Ban đầu, Karate không được phép xuất hiện tại Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, nhờ chính sách mềm mỏng của IOC, môn thể thao này sau đó được chấp nhận. Dù vậy, ít nhiều có sự thất vọng sau khi IOC xác nhận Karate không có mặt ở Paris 2024.

Tổng thư ký Shuji Kusaka của Hiệp hội Karate Nhật Bản chia sẻ trên Reuters: "Thông báo được đưa ra ngay trước khi các võ sĩ Karate tranh tài tại Olympic 2020. Điều đó khiến tâm trạng của tất cả trở nên xấu đi".

Chủ tịch Hiệp hội Karate Thế giới Antonio Espinos nhấn mạnh: "Pháp là một trong những cường quốc Karate. Từ sự lớn mạnh và phổ biến của Karate ở Pháp, chúng tôi nuôi hy vọng bộ môn này có mặt ở Olympic 2024. Nhưng chúng tôi biết giấc mơ sẽ không thể trở thành sự thật".

Bóng chày cũng chịu chung số phận với Karate. Người hâm mộ chưa kịp hết phấn khích vì sự trở lại của bóng chày sau 13 năm vắng bóng ở Olympic, bộ môn này nhanh chóng bị loại khỏi Thế vận hội Paris 2024.

Karate trở lại Tokyo vì bề dày lịch sử, cũng như bóng chày có số lượng lớn người hâm mộ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với việc Pháp trở thành quốc gia đăng cai kỳ Olympic tiếp theo, tầm quan trọng của 2 môn thể thao này đã bị xem nhẹ.

Chưa rõ Karate có quay trở lại ở kỳ Olympic Los Angeles 2028 không. Các tổ chức quốc tế đang đàm phán với IOC để giữ lại Karate. Dù vậy, giới chuyên môn nhận định rằng môn thể thao này chưa hội đủ các điều kiện để trụ lại Olympic.

Tuy nhiên, việc Karate bị loại, trong khi breakdance xuất hiện lại trở thành chủ đề gây tranh cãi khác. Dù vậy, nước chủ nhà Olympic có quyền đề xuất các môn thể thao mới. Do đó, thật khó để làm hài lòng tất cả.

Nhưng theo dòng chảy thời gian, những môn như Karate, bóng chày hay thậm chí là squash hoàn toàn có thể xuất hiện ở kỳ Olympic trong tương lai.

Ủy ban Olympic Nga dẫn đầu ở chung kết bơi nghệ thuật Vượt qua Đoàn Thể thao Trung Quốc (96,2310 điểm), Ủy ban Olympic Nga (97,2979) về nhất ở bài thi chuyên môn nội dung đồng đội tại chung kết bơi nghệ thuật tối 6/8.

Hiểu Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/breakdance-se-xuat-hien-tai-olympic-paris-du-gay-tranh-cai-post1248773.html