Bớt dễ dãi để bảo vệ mình!

Còn nhớ trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội cách đây gần một năm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã cho rằng, dữ liệu cá nhân được xem là một tài sản nhưng chúng ta đã khá dễ dãi.

Và đến nay, khi vấn nạn lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và phức tạp, câu chuyện ý thức của người dùng tiếp tục vẫn là vấn đề mấu chốt hơn cả trong câu chuyện bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ mỗi người khỏi những “cạm bẫy màu hồng” vốn đang rình rập hàng ngày hàng giờ trên không gian mạng.

1.“Cạm bẫy màu hồng” - là cụm từ đầy vẻ bóng bẩy - gần đây được dùng để ám chỉ những chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Thống kê của cơ quan công an cho thấy hình thức tội phạm truyền thống đang giảm đi, nhưng tội phạm trên không gian mạng có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Còn theo các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Đặc biệt, các thủ đoạn lừa đảo luôn được các đối tượng “cập nhật” liên tục để dễ dàng “qua mặt” người dùng. Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến.

Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, lừa đảo trực tuyến tăng rất mạnh tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là các nhóm lợi dụng cơ chế của nền tảng nhắn tin OTT, cũng như những công nghệ mới như AI, deepfake, sử dụng trạm phát sóng giả để phát tán tin nhắn mạo danh.

Trong thông báo về chiến dịch phòng chống lừa đảo trực tuyến hôm 23/6/2023, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nhận diện 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng phổ biến nhất hiện nay. Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, nổi bật nhất trong số này là lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”.

Các nhóm lợi dụng các công cụ liên lạc OTT như Telegram để lập group có số lượng người đông, không bị giới hạn trong nhóm nhỏ, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý tại Việt Nam.

Với công nghệ deepfake, giả mạo hình ảnh và âm thanh của người khác, nạn nhân dễ bị mắc lừa hơn vì mắt thấy tai nghe trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh. Không chỉ giả mạo người thân, bạn bè, kẻ lừa đảo còn đóng vai cả công an khiến nạn nhân không biết đâu là thật, là giả. Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng… là những nhóm đối tượng dễ bị rơi vào “cạm bẫy màu hồng” hơn cả.

2.Nhận thức rõ những hệ lụy từ sự gia tăng mạnh mẽ các vụ lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.

Cùng với việc thường xuyên rà soát, đánh giá và có cảnh báo tới các tổ chức, cá nhân về những nguy cơ tấn công mạng, trong đó có tấn công lừa đảo, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật để bảo vệ người dân trên mạng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nỗ lực, giải pháp kỹ thuật của các cơ quan chức năng là cần nhưng chưa đủ. Đủ ở đây chính là ý thức tự bảo vệ mình khỏi cạm bẫy của người dùng. Nói một cách thẳng thắn, như nhìn nhận của ông Lê Công Thành - Giám đốc điều hành InfoRe Technology, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng phổ biến, là hệ lụy của việc thông tin/dữ liệu cá nhân của người dùng đang bị lộ lọt quá nhiều.

“Chúng ta thoải mái đưa hình ảnh cá nhân, thông tin cư trú, con cái, các mối quan hệ lên các nền tảng xã hội mà không ý thức đây chính là nguyên liệu quan trọng để các đối tượng có thể lợi dụng nhằm tạo dựng “phiên bản số” của chính bạn trên không gian mạng. Do đó, theo tôi, để giải quyết căn cơ tình trạng lừa đảo trực tuyến hiện nay, trước hết cần phải giải được bài toán về bảo mật dữ liệu cá nhân từ ý thức của mỗi người”- ông Lê Công Thành chỉ rõ.

Tại phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã khẳng định, thực trạng lộ lọt thông tin hiện nay rất đáng báo động. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, sở dĩ câu chuyện đó ngang nhiên diễn ra và ngày càng đáng báo động do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao.

Tới thời điểm này, lộ lọt thông tin cá nhân đang trở nên thực sự đáng báo động. Điều nguy hiểm hơn, như chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, việc lộ dữ liệu cá nhân là vấn đề lâu nay nhiều người chưa ý thức và chưa lường trước được hậu quả nghiêm trọng của nó. Việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng hiện nay đang diễn ra công khai, trắng trợn. Thực tế là hiện nay xuất hiện rất nhiều trang web, chợ rao bán dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội. Không khó để tìm kiếm các tệp thông tin khách hàng, được phân loại đa dạng từ cơ bản đến các khách VIP, thuộc rất nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ y tế, giáo dục rồi bảo hiểm, du lịch.

Nguyên nhân nữa là mỗi cá nhân cũng khó xác định được vì sao thông tin cá nhân của mình bị lộ. Bởi, đặc điểm của không gian mạng là xuyên biên giới, tính nặc danh rất cao, đi đến đâu có thể xóa dấu vết đến đó. Còn như nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dữ liệu cá nhân được xem là một tài sản, mỗi người dân phải bảo vệ tài sản cá nhân mình nhưng vừa qua chúng ta khá dễ dãi.

3. Mỗi người trong số chúng ta đều đã, đang có thể phải trả cái giá không hề rẻ cho sự dễ dãi hay sự “chưa ý thức, chưa lường trước được hiệu quả của việc lộ, lọt thông tin cá nhân” của mình. Nhưng rõ ràng, không thể để cho cái ác mãi được dung dưỡng, có cơ hội tung hoành.

Từ ngày 1/7/2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực thi hành được xem là một bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Theo đó, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, các hành vi bị nghiêm cấm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đã được quy định rõ tại Nghị định này.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong bài toán xử lý vấn nạn lừa đảo trực tuyến, lộ lọt dữ liệu cá nhân này, giải pháp mang tính thể chế của các cơ quan chức năng cần nhưng chưa đủ. Trong số những lời giải cho vấn nạn này, nói như người đứng đầu ngành TT&TT, liên quan đến nhận thức và tuyên truyền.

Ngày 24/11/2022, Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) cho người dân trên không gian mạng đã chính thức được thành lập hướng tới mục tiêu giúp người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên mạng. Đây hoàn toàn là một động thái đáng mừng. Nhưng thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của 10 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia Liên minh (trong đó phần đa là doanh nghiệp công nghệ) này, thiết nghĩ cần lắm sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan báo chí. Làm thế nào để thông điệp: bớt dễ dãi trong chia sẻ thông tin cá nhân để tự bảo vệ mình đến được với hàng triệu người Việt đang sử dụng mạng Internet, có lẽ cũng là trách nhiệm thường xuyên của các tòa soạn hiện nay, chứ không chỉ dừng lại là những đợt tuyên truyền “nóng” trong khoảng thời gian ngắn trên mặt báo.

Anh Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bot-de-dai-de-bao-ve-minh-post260785.html