'Bông hoa Mai' mưu trí, dũng cảm

Trong những ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), bà Nguyễn Ngọc Mai, nguyên là một cán bộ của Ban Trí vận - Mặt trận Sài Gòn - Gia Định, người từng tham gia làm giao liên nội đô đầy gian nan, nguy hiểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tạ thế sau 90 năm sống và cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Bà Nguyễn Ngọc Mai (bên trái) trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Thu Hoàn.

Nhưng cuộc đời và tấm gương của bà như bông hoa mai xinh đẹp, mãi không phai mờ, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam.

Bà Nguyễn Ngọc Mai, sinh năm 1934, tại Bình Dương, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm lên 10 tuổi, bà mồ côi mẹ. Năm 12 tuổi, cha bà là nhà giáo Nguyễn Văn Hinh - cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Tài chính tỉnh Bình Dương hy sinh trong một trận càn của địch. Chị em bà phải tản mát theo các cô, chú, cậu, dì. Sống trong hoàn cảnh đất nước bị xâm chiếm, người cha kính yêu bị giặc sát hại, nợ nước thù nhà đã in hằn trong ký ức tuổi thơ của bà. Năm 16 tuổi, khi đang ở cùng nhà một người dì ruột, bà được các cán bộ đến vận động vào chiến khu tham gia cách mạng, dù lúc đó, bà chưa hiểu hết tổ chức là gì, cách mạng là gì... nhưng đã hăng hái lên đường.

Từ tháng 2/1950 đến tháng 12/1954, bà Mai tham gia kháng chiến, công tác tại xưởng dệt Sở Kinh tế Nam Bộ, Thư ký đánh máy văn phòng phân Sở Kinh tế Nam Bộ. Sau đó, bà được điều động về công tác tại Khu ủy khu 8 Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tại đây, bà đã kết hôn với một người đồng đội. Từ tháng 12/1954 đến tháng 12/1961, bà Mai là giao liên cho liên Tỉnh ủy Bến Tre, Trà Vinh và là giáo viên Hội truyền bá Quốc ngữ. Từ công việc này, bà Mai nhận nhiệm vụ Tổng phát hành sách báo, tài liệu, thư tín Mặt trận và gom góp thuốc men để chuyển vào căn cứ. Công việc đầy thử thách, gian nguy nhưng bà không nề hà, dũng cảm vượt qua. Đến năm 1961, cơ sở bị lộ, chồng bà Mai bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo.

Nhớ về những năm tháng khó quên đó, bà Mai xúc động chia sẻ: Đúng lúc chồng vừa bị bắt, tôi lại nhận được tin báo đồng đội cũng đã bị lộ nên vội vàng gửi con gái rồi tìm cách tẩu tán hết chiếc ghe tài liệu để không bị địch phát hiện. Nhưng khi vừa về đến nơi thì nhớ ra trên trần nhà vẫn còn một lượng lớn thư tín, tài liệu quan trọng. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải xóa sạch dấu vết trước khi trời sáng. Đang đêm, bà tức tốc trèo lên trần nhà, dở tấm la phông lấy tài liệu ra, phần thì cho vào nước ngâm, phần đem đốt... Lo sợ khói bay ra ngoài sẽ bị phát giác nên tôi vừa đốt vừa canh. Việc tẩu tán tài liệu diễn ra gấp gáp và đúng như dự định. Tờ mờ sáng, bà đã hoàn thành công việc và nhanh chóng tẩu thoát vào căn cứ. Nhìn thấy bà xuất hiện trong thể trạng gầy ốm, anh chị em trong căn cứ vừa thương vừa lo, giục bà đứng lên cân. Mọi người tròn mắt khi thấy bà từ 34kg giờ chỉ còn 28kg.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khi đó diễn ra ác liệt. Dưới ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bà tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ là chiến sĩ giao liên của Ban Trí vận - Mặt trận Sài Gòn - Gia Định từ tháng 12/1961 đến tháng 5/1975. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, bà đảm nhận vai trò là đại lý phân phối của Tổng đại lý bột Bích Chi do bà Đoàn Thị Bích Hoàn và ông Đỗ Như Công gây dựng chuyên sản xuất, kinh doanh bột gạo lứt cho trẻ em lừng danh ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam lúc bấy giờ. Đây là cơ sở kinh doanh hợp pháp làm bình phong che chắn, hậu thuẫn đắc lực cho hoạt động bí mật của Ban Trí vận - Mặt trận Sài Gòn - Gia Định dễ dàng hoạt động, tiếp xúc với các tầng lớp như: công thương, kỹ nghệ gia, trí thức….

Hàng ngày, nữ tài xế Nguyễn Ngọc Mai đích thân lái chiếc xe Daihatsu chở các thùng bột Bích Chi nhưng thực chất là giao liên đưa đón các cán bộ lãnh đạo đi hoạt động và vận chuyển thuốc men, súng, tài liệu bí mật, thư tín, truyền đơn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đưa tập san Trí Thức Mới của Ban Trí vận - Mặt trận từ nội thành Sài Gòn đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ để tiếp tế cho cách mạng. Mỗi ngày, bà giao khoảng 5-6 tấn bột gạo lứt Bích Chi đi các nơi. Trên xe có chở thêm đám trẻ con là con cháu của bà để làm bình phong qua mắt địch theo dõi. Những thùng bột Bích Chi còn được tiếp tế đến các chiến trường, nơi có nhiều thương, bệnh binh cần dinh dưỡng. Xinh đẹp, thông minh, sắc sảo, bản lĩnh gan dạ, dày dặn kinh nghiệm, nữ chiến sĩ giao liên đơn tuyến ấy đã không biết bao nhiêu lần bình tĩnh đối phó với sự kiểm soát gắt gao của địch, táo bạo băng qua mạng lưới mật thám dày đặc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ lãnh đạo, tài liệu của tổ chức và chưa một lần nào bị địch bắt.

Trong lần trò chuyện với chúng tôi, bà kể về khí thế của những ngày cận Tết năm 1972. Bên ngoài giòn giã tiếng súng tiến công của bộ đội ta, bên trong vang dội những trận đánh của biệt động Sài Gòn vào các cơ quan đầu não của địch, ở nội đô cũng sôi động không kém. Truyền đơn của Mặt trận được tung ra khắp nơi giữa lòng Sài Gòn thông qua việc giấu trong những thùng bột Bích Chi bán cho khách hàng.

Đồng bào ta đón nhận với tinh thần phấn chấn, hồ hởi. Đặc biệt, trong không khí thế Tổng Tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, công tác giao liên nội đô trở nên hết sức cấp kíp. Cấp trên yêu cầu luôn trong tư thế sẵn sàng nhận lệnh và hết sức bình tĩnh trước mọi diễn biến. Nhiều đêm, bà gần như thức trắng suy nghĩ cách vận chuyển, phát hành tài liệu mật đến với anh em, đồng chí sao cho kịp thời, an toàn trước vòng vây ráo riết của địch.

Tham gia hoạt động giao liên nội đô ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày giải phóng miền Nam đương đầu với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, có những lúc “cân não”, bà luôn ghi lòng tạc dạ lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của người thủ trưởng đáng kính - đồng chí Huỳnh Tấn Phát: “Em cố gắng bảo vệ bí mật để hoàn thành nhiệm vụ, giao liên là mạch máu của Đảng và nỗ lực hết sức để không phụ sự tin cậy của tổ chức”.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước được hòa bình, thống nhất, có sự đóng góp, cống hiến, hy sinh của những chiến sĩ giao liên thầm lặng nội đô, trong đó có bà Nguyễn Ngọc Mai đã góp phần tạo nên bản hùng ca cho công tác Trí vận - Mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Sau ngày đất nước giải phóng, bà hăng hái, tích cực tham gia công tác Hội phụ nữ, công tác chính quyền của phường, quận. Dù ở vị trí công tác nào, bà đều dốc hết tâm huyết, nhiệt thành cho công việc.

Đến tuổi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục là cầu nối trong Ban Trí vận - Mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Ẩn giấu phía sau một trí tuệ sắc sảo, tính cách mạnh mẽ là một trái tim dạt dào, nồng ấm tình người, tình đời. Trước khi qua đời, dù tuổi cao, đôi chân dẫu không còn nhanh nhẹn như trước nhưng bà Mai vẫn tự đi đến thăm những người đồng đội, đồng chí khi nghe tin ốm đau, bệnh trọng; tham gia các buổi gặp mặt truyền thống, nâng niu, lưu giữ những ký ức về năm tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng.

Chỉ mới đây, khi tiếp đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại TPHCM, bà Nguyễn Ngọc Mai đã trao tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những kỷ vật của một thời hoa lửa. Vậy mà chỉ sau đó vài hôm, ngày 21/4/2024, bà đã tạ thế sau 90 năm sống và cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Nhưng cuộc đời của bà, như bông hoa mai xinh đẹp - chân dung chiến sĩ giao liên tài giỏi của Ban Trí vận - Mặt trận Sài Gòn-Gia Định, nữ tài xế mưu trí, dũng cảm tự tay lái chiếc xe Daihatsu chở những thùng bột Bích Chi ngụy trang vận chuyển hàng nghìn tài liệu mật, truyền đơn, vũ khí đến căn cứ, đến các tổ chức và cơ sở cách mạng, bảo đảm an toàn tuyệt đối ngay trong lòng địch sẽ mãi mãi không phai mờ, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thu Hoàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bong-hoa-mai-muu-tri-dung-cam-10278559.html