Bóng câu qua cửa…

Bắt đầu sau Tết Dương lịch, dường như thời gian chạy nhanh hơn. Cảm giác Tết Nguyên đán cứ vùn vụt đến trong khi bao nhiêu việc còn chưa kịp hoàn thành. Những ngày này, trong tâm thức cái đồng hồ đếm ngược đến ngày Tết cứ thản nhiên gõ không khỏi khiến người ta sốt ruột. Không phải gõ cho đám trẻ hồn nhiên mong Tết, mà gõ cho người lớn nặng trĩu những lo toan, muốn làm cho xong công việc, không để việc cũ kéo sang năm mới, có vậy mới thảnh thơi đón Tết.

Dân gian ngày xưa gọi tháng Chạp chuẩn bị đến Tết là tháng củ mật. Đây là thời gian bận rộn, tấp nập nhất trong năm. Các doanh nghiệp tăng ca, trữ thêm hàng cho dịp Tết. Dân kinh doanh buôn bán cũng căng đầu tính toán, trữ hàng vào dịp này để chờ Tết. Tâm lý của dân mình một năm có 3 ngày Tết nên cái gì cũng để dành đến Tết tiêu xài, bộ quần áo mới cũng để dành đến Tết, khó khăn gì trong năm cũng mặc kệ nhưng 3 ngày Tết không được để thiếu thứ gì… Vậy nên có vay mượn thì cũng phải tiêu xài. Bao nhiêu việc tối mắt tối mũi, chưa kịp làm xong mà thời gian thì cứ trôi vèo.

Ảnh: KHANG NGUYỄN

Mà thực ra, thời gian trôi nhanh hay chậm nhỉ? Từ ngàn xưa, nhân loại đã tìm ra phép đo ngày tháng, đã biết chia một ngày thành bao nhiêu giờ, khắc... Ngày nào cũng như ngày ấy, cũng bấy nhiêu giờ khắc ấy, vậy tại sao ta cứ than thời gian nhanh hay chậm? Có người chả biết làm gì cho hết ngày, có người lúc nào cũng than thiếu thời gian? Phải chăng thời gian đi nhanh hay chậm phụ thuộc vào tâm trạng của con người?

Chợt nhớ mấy năm trước, khi dịch bệnh còn phức tạp, cả ngày tự nhốt mình trong nhà, mỗi người một góc ôm máy tính, điện thoại cắm cúi… thời gian có cảm giác như ngừng trôi, mãi không thấy hết ngày. Đó chính là lúc mình cảm nhận thật rõ ràng, khi mình không có việc gì để làm thì thời gian như tù đọng…

Các cụ ngày xưa có câu ví von: “Thời gian như bóng câu qua cửa” (câu - có nghĩa là con ngựa non, chỉ thời gian trôi vùn vụt như bóng ngựa non sung sức phi ngang qua khe cửa sổ). Thành ngữ đó hàm nghĩa rất rộng, dành cho cả cuộc đời người. Thành ngữ đó nói về trách nhiệm của người sử dụng quỹ thời gian của mình đối với xã hội. Đó còn là tâm trạng của người ôm ấp bao nhiêu dự định, mục tiêu nhưng bất lực trước sự hữu hạn của thời gian. Như tâm trạng của danh tướng Đặng Dung thời Hậu Trần, anh hùng không gặp vận nên lỡ dở cuộc kháng chiến chống quân Minh: “Nợ nước chưa xong đầu đã bạc; Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”.

Nên cũng chẳng trách chi lớp trẻ bây giờ, có những người khi nào cũng đi như chạy cho kịp với nhịp độ công việc, khi nào cũng than thèm ngủ. Có những người thấy ngồi đồng cả ngày ở quán cà phê, chăm chú lướt điện thoại... Đời cho mỗi người một quỹ thời gian tương đương, vấn đề là mỗi người sử dụng theo một cách mà thôi. Để mà cảm nhận thời gian trôi nhanh hay chậm do mình. Để đến một ngày tự nhiên thấm thía câu hát: “Thời gian như là gió, mùa đi cùng tháng năm, tuổi theo mùa đi mãi….”.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202401/bong-cau-qua-cua-e775bf8/