'Bổn cũ soạn lại': Trung Quốc cản trở thương vụ 69 tỷ USD của ông trùm chip Mỹ

Các cơ quan quản lý chống độc quyền của Bắc Kinh đã mất quá nhiều thời gian để đánh giá thương vụ mua lại trị giá 5,4 tỷ USD của tập đoàn Intel khiến nhà sản xuất chip Mỹ này đã phải từ bỏ. Giờ đây, Bắc Kinh dường như tiếp tục sử dụng chiến lược này để cản trở một thương vụ của một công ty bán dẫn khác của Mỹ với giá trị lên tới 69 tỷ USD.

 Broadcom chủ yếu sản xuất chip nhưng đang dần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình.

Broadcom chủ yếu sản xuất chip nhưng đang dần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình.

Mòn mỏi chờ Trung Quốc thông qua

Các cơ quan quản lý Trung Quốc dường như đang cân nhắc xem có nên trì hoãn việc phê duyệt thương vụ trị giá 69 tỷ USD của nhà sản xuất chip Broadcom của Mỹ với công ty điện toán đám mây VMWare hay không, hãng tin Financial Times trích dẫn ba nguồn thạo tin cho hay.

Động thái này có thể là đòn trả đũa đối với thông báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc mở rộng kiểm soát việc xuất khẩu chất bán dẫn từ Mỹ sang Trung Quốc.

Washington đầu tuần qua đã cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để lấp lỗ hổng được Nvidia và Intel sử dụng để tiếp tục bán chip AI cho thị trường Trung Quốc. Ngay cả một số chip không tập trung vào AI, như bộ xử lý hàng đầu của Nvidia dành cho trò chơi điện tử, hiện cũng bị chặn bán theo các quy định mở rộng.

Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh được cho là khó có thể chính thức ngăn chặn thỏa thuận giữa Broadcom và VMWare. Thay vào đó, các cơ quan quản lý của nước này có thể kéo dài quá trình phê duyệt vô thời hạn cho đến khi cả hai bên đều cảm thấy “nản chí” và từ bỏ.

Trước đó, thương vụ trị giá 69 tỷ USD nêu trên đã làm dấy lên quan ngại về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này, dẫn đến các cuộc điều tra bởi những cơ quan chống độc quyền tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh. EC từng cho biết quá trình điều tra sâu rộng phát hiện thấy thương vụ có thể “ảnh hưởng tới tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu về việc cung cấp” card mạng cáp quang (FC HBA).

Để khắc phục vấn đề, Broadcom đưa ra cam kết về việc hợp tác với công ty Marvell Technology hay bất cứ đối thủ tiềm tàng nào khác. Ngoài ra, công ty của Mỹ cũng đảm bảo mã nguồn mở cho tất cả driver của FC HBA hiện nay và tương lai.

Broadcom từ chối xác nhận với Financial Times liệu thương vụ này có cần sự chấp thuận của Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia lớn, ngay cả khi họ không phải công ty Trung Quốc, vẫn phải nộp các thỏa thuận lên Cơ quan quản lý thị trường nhà nước (SAMR) của Trung Quốc để phê duyệt vấn đề chống độc quyền nếu các bên tạo ra doanh thu hơn 55 triệu USD tại nước này.

Trước đó, Broadcom báo cáo 33 tỷ USD doanh thu trong năm tài chính vừa qua, khoảng 35% trong số đó đến từ việc bán hàng sang Trung Quốc và Hồng Kông.

VMWare thì tạo ra 12,9 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua. Công ty điện toán đám mây này chỉ nhận được hơn một nửa doanh thu từ các thị trường ngoài Mỹ.

Broadcom chủ yếu sản xuất chip nhưng đang dần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình. Thỏa thuận với VMWare, nếu được tiến hành, sẽ mang lại cho công ty một chỗ đứng vững chắc trên thị trường điện toán đám mây.

Không phải lần đầu tiên

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề bao gồm thương mại và sở hữu trí tuệ đã tác động không nhỏ tới thỏa thuận giữa các công ty, đặc biệt là với các công ty công nghệ.

Tập đoàn Intel của Mỹ hồi tháng 8 vừa qua đã hủy thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD nhằm mua lại hãng sản xuất chip Tower Semiconductor của Israel sau khi hợp đồng mua bán hết hạn vào ngày 15/8 mà phía Trung Quốc chưa chấp thuận.

Thỏa thuận đã được thống nhất từ tháng 2/2022 nhưng đến tháng 8 các cơ quan quản lý của Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt thương vụ này, khiến hợp đồng "đổ bể" khi hết thời hạn.

Theo các nguồn thạo tin, Intel không muốn tiếp tục đàm phán để gia hạn thời gian xin phê duyệt hợp đồng và sẽ trả 353 triệu USD để đền bù cho thỏa thuận.

Năm ngoái, DuPont De Nemours Inc của Mỹ đã phải hủy thỏa thuận trị giá 5,2 tỷ USD mua lại nhà sản xuất vật liệu điện tử Rogers Corp. Công ty này cũng không xin được phê duyệt từ các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Đăng Phạm

Theo Financial Times

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bon-cu-soan-lai-trung-quoc-can-tro-thuong-vu-69-ty-usd-cua-ong-trum-chip-my-20180504224290428.htm