'Bổn cũ soạn lại', giải pháp đấu thầu vàng đã hết hiệu nghiệm?

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng phương án cũ, tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm kiềm chế đà tăng của mặt hàng này. Tuy nhiên, khác với 11 năm trước, giá vàng không giảm, ngược lại còn tăng dữ dội.

“Bổn cũ soạn lại”

Cách đây 11 năm, vào năm 2013, giá vàng trong nước cũng từng tăng phi mã. Trong 3 tháng đầu năm 2013, giá vàng SJC đã tăng vọt từ 43 triệu đồng/lượng lên 47 triệu đồng/lượng, đây là mức giá kỷ lục được thiết lập ở thời điểm đó. Mức giá này chênh khoảng 4,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Hình ảnh người dân ồ ạt mua vàng trong ngày 11/5. (Ảnh: QH)

Tuy nhiên, vào giữa năm 2013, giá vàng SJC có xu hướng hạ nhiệt và loanh quanh ở ngưỡng 37 - 38 triệu đồng/lượng. Mức giá này duy trì tới hết năm 2018.

Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân giúp giá vàng hạ nhiệt tại thời điểm đó là nhờ vào việc lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Trong cả năm 2013, NHNN đã tổ chức tổng cộng 76 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là hơn 1,8 triệu lượng trên tổng số 1,93 triệu lượng chào thầu.

Sau 11 năm, thị trường vàng trong nước tiếp tục dậy sóng dữ dội. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, giá vàng đã tăng gần 25%. Nếu thời điểm 1/1/2024, giá vàng SJC ghi nhận mức giá 70 triệu đồng/lượng (mua vào) - 74 triệu đồng/lượng (bán ra), thì trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá vàng thiết lập mức giá chưa từng có 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Điều đáng nói, thời gian vừa qua, NHNN đã sử dụng phương án cũ, tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm kiềm chế đà tăng của mặt hàng này. Tuy nhiên, khác với 11 năm trước, giá vàng không những không giảm, ngược lại còn tăng dữ dội.

Theo thông báo của NHNN vào giữa tháng 4/2024, đơn vị này tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC với tổng khối lượng dự kiến sẽ đấu thầu là 16.800 lượng. Giá tham chiếu là 81,8 triệu đồng/lượng.

Kể từ ngày 22/4 tới nay, NHNN đã tổ chức 5 phiên đấu thầu vàng miếng. Trong phiên đấu thầu mới nhất diễn ra vào ngày 8/5, đã có 3 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô vàng miếng tương đương với 3.400 lượng vàng.

Giá vàng vẫn tăng dữ dội, vì sao?

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đại diện truyền thông một doanh nghiệp kinh doanh vàng xin giấu tên cho biết: Giống như 11 năm trước, chỉ có một nguyên nhân khiến giá vàng tăng phi mã, đó là cung không đủ cầu. Vì vậy, dựa vào lý thuyết kinh tế, nếu tăng nguồn sẽ giúp vàng hạ nhiệt.

Tuy nhiên, khác với 11 năm trước, ở thời điểm hiện nay, càng tăng cung, nhu cầu cũng tăng dữ dội. Ngay cả khi vàng đang đu đỉnh lên tới 90 triệu đồng/lượng, nhu cầu mua vàng vẫn tăng rất cao.

“Với tốc độ tăng phi mã như hiện nay, nhiều người, nhất là giới đầu tư đang có tâm lý chờ vàng tăng tiếp. Do đó, số lượng người mua vàng không hề giảm, thậm chí còn tăng mạnh so với trước khi đấu thầu. Nếu hết vàng SJC thì mua vàng các loại vàng khác, như nhẫn tròn, hết nhẫn tròn thì mua trang sức tích trữ. Như vậy đã làm giảm hiệu quả của việc đấu thầu vàng”, vị này nói.

Vị này thẳng thắn cho rằng, việc Nhà nước độc quyền kinh doanh mặt hàng này chính là yếu tố chính dẫn đến hiện tượng này.

“Mặc dù NHNN tổ chức đấu thầu vàng, nhưng tổng khối lượng vàng vẫn ở mức giới hạn, nhiều người mua thì chỉ vài năm là hết, như vậy sẽ tạo ra vòng lặp hết đợt này đến đợt khác”, vị này chia sẻ.

Hiện, giá vàng vẫn tăng dữ dội. (Ảnh: ST)

Ghi nhận thực tế vào ngày 11/5, rất đông người dân tại Hà Nội xếp hàng dài trước cửa hàng vàng lớn để mua mặt hàng này. Do nhiều người tập trung đến chỉ để mua vàng nhẫn tròn trơn nên gần như cuối giờ sáng 11/5, hàng loạt cửa hàng bán vàng đều thông báo hết mặt hàng này. Vì vậy, nhiều người đến mua vàng buộc phải “quay xe” ra về.

Trước đó, PGS.TS Ngô Trí Long cũng đã lưu ý, việc tăng nguồn cung vàng ở thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, việc đấu thầu vàng sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế trong nước.

Cụ thể, nếu tiếp tục cung vàng ra thị trường có thể kích thích, tiếp tay cho nạn đầu cơ vào vàng, như vậy có thể xảy ra tình trạng “tái vàng hóa” nền kinh tế, đây được coi là một rủi ro lớn cho nền kinh tế.

“Hiện nay, chúng ta nói là nhu cầu vàng của người dân tăng song không định lượng được nhu cầu vàng mà người dân cần là bao nhiêu. Thêm nữa, nếu NHNN tiếp tục tung vàng ra thị trường vô hình trung sẽ khiến người dân đổ xô đi mua vàng để đầu cơ”, ông Long nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bon-cu-soan-lai-giai-phap-dau-thau-vang-da-het-hieu-nghiem-post295128.html