'Bơm' vốn cho nông nghiệp, giải pháp đẩy mạnh tín dụng cuối năm

Tín dụng tăng trưởng chậm đặt ra yêu cầu với các ngân hàng phải tăng tốc đưa vốn ra nền kinh tế để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng yêu cầu kiểm soát hiệu quả đồng vốn cũng có vai trò quan trọng. Theo đó, những lĩnh vực là nền tảng của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đang được coi là những mảng ưu tiên để ngân hàng bơm vốn.

Các tổ chức tín dụng luôn tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: TL

Vẫn trăn trở đầu ra cho dòng vốn

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến cuối tháng 8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại theo đó còn thấp hơn khá xa so với mức tăng 9,87% cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm, theo đó, việc tiếp tục đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong cả năm 2023 đang là thách thức lớn với ngành Ngân hàng.

Hiện nay, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng). Lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.

Theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản… Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất…) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Vừa qua, NHNN cũng đã đề xuất bốn nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đó là nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; thứ hai, nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; thứ tư, nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

Điểm nhấn là lĩnh vực nông nghiệp

Thời gian qua Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, NHNN trong điều hành kinh tế nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng luôn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong đó, định hướng chung của Chính phủ và ngành Ngân hàng là tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được đặt mối quan tâm hàng đầu.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích TCTD cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ. Ngoài ra, NHNN cũng đã chỉ đạo TCTD thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.

Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế thị trường, ngay đầu năm 2023, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Kết quả, đến cuối tháng 8/2023, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04%. Bà Giang cho biết, qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tín dụng đối với lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Để đẩy mạnh tín dụng, đặc biệt với các lĩnh vực, nông thủy sản trong thời gian tới, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, các TCTD tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ, cả lãi suất với ngoại tệ và nội tệ. Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cắt giảm phí, các thủ tục không cần thiết, nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân; linh hoạt hơn các hạn mức tín dụng, gắn với mùa vụ; tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…

Ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Hiện tại, một số chính sách cho tín dụng nông nghiệp nông thôn được thể hiện tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP (về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn), Nghị định 116/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 55); các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Ngoài ra, NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm); chính sách cho vay bằng ngoại tệ để để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bom-von-cho-nong-nghiep-giai-phap-day-manh-tin-dung-cuoi-nam-136085-136085.html