Bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND TP Bắc Giang tổ chức bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ (SHTT).

Đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng về SHTT.

Tham gia có gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an, cán bộ các cơ quan, đơn vị làm công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến SHTT; chủ sở hữu các nhãn hiệu, các hội viên, xã viên, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Bắc Giang.

Những năm gần đây, hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng cho sự phát triển lĩnh vực KH&CN đồng thời thúc đẩy KT- XH phát triển.

Hiện toàn tỉnh có 85 nhãn hiệu tập thể, hơn 1,3 nghìn nhãn hiệu thông thường và nhiều sản phẩm được chỉ dẫn địa lý, khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường. Các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT đã góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Một số sản phẩm được chỉ dẫn địa lý như vải thiều Lục Ngạn; sâm Nam núi Dành; na dai Lục Nam…

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực song vị thế của sản phẩm vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế. Việc quản lý chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa ở các hợp tác xã, hội sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng giả mạo nhãn hiệu, tên gọi đã được đăng ký bản quyền xảy ra ở một vài nơi làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm đã được bảo hộ quyền SHTT.

Từ thực tế đó, Sở KH&CN phối hợp với UBND TP Bắc Giang tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức về SHTT. Tại đây, đại biểu được nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN); Công ty TNHH Luật ALIAT và giảng viên của Sở KH&CN chia sẻ nhiều nội dung như: Các hình thức bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm liên quan đến dấu hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể. Tình hình vi phạm về SHTT, giải quyết tranh chấp và những vấn đề đặt ra hiện nay ở Việt Nam. Quy định, quy chế sử dụng nhãn hiệu khi được bảo hộ. Những hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; kỹ năng giải quyết tranh chấp.

Từ những nội dung được giới thiệu, các học viên có thêm thông tin, kiến thức quan trọng về hoạt động SHTT. Từ đó vận dụng hiệu quả vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, điều tra, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến SHTT.

Tin, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/boi-duong-kien-thuc-ve-so-huu-tri-tue-152351.bbg